'Khai quốc công thần' của Grab Việt Nam khởi nghiệp ở lĩnh vực robot giao hàng
Vào ngày 25/2/2014, ông Nguyễn Tuấn Anh cùng Anthony Tan, người đồng sáng lập kiêm CEO Grab, đã ra mắt GrabTaxi ở Việt Nam. Đến nay, hơn 8 năm sau thời điểm đó, cựu lãnh đạo Grab Việt Nam đang khởi động một startup mới có tên Alpha Asimov Robotics, một startup trong lĩnh vực phương tiện giao hàng tự hành.
Mục tiêu của công ty này là tự động hoá và giảm chi phí giao hàng chặng cuối. Giai đoạn này vốn chiếm phần lớn chi phí giao hàng. Một ước tính của Tech in Asia từng cho thấy giao hàng chặng cuối có thể chiếm 53% trong tổng chi phí giao hàng. Sẽ ra sao nếu robot có thể hỗ trợ việc giao hàng chặng cuối? Đây là toàn bộ ý tưởng đằng sao startup mới của ông Nguyễn Tuấn Anh. Thực tế, ý tưởng này không mới và hoàn toàn khả thi.
Các công ty như Starship Technologies hoặc Nuro đều đã thực hiện điều tương tự ở một số thành phố tại Châu Âu và Mỹ. Amazon Scout, robot giao hàng của Amazon, cũng có thể di chuyển trên vỉa hè và giao hàng tới người dùng cuối.
Ông Nguyễn Tuấn Anh nói rằng startup của ông ban đầu sẽ nhắm đến mảng giao đồ ăn. Ví dụ, một cửa hàng pizza có thể dùng robot để giao hàng cho sinh viên trong khu ký túc. Dịch vụ này có tiềm năng mở rộng sang cả các nền tảng giao đồ ăn.
Một lĩnh vực nhiều hứa hẹn
Ông Nguyễn Tuấn Anh có nhiều kinh nghiệm để hiện thực hoá kế hoạch của mình. Ông từng làm việc cho Yahoo và quản lý một số dự án startup. Dù vậy, ông được nhớ đến nhiều nhất trong vai trò một “khai quốc công thần” của Grab tại Việt Nam.
Trong thời gian làm việc tại Grab Việt Nam, ông Tuấn Anh đóng vai trò then chốt trong việc Grab xin được giấy phép cung cấp mảng dịch vụ taxi nằm trong chương trình thử nghiệm của chính phủ. Ông cũng là người lãnh đạo việc triển khai dịch vụ xe 2 bánh GrabBike. Ông Nguyễn Tuấn Anh rời Grab vào năm 2020 và sau đó có một năm làm việc tại VinGroup.
Sau khi nhận được vốn đầu tư ban đầu tư Touchstone Partners, startup của ông Tuấn Anh đã phát triển thành công được một sản phẩm mẫu. Ông nói rằng chút robot giống như một chiếc hộp gắn bánh xe này có thể mang theo 5 chiếc bánh pizza hoặc 10 bát phở.
Nói một cách đơn giản, startup này cho biết phương tiện tự hành với các chức năng thông minh như AI và cảm biến có thể di chuyển liên tục từ 50 đến 100km sử dụng pin có thể sạc lại hoặc thay thế. Khách hàng có thể dùng một ứng dụng để mở hộp và nhận đơn. Tương tự Amazon Scout, thiết bị có thể cần một số sự hỗ trợ của con người khi cần vượt qua các tình huống khó trên đường di chuyển.
Một người đồng sáng lập khác của Alpha Asimov Robotics là giám đốc công nghệ Lê Anh Sơn. Ông Sơn là người phát triển mẫu xe tự hành cấp độ 4 đầu tiên ở Việt Nam. Ở cấp độ này, xe có thể vận hành mà không có sự can thiệp của con người “trong gần như mọi trường hợp”.
Trong 5 năm tới, Alpha Asimov Robotics muốn ra mắt 10.000 robot tại 5 thành phố ở Việt Nam cùng mục tiêu phục vụ dịch vụ giao hàng cùng ngày hoặc trong ngày tiếp theo. Alpha Asimov Robotics đang làm việc với nhiều đối tác địa phương để sản xuất robot tại Việt Nam. Trong khi đó, startup này có trung tâm nghiên cứu phát triển ở Hà Nội.
Một trong những mục tiêu trước mắt của Alpha Asimov Robotics là giảm chi phí sản xuất trên mỗi robot.
Đội ngũ Alpha Asimov Robotics tin rằng nhiệm vụ này hoàn toàn khả thi nhờ cạnh tranh ở mảng phương tiện tự hành ngày càng lớn trên thế giới. Xu hướng này khiến giá thành một số linh kiện phần cứng giảm xuống trong khi các thuật toán ngày càng được cải thiện.
Không phải nhiệm vụ dễ dàng
Chặng đường mà Alpha Asimov Robotics theo đuổi chắc chắn sẽ không dễ dàng. Ngay cả các công ty xe tự hành ở nhiều thị trường có độ chín cao hơn cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro của ngành này.
Vẫn đề đầu tiên và nhức nhối nhất vẫn là mức độ an toàn. Ông Tuấn Anh hiểu rõ điều này. “Nếu những chú robot có thể di chuyển nhiều hơn, xa hơn, có nhiều dữ liệu hơn trong khi cải thiện mức độ thông minh, chúng có thể đi vào các con đường nhỏ hoặc ngõ ngách”, ông chia sẻ.
Ví dụ, robot của Alpha Asimov Robotics sẽ sớm được thử nghiệm trong các khu ký túc trường đại học hoặc các lối đi trong công viên. Điều này nhằm mục đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, tất cả các startup xe tự hành đều có quy trình và thời gian nghiên cứu rất dài, đó là chưa kể đến các khó khăn đến từ rào cản điều hành, quản lý. Điều ngạc nhiên là Việt Nam đã phê duyệt một chương trình thử nghiệm xe tự lái của FPT Software từ năm 2018, theo Tech in Asia.
Một tín hiệu hứa hẹn khác là Bộ Giao thông Vận tải đang soạn thảo bản sửa đổi luật giao thông đường bộ với khả năng sẽ ghi nhận “các phương tiện đường bộ sử dụng công nghệ mới để tự động hoá một số công đạn lái xe”.
Hiện tại, vẫn còn quá sớm để nói liệu sản phẩm của Alpha Asimov Robotics có ảnh hưởng tới các tài xế giao đồ hay không. Dù vậy, Alpha Asimov Robotics đang lên kế hoạch dành tối thiểu 10% lợi nhuận hàng năm đóng góp cho tổ chức tập trung vào việc tái đào tạo người lao động chịu ảnh hưởng từ việc tự động hoá này.
Ông Nguyễn Tuấn Anh lạc quan rằng mọi người ở Việt Nam sẽ sớm quen với việc thấy “robot chạy lòng vòng” để giao đồ.