|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khảo sát: Hơn 60% người trẻ Trung Quốc muốn trở thành KOL, dẫn livestream

15:20 | 13/07/2023
Chia sẻ
Giới trẻ Trung Quốc đang bước ra khỏi xiềng xích của lối nghĩ truyền thống rằng sinh viên tốt nghiệp đại học phải có học vấn cao mới tìm được “công việc sáng giá” trong những tòa nhà chọc trời.

Trong một cuộc khảo sát gần đây về định hướng việc làm của giới trẻ Trung Quốc, hơn 60% số người được hỏi cho biết họ muốn tận dụng cơ hội trong các ngành mới nổi như trở thành người có tầm ảnh hưởng (KOL) hoặc dẫn livestream, theo Global Times.

Khi các tờ báo Trung Quốc đưa tin về kết quả cuộc khảo sát, nó đã gây ra các cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Cư dân mạng cho rằng kết quả này là do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường việc làm hiện nay. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhìn rộng hơn lại cho biết điều này phản ánh tâm lý cởi mở và xu hướng đa dạng hoá khi tìm việc làm của giới trẻ so với thế hệ ba mẹ chúng.

Giới phân tích cũng chỉ ra rằng ngày càng có người tài giỏi tham gia vào những công việc như KOL hay livestream sẽ nâng cao chất lượng của lĩnh vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng kêu gọi người trẻ tuổi thận trọng khi tìm kiếm việc làm, đặc biệt việc trở thành KOL không hề dễ dàng và có lợi như nhiều người vẫn nghĩ.

Một người trẻ Trung Quốc đang livestream bán hàng. (Ảnh: AP).

Cuộc khảo sát được thực hiện bởi nền tảng Sina Weibo với gần 10.000 người tham gia. Trong đó, chỉ có 38,4% người được hỏi cho biết họ chưa bao giờ cân nhắc công việc trở thành KOL hay dẫn livestream.

Phó Giám đốc Viện Dân số và Phát triển (thuộc Học viện Khoa học xã hội tại Thượng Hải), ông Zhou Haiwang nói rằng ông không ngạc nhiên với kết quả của khảo sát này. Đây là diễn biến tự nhiên khi xét đến sự phát triển như vũ bão của các nền tảng livestream và video ngắn tại Trung Quốc.

Hồi tháng 5, Báo cáo của Hiệp hội Biểu diễn nghệ thuật Trung Quốc (CAPA) cho biết doanh thu từ thị trường livestream và video ngắn tại nước này ước đạt 199,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 27,5 tỷ USD) trong năm ngoái, tăng 8% so với cùng kỳ.

Tính đến hết năm 2022, Trung Quốc đã có hơn 150 triệu tài khoản máy chủ internet, tạo ra hơn 100 triệu cơ hội việc làm. Theo báo cáo, số lượng người xin vào làm việc tại các công ty livestream lớn của Trung Quốc và các nền tảng video ngắn đã vượt quá 500.000 trong cùng một thời điểm.

Báo cáo cũng cho biết chỉ riêng trong năm 2022, đã có hơn 10,32 triệu tài khoản mới được tạo trên các nền tảng phát trực tiếp và video ngắn tại Trung Quốc. 

Một số nhà phân tích coi việc giới trẻ mong muốn tham gia ngành công nghiệp livestream và video ngắn là một tín hiệu tích cực cho thấy giới trẻ Trung Quốc đang bước ra khỏi xiềng xích của lối nghĩ truyền thống rằng sinh viên tốt nghiệp đại học phải có học vấn cao mới tìm được “công việc sáng giá” trong những tòa nhà chọc trời. 

Bà Chen Lixia, cố vấn cấp cao về phát triển tài năng, cho biết nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đi dẫn livestream hơn sẽ cải thiện chất lượng tổng thể của lao động trong ngành này. Đơn cử như KOL Dong Yuhui - vừa là một giáo viên, vừa là người dẫn livestream cho New Oriental Education.

Cô Dong đã trở thành nhân vật nổi tiếng trên nền tảng TikTok vào tháng 6/2022, khi giới thiệu sản phẩm cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Trung. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc cho biết họ không thể ngờ được rằng có thể học tiếng Anh trong cả lúc xem livestream bán hàng.

Với khả năng dẫn song ngữ, cô Dong ngày càng nổi tiếng và có hơn 1,3 triệu người theo dõi chỉ sau 3 ngày. Đồng thời, hiện tượng của cô Dong đã thúc đẩy văn hoá livestream trở thành xu hướng tại đất nước tỷ dân.

Ông Zhou Haiwang nhắc lại việc thanh niên Trung Quốc được khuyến khích tìm kiếm nhiều cơ hội và công việc phù hợp với sử thích, chuyên ngành hoặc định hướng nghề nghiệp của họ. Cùng với sự phát triển của xu hướng livestream, cũng như video ngắn, một số công ty lớn đã thành lập các đơn vị chuyên trách phát livestream. Điều này mang lại cơ hội nhiều hơn cho thế hệ thanh niên muốn theo đuổi công việc này.

Tuy nhiên, vị Phó Giám đốc kêu gọi những người trẻ tuổi nên thận trọng trong tìm kiếm việc làm và không chọn việc này chỉ vì nó có vẻ mang lại tiền nhiều. Trên thực tế, để trở thành một KOL thành công không phải là điều dễ dàng.

Theo báo cáo CAPA đã đề cập ở trên, trong năm ngoái, 96,2% những người làm nghề livestream kiếm được ít hơn 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Và chỉ có 0,4% người dẫn livestream có thể kiếm được hơn 100.000 nhân dân tệ mỗi tháng ở Trung Quốc.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành này đang dần hạ nhiệt và bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ tự do phát triển sang tuân thủ các quy định chặt chẽ. Các chuyên gia lưu ý bạn trẻ cần suy nghĩ hợp lý và lập kế hoạch dài hạn trước khi dấn bước vào lĩnh vực này, đặc biệt trong thời điểm hiện tại.    

Đức Huy