|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup thương mại điện tử B2B được VNG đầu tư kỳ vọng gọi vốn thành công 60 triệu USD cho vòng tiếp theo

14:16 | 05/08/2022
Chia sẻ
Telio, một startup thương mại điện tử B2B, từng gọi vốn thành công từ VNG cùng nhiều đơn vị khác như Sequoia India, GGV Capital và RTP Global, đang kỳ vọng có thể gọi vốn thành công 50 - 60 triệu USD trong vòng tiếp theo.

Một startup thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) của Việt Nam mang tên Telio đang tìm cách huy động từ 50 triệu đến 60 triệu USD trong một vòng gọi vốn mới, từ Asia Nikkei tổng hợp từ các nguồn tin.

Một nhà đầu tư cổ phần tư nhân đang dẫn đầu vòng gọi vốn này, theo các nguồn tin thân cận với thương vụ. Nhà đầu tư chính này sẽ tham gia với tư cách là nhà đầu tư mới của Telio.

Người sáng lập startup Telio, Bùi Sỹ Phong, bắt đầu thành lập công ty vào năm 2019 trên nền tảng kinh doanh cũ của mình, một công ty fintech có tên OnOnPay, hiện đã không còn tồn tại.

Telio kỳ vọng gọi vốn thành công từ 50 - 60 triệu USD cho vòng gọi vốn tiếp theo. (Ảnh: Telio).

Telio đã huy động được tổng cộng 51 triệu USD vào tháng 11 năm ngoái khi công bố vòng gọi vốn Pre-Series B từ công ty kỳ lân Việt Nam VNG và các nhà đầu tư hiện tại GGV Capital cùng Tiger Global. Trong đó, kỳ lân VNG đã rót 22,5 triệu USD vốn đầu tư vào Telio trong vòng này.

VNG cho biết sẽ tích hợp Telio vào nền tảng nhắn tin Zalo để giúp các thương gia tự động hóa việc quản lý đơn hàng. Telio đã hợp tác với Zalo từ tháng 10/2020. Cả hai cũng đã lên kế hoạch cung cấp các sản phẩm tài chính và tín dụng cho các thương gia. Hiện ứng dụng nhắn tin Zalo có hơn 64 triệu người dùng hàng tháng.

Riêng với VNG, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, đã lỗ gần 55 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm tại các công ty liên kết so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoản lỗ chủ yếu nằm tại Telio (32 tỷ đồng) - đơn vị này được thành lập từ năm 2019 hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. VNG đang nắm giữ 16,7% cổ phần công ty này. 

Vào tháng 12/2019, Telio đã huy động được 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do Tiger Global dẫn đầu và có sự tham gia của Sequoia India, GGV Capital và RTP Global. Trước đó, startup này đã đăng ký tham gia chương trình tăng tốc Surge của Sequoia, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ.

Hiện tại, Telio cho biết đang phục vụ khoảng hơn 60.000 cửa hàng trên 25 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Các đối thủ cạnh tranh của Telio bao gồm VinShop, một đơn vị thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup, có hơn 100.000 cửa hàng trên nền tảng của mình ở 22 tỉnh, thành phố cũng như công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm có tên Kilo.

Kilo đã huy động được 8 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ các nhà đầu tư bao gồm Goodwater Capital, Ascend Vietnam Ventures, Decisive Capital Management, Ratio Ventures, Altos Ventures, January Capital và các nhà đầu tư thiên thần khác.

Ngoài ra, riêng với nền tảng thương mại điện tử B2B, trên thị trường Việt Nam còn có một số startup đáng chú khác như EI Industrial (nay đã được đổi tên thành Halana) và Buy2Sell được Cocoon Capital hậu thuẫn, một nền tảng dành cho hàng hóa nhập khẩu.

Trong khi thương mại điện tử theo hình thức B2B còn tương đối mới ở Việt Nam, các nhà phân tích cho rằng lĩnh vực này vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư vì Việt Nam hiện đang trở thành trung tâm sản xuất chủ chốt và đã tham gia vào một số hiệp định thương mại tự do.

Doanh Chính

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.