Khánh Hòa đặt mục tiêu 70.000 phòng kinh doanh lưu trú, thu 200.000 tỷ từ ngành du lịch vào năm 2025
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký quyết định về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 14 của Tỉnh ủy Khánh Hòa, giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch nói trên nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển Khánh Hòa là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.
Trong đó, thành phố Nha Trang trở thành trung tâm du lịch của cả nước, có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới; vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong (nhất là tại khu vực Bắc Vân Phong) trở thành trung tâm kinh tế biển được đầu tư phát triển hiện đại về du lịch.
Theo đó, trong năm 2021, Khánh Hòa sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp kích cầu, truyền thông thu hút khách du lịch nội địa; tổ chức điều tra, khảo sát khả năng chống chịu của doanh nghiệp du lịch trước đại dịch Covid-19 từ đó đề ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp du lịch sớm đưa du lịch hoạt động trở lại bình thường.
Giai đoạn 2022 - 2025, Khánh Hòa thực hiện chiến lược phát triển du lịch với mục tiêu đa dạng thị trường khách du lịch, chú trọng thu hút thị trường khách nội địa.
Đồng thời, ngành du lịch tỉnh này sẽ từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, với mục tiêu nâng cao chất lượng khách du lịch và phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp.
Cụ thể, Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025 ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Khánh Hòa, là một trong những trung tâm du lịch của cả nước, đồng thời thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa có uy tín trong nước và khu vực.
Ngành du lịch tỉnh này cũng đặt mục tiêu đến 2025 thu hút được 11 triệu lượt khách lưu trú và duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 22%/năm (giai đoạn 2021-2023 tăng 20%/năm).
Trong đó, khách quốc tế đạt 5 triệu lượt và tốc độ tăng trưởng 25%/năm (giai đoạn 2021-2023 tăng 23%/năm).
Khánh Hòa cũng cho biết sẽ đầu tư xây mới và nâng cấp hệ thống khách sạn đến năm 2025 có 70.000 phòng kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó khoảng 70% phòng có quy mô đạt chuẩn chất lượng từ 3-5 sao.
Theo đó, tổng thu từ khách du lịch đạt 200 nghìn tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD), đóng góp trực tiếp vào GRDP từ 15-17%; tạo việc làm cho hơn 160.000 lao động trực tiếp trong du lịch.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, đến cuối năm 2020, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn Khánh Hòa là hơn 1.100 cơ sở với gần 50.000 phòng, trong đó khách sạn từ 3 đến 5 sao là 125 cơ sở với gần 24.000 phòng, đạt tỷ lệ gần 45%.
Trước dịch COVID-19, ngành du lịch Khánh Hòa liên tục phát triển. Cụ thể, trong năm 2019, địa phương này đã đón hơn 7 triệu lượt khách, tăng 13,3% so với năm 2018.
Trong đó khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt, tăng 27,5%. Doanh thu du lịch ước đạt 27.100 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2018.
Tuy nhiên, khi COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020, ngành du lịch Khánh Hòa gần như tê liệt với hàng loạt khách sạn, khu du lịch, cơ sở lưu trú đóng cửa.
Hiện Khánh Hòa đang xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin bằng các chuyến bay charter (chuyến bay thuê bao) theo đề nghị của Sở Du lịch.
Giai đoạn 1, Khánh Hòa dự kiến đón khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng biển dài ngày, ít di chuyển, khách du lịch chơi golf,... tại các resort - khu du lịch bán đảo Cam Ranh.
Nhóm khách được hướng tới là khách du lịch quốc tế Nga, Hàn Quốc và từ một số quốc gia/vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch, có thỏa thuận song phương, được sự đồng thuận của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng
Giai đoạn 2 và tiếp theo sẽ sau giai đoạn 1, nếu được thông qua và triển khai thành công sẽ tiếp tục đề xuất chọn các khu lưu trú trên các đảo của Nha Trang.