|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người dân thắt lưng buộc bụng, sức mua giảm mạnh trong dịch

11:27 | 06/09/2021
Chia sẻ
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động tại Việt Nam trong quý II đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226.000 đồng so với quý trước đó.

Báo cáo từ Bộ Công cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 279,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 249,9 nghìn tỷ đồng (giảm 8% và giảm 25,3%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 13,5 nghìn tỷ đồng (giảm 26,3% và giảm 66,9%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 20 tỷ đồng (giảm 78,3% và giảm 97,6%); doanh thu dịch vụ khác đạt 16,4 nghìn tỷ đồng (giảm 27,1% và giảm 64,2%).

Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.044,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2%. 

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng ước đạt 2.499,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,1% tổng mức và giảm 1,4% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 254,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,4% tổng mức và giảm 19,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,1% tổng mức và giảm 61,8%,…

Báo cáo cuối tháng 8 của World Bank chỉ ra rằng ngoài tác động kinh tế vĩ mô, đại dịch cũng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hàng ngày của người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, những tác động đó không dễ đo lường vì chúng biến thiên theo thời gian, phụ thuộc vào quy mô của đại dịch và mức độ nghiêm ngặt của các hạn chế đi lại.

Người dân thắt lưng buộc bụng, sức mua giảm mạnh trong dịch - Ảnh 1.

Tác động của đại dịch đến thu nhập hộ gia đình. (Nguồn: World Bank).

Đánh giá của World Bank dựa trên những khảo sát do Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới hoặc cả hai bên thực hiện cho thấy kể cả nếu Việt Nam đã có khả năng chống chịu về kinh tế tương đối tốt hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong năm ngoái, thì nhiều người dân vẫn phải trải qua tình trạng khó khăn kinh tế và mức độ khó khăn đang tăng lên do tình hình kinh tế trong nước đang xấu đi.

Thị trường lao động có khả năng chống chịu tương đối vững trong năm đầu của đại dịch, nhưng xu hướng gần đây bắt đầu phản ánh tác động của đợt bùng phát dịch tháng 4. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, khoảng 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt dịch mới, bao gồm mất việc làm, tạm nghỉ, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, hoặc giảm thu nhập.

Quy mô lực lượng lao động giảm 0,7% trong khi có thêm 1,6% người lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm trong quý II năm nay so với quý II năm 2019. Mức lương thực tế vẫn thấp hơn 1,3% so với quý II/2019.

Trong quý II/2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức lên đến 57,4%, mức cao nhất trong ba năm qua. Mặc dù những số liệu trên có vẻ tương đối nhỏ so với nhiều quốc gia khác, kể cả trong khu vực, nhưng theo World Bank, những con số trên đã cho thấy sự thay đổi lớn trong lực lượng lao động thường đạt mức toàn dụng lao động trước đó và đến lương thực tế luôn gần như tự động tăng lên trong thập niên vừa qua.

Về mức tiền lương, theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động tại Việt Nam trong quý II đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226.000 đồng so với quý trước đó.

Trong đó, người lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng bị ảnh hưởng về thu nhập nhiều nhất với mức thu nhập bình quân tháng đạt 6,7 triệu đồng, giảm 464.000 đồng, tương ứng giảm 6,5% so với quý trước. Lao động trong khu vực dịch vụ với thu nhập bình quân đạt 7,2 triệu đồng, giảm 291.000 đồng, tương ứng giảm 3,9%.

Thiên Trường