Khaisilk bán lụa Tàu, 'cà phê pin' ảnh hưởng tai hại đến thương hiệu quốc gia Việt Nam
Xây dựng thương hiệu lớn gặp vô vàn khó khăn |
Chia sẻ tại diễn đàn thương hiệu Việt Nam với chủ đề “Thương hiệu với hội nhập và phát triển xuất khẩu bền vững”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành- Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Việt Nam đã có không ít thương hiệu đã bắt đầu gây dựng được niềm tin cho người tiêu dùng cũng như với đối tác trong nước và quốc tế. Có những thương hiệu được định giá cao như Viettel, FTP, Hòa Phát, Vinamilk…
Nhìn rộng ra, đây là thương hiệu của quốc gia, là thương hiệu của người Việt, sản phẩm Việt.
Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, Việt Nam có phần chậm trong việc nhìn nhận vấn đề thương hiệu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tính trung bình 20 năm qua vào diện cao nhất thế giới, nhưng tốc độ thương hiệu song hành với xuất khẩu không tương xứng.
"Đi đâu người ta cũng bảo Việt Nam xuất khẩu nhiều nông sản nhưng chữ tiếng Việt và công ty cụ thể, sản phảm cụ thể còn ít. Xây dựng thương hiệu khó nhưng phá hoại thương hiệu lại nhanh. Cần nghiêm túc xem xét sự trung thực của thương hiệu Việt, bởi vì chỉ cần 1 sản phẩm, 1 doanh nghiệp phá hoại thương hiệu thì lại gây hại cho cả chiến lược thương hiệu Việt"- ông Võ Trí Thành lưu ý.
PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh- Đại học Thương mại (cố vấn chương trình Thương hiệu quốc gia) cũng cho hay, hiện nay, nhiều sản phẩm được bán trên thị trường hoàn toàn không mang thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất.
"Rõ ràng, đó là một thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam, đặt ra bài toán cần suy nghĩ. Ví dụ cá tra, cá basa, gạo… chỉ có dòng duy nhất là sản phẩm từ Việt Nam nên các doanh nghiệp phải tìm cách liên kết nhau. 100 doanh nghiệp làm ăn tử tế, chỉ cần 1 doanh nghiệp phá là phá cả ngành hàng.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều, chất lượng tốt nhưng chưa có độ tin tưởng. Nói đến xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần hết sức lưu tâm. Doanh nghiệp Việt hiện mới chủ yếu tập trung xây dựng thương hiệu ra bên ngoài mà quên mất xây dựng thương hiệu nội bộ. Không làm tốt thì thương hiệu sẽ sa sút ngay từ bên trong"- PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh cho hay.
Ví dụ, sản phẩm lụa sau vụ Khaisilk hay cà phê thương hiệu tốt, xuất khẩu nhiều, nhưng liên tục phương tiện truyền thông đưa tin cà phê pin, lụa "made in China" làm giảm cảm nhận tin tưởng của khách hàng, rất nguy hiểm cho quá trình cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo chuyên gia về thương hiệu này, khách hàng có nhiều lý do để chọn sản phẩm nhưng về nguyên tắc bao giờ khách cũng lựa chọn sản phẩm nào mà họ có nhiều thông tin về sản phẩm và thông tin tin cậy nhất. Vì vậy, cần chú ý xây dựng chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm.
Khảo sát mới đây cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự quan tâm nhiều hơn, ý thức tốt hơn về xây dựng thương hiệu. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp quan tâm, ý thức về thương hiệu đã tăng lên, từ 46% năm 2015 đến 64,5% năm 2018. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng lần lượt là 19,5% và 29%.