|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp vận tải bán xe trả nợ ngân hàng, cầm cự chờ ngày du lịch mở cửa

14:07 | 29/10/2021
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động trong ngành du lịch buộc phải bán hàng chục chiếc xe 16-45 chỗ để trả nợ trước sức ép của các ngân hàng TMCP và cố gắng cầm cự chờ ngày du lịch phục hồi.
Doanh nghiệp vận tải du lịch bán loạt xe 16-45 chỗ vẫn chưa thoát cảnh nợ nần - Ảnh 1.

Gần hai năm ngành vận tải du lịch "đứng bánh", xe nằm phơi nắng quanh năm. (Ảnh: Khải An).

Kiệt quệ

Đó là từ mà hầu như các doanh nghiệp hoạt động trong lãnh vực du lịch tại Khánh Hòa thường thốt lên khi nói về tình hình hoạt động của doanh nghiệp mình.

Các doanh nghiệp này cho biết, giai đoạn từ năm 2016 ngành du lịch Khánh Hòa bắt đầu khởi sắc và bùng nổ vào giai đoạn 2018-2019 với lượng khách đạt hơn 7 triệu khách/năm.

Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển của khách du lịch đến Khánh Hòa, nhiều doanh nghiệp du lịch và lữ hành đã đầu tư hàng chục phương tiện vận chuyển từ 16 – 45 chỗ.

Đến 31/8/2021, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Khánh Hòa là 39.813 tỷ đồng, chiếm 40,33% dư nợ cho vay toàn địa bàn, chủ yếu là ngành du lịch dư nợ bị ảnh hưởng là 8.854 tỷ đồng, chiếm 22,24% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng.

Ông Đỗ Thành Quân, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt Nam cho biết, trước khi dịch bùng phát ông đầu tư hơn 8 tỷ đồng và vay ngân hàng để mua 15 ô tô từ 16 – 35 chỗ phục vụ khách du lịch.

"Giai đoạn đó, mỗi tháng chúng tôi trả lãi ngân hàng khoảng 350 triệu đồng/tháng nhưng vẫn có nguồn thu vì có lượng du khách lớn đến Khánh Hòa.

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, không còn khách du lịch các doanh nghiệp du lịch nhanh chóng gặp khó nhất là những doanh nghiệp có vay ngân hàng với số tiền lớn", ông Quân cho hay.

Cũng theo ông Đỗ Thành Quân, từ nhóm khách VIP của ngân hàng ông nhanh chóng thuộc diện nhóm nợ xấu, ngân hàng "dí" áp lực trả nợ.

"Để tránh rơi vào nhóm nợ xấu và cố gắng cầm cự kỳ vọng dịch sớm được kiểm soát tôi buộc phải bán một số xe để trả lại ngay từ giữa năm 2020. Và sau đó phải liên tục bán dần các xe khác để trả gốc và lãi ngân hàng đến nay tôi đã bán 12 xe lớn nhỏ nhưng vẫn còn nợ ngân hàng.

Gần hai năm qua tôi mất hơn 8 tỷ tiền đầu tư xe nhưng các khoản nợ vẫn còn từ ngân hàng và người thân. Đó là chưa kể các khoản thiệt hại khác do dịch COVID-19 tác động đối với công ty", ông Quân chia sẻ.

Doanh nghiệp bán hàng chục xe 16-45 chỗ cầm cự chờ ngày du lịch phục hồi - Ảnh 3.

Vào giai đoạn trước dịch COVID-19 ngành du lịch tại Khánh Hòa phát triển mạnh, nhiều doanh nghiệp vận tải đầu tư loạt xe 45 chỗ đưa đón khách. (Ảnh: Khải An).

Ông A., chủ một doanh nghiệp vận tải trong ngành du lịch có tiếng tại Khánh Hòa đề nghị không nêu tên cho biết, trước năm 2020, doanh nghiệp ông có hơn 50 đầu xe 45 chỗ chuyên phục vụ khách du lịch, chủ yếu là nhóm khách quốc tế.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này liên tục phải bán các xe mua ở giai đoạn 2015, 2016 để trả lãi vay ngân hàng đối với các xe mới mua sau này. Đến nay, ông A. chỉ còn 30 xe nhưng mỗi tháng vẫn trả lãi ngân hàng hơn một tỷ đồng.

"Thường doanh nghiệp mua xe sẽ vay ngân hàng 60 – 70% giá trị xe, khoản vay này ở mức 4-5 năm. Do đó, những xe mua giai đoạn 2015 – 2016 đã trả được hết lãi và gốc (còn khoản 10-20% khoản vay) nên có thể tất toán để bán lấy tiền trả lãi cho các xe mới mua", ông A. phân tích.

Cũng theo ông A., dịch kéo dài khiến xe rớt giá vì không ai mua, ngân hàng gây áp lực trả lãi và đề nghị mua lại cũng với mức thấp.

"Tôi lấy ví dụ, một xe du lịch hai tỷ, doanh nghiệp nào vay ngân hàng 60% là 1,2 tỷ. Đến thời điểm quý I/2021, doanh nghiệp kiệt quệ, ngân hàng đề nghị mua lại xe với giá 800-900 triệu đồng. Như vậy, doanh nghiệp mất 800 triệu tiền mua xe (tiền mua xe) nhưng vẫn nợ ngân hàng 200 -300 triệu đồng. Cứ mỗi lần có đợt dịch mới bùng phát giá xe lại rớt thêm vài trăm triệu", ông A cho biết.

Kỳ vọng ngành du lịch sớm phục hồi

Các doanh nghiệp vận tải hoạt động trong ngành du lịch cho biết, một số ngân hàng có hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ hoặc chỉ trả lãi gốc... Nhà nước cũng có một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và nhân viên nhưng thực sự tất cả không đủ để giúp doanh nghiệp vực dậy và không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận các gói trên.

Các doanh nghiệp cho rằng, "chính sách" thiết thực nhất trong giai đoạn này là "mở cửa đường bay quốc tế và mở cửa để các tỉnh giao thương" có như vậy ngành du lịch và các ngành nghề khác mới sớm phục hồi và doanh nghiệp mới "sống" được.

Doanh nghiệp bán hàng chục xe 16-45 chỗ cầm cự chờ ngày du lịch phục hồi - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp tin rằng nếu thị trường mở cửa ngành du lịch sẽ nhanh chóng phục hồi, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 tác động. (Ảnh: Khải An).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty TNHH Anh Tuấn Phát, có khoảng 25 xe 45 chỗ cho biết hai năm qua doanh nghiệp đã cố gắng cầm cự, đến nay thì kiệt quệ.

"Trong thời gian dịch bệnh, chúng tôi cố gắng nhận tất cả các tour vận chuyển khách để có đồng ra, đồng vào vừa duy trì hoạt động, vừa có tiền trả ngân hàng.

Làm được bao nhiêu tôi đều mang đến ngân hàng trả dần để mong họ hiểu doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn. Và chúng tôi trả lương ngày cho tài xế thay vì lương tháng vì họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi thời gian dài không có nguồn thu. Có lúc tôi muốn bỏ hết, bán hết để tìm một công việc khác", ông Tuấn cho biết thêm.

Tuy khó khăn nhưng ông Tuấn cho biết, doanh nghiệp quyết không bán xe vì tin rằng dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát, ngành du lịch mở cửa sẽ kéo theo du khách đến nghỉ dưỡng trong thời gian tới. Tuy nhiên đợt dịch thứ 4 doanh nghiệp ông Tuấn và hàng loạt doanh nghiệp khác khốn đốn.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, các doanh nghiệp vận tải đang "sốc lại" công ty và chuẩn bị sẵn sàng khi chính quyền cho phép mở cửa du lịch đón khách.

"Một số đối tác đã liên hệ với công ty để nối lại tour tuyến để thực hiện trong thời gian tới. Nhiều nơi báo đã có khách và chỉ chờ thời gian để đón. Nhân viên công ty cũng đã sẵn sàng vận chuyển khách trong thời gian tới", ông Tuấn chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp bán hàng chục xe 16-45 chỗ cầm cự chờ ngày du lịch phục hồi - Ảnh 5.

Một số doanh nghiệp đã tiến hành bảo dưỡng xe và đã kết nối với một số công ty lữ hành đợi ngày du lịch hoạt động rộng rãi. (Ảnh: Khải An).

Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt Nam cũng kỳ vọng Chính phủ sớm mở cửa đón khách quốc tế và việc đi lại giữa các địa phương được thông thoáng ngành du lịch sẽ sớm hồi phục.

"Tuy còn nợ ngân hàng và người thân nhưng tôi vẫn giữa lại vài xe làm cơ sở để phục hồi kinh doanh khi ngành du lịch hoạt động trở lại. Tôi cũng kỳ vọng các ngân hàng có những gói hỗ trợ những khách hàng cũ để chúng tôi sớm phục hồi kinh doanh. Hiện chúng tôi cũng đã có một số đơn vị kết nối và chỉ đợi ngày khởi hành", ông Quân cho hay.

Riêng ông A cho biết, mọi bài toán sẽ được giải khi ngành du lịch hoạt động trở lại. "Chúng tôi sẽ có nguồn thu khi xe chạy để đón đưa khách và như thế nhân viên của chúng tôi sẽ có lương để lo cho gia đình và doanh nghiệp có tiền trả lãi cho ngân hàng", ông A. chia sẻ.

Khải An