|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khái niệm doanh nghiệp tạo tác động (SIB) và cơ hội đầu tư tại Việt Nam

14:30 | 23/09/2022
Chia sẻ
Doanh nghiệp tạo tác động là những mô hình kinh doanh kết hợp việc tăng trưởng lợi nhuận đồng thời đi kèm với việc đem lại giá trị cho cộng đồng và xã hội, nhằm kiếm tạo tương lai tăng trưởng bền vững.

Ngày 22/9, tại Hội nghị Kinh doanh tạo tác động 2022, các lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế cùng thảo luận về xu hướng chuyển dịch các mô hình kinh doanh truyền thống sang kinh doanh tạo tác động tích cực xã hội và hướng tới phát triển bền vững.

Hiện nay, nhiều mô hình kinh doanh truyền thống không còn đủ khả năng đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu. Để tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngày càng tích cực hơn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, cân bằng sứ mệnh xã hội với lợi nhuận, giúp tạo tác động tích cực đến cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động và mang lại lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế mới. 

 Hội nghị Kinh doanh tạo tác động 2022. (Ảnh: BTC).

Nhằm đáp ứng xu thế kinh doanh tạo tác động, khái niệm doanh nghiệp tạo tác động (SIB) đã ra đời. Theo định nghĩa của dự án ISEE-COVID, đây là sự kết hợp giữa mô hình kinh doanh thương mại với các mục tiêu tạo tác động tích cực đối với môi trường và xã hội. 

Loại hình tổ chức này tạo ra sự cân bằng giữa mục tiêu xã hội, môi trường với mô hình thương mại, cho phép họ có thể giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững. Doanh nghiệp tạo tác động là sự giao thoa giữa tổ chức từ thiện truyền thống và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống.

Một doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp tạo tác động là khi họ đạt được ảnh hưởng xã hội (có thể đo lường) cùng với lợi nhuận, nghĩa là có khả năng tự duy trì hơn 75% doanh thu từ thị trường; doanh nghiệp vừa có lợi nhuận và vừa tái đầu tư cho cộng đồng xã hội, hoạt động vì xứ mệnh. Báo cáo năm 2018 của UNDP chỉ ra SIB gồm bốn loại hình doanh nghiệp, gồm: Doanh nghiệp kinh doanh bao trùm; doanh nghiệp xã hội, công ty khởi nghiệp và hợp tác xã (chiếm phần lớn).

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng tăng trưởng bao trùm Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) có lấy một số ví dụ về doanh nghiệp tạo tác động.

Có thể kể đến như CTCP sản xuất và thương mại Trường Foods do một người phụ nữ dân tộc Mường có tên là Nguyễn Thị Thu Hoa sáng lập. Đây là thương hiệu đã đưa được món thịt chua đặc sản của Phú Thọ vào các nhà hàng, đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều phụ nữ thuộc các dân tộc thiểu số ở phía Bắc.

Hoặc, CTCP sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) do nữ sáng lập Nguyễn Thị Huyền, người đã khởi nghiệp ở tuổi 23 và thực hiên được ước mơ đưa sản phẩm quế hồi của Việt Nam tới các thị trường khó tính như Ấn Độ, Banglades, Hàn Quốc, Mỹ...

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì Vinasamex chỉ là doanh nghiệp truyền thống như hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác đang hoạt động tại Việt Nam. Điểm tạo ra khác biệt của thương hiệu này là việc họ tạo nguồn thu nhập ổn định cho các bà con dân tộc thiểu số từ việc trồng và bao tiêu vùng nguyên liệu cho Vinasamex, vừa nâng tầm sản phẩm Việt vừa đóng góp lợi ích cho sự phát triển của cộng đồng xã hội.

Những thách thức và cơ hội đầu tư cho SIB của Việt Nam

Theo báo cáo của UNDP, ở Việt Nam, loại hình doanh nghiệp tạo tác động hiện tập trung ở các nhóm lĩnh vực gồm Du lịch bền vững (5,4%); Y tế - chăm sóc sức khỏe (13,5%); Giáo dục (14,9%); Nông nghiệp bền vững (46,6%) - đây là lĩnh vực được đánh giá có khả năng tạo ra tác động lớn tới cộng đồng. Tuy nhiên, về quy mô, các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ nằm ở mức quy mô vừa và nhỏ.

Những người chủ doanh nghiệp tạo tác động thường là nữ giới, chiếm 60,7%. Phần còn lại phân bổ ở các cộng đồng đa dạng giới; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số.

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng tăng trưởng bao trùm Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP). (Ảnh: BTC).

Về khó khăn, bà Đỗ Lê Thu Ngọc cho biết các SIB gặp khó nhất ở hai vấn đề là thiếu nguồn vốn đầu cũng như đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, họ cũng thiếu thông tin, kiến thức quản lý doanh nghiệp trong việc phục vụ quá trình kêu gọi đầu tư.

Theo báo cáo của UNDP, tình hình đầu tư tạo tác động ở Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Hệ sinh thái gồm các vườn ươm khởi nghiệp, đơn vị quản lý nhà nước, nhà đầu tư tác động còn rời rạc, chưa có sự liên kết.

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc cho biết các nhà đầu tư tạo tác động hiện còn rất hạn chế, với khoảng 10 nhà đầu tư các nhân và 6 Quỹ tài chính phát triển hoạt động tại Việt Nam. Số lượng deal đầu tư trong giai đoạn 2007-2017 có 53 deal với tổng số tiền đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD. Theo khảo sát của UNDP, nhà đầu tư còn dè dặt với thị trường Việt Nam vì một số lý do như thiếu thông tin về cơ hội đầu tư, deal có quy mô nhỏ chưa thu hút và rủi ro có thể cao.

Về cơ hội đầu tư, bà Đỗ Lê Thu Ngọc chỉ ra 6 ngành chính có tiềm năng đầu tư tạo tác động tại Việt Nam gồm giáo dục, y tế, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, tài chính. Trong các lĩnh vực này có 16 ngành phụ và 14 cơ hội đầu tư, đi kèm với 7 cơ hội phát triển, có thể kể đến Edtech (công nghệ giáo dục); dạy nghề cơ bản; khám chữa bệnh từ xa; giải pháp Agritech; tái tạo năng lượng từ chất thải; xử lý chất thải; cung cấp nước; nhà máy điện mặt trời.

"Khái niệm này (SIB) còn khá mới ở Việt Nam và chúng ta đều là một change-maker (người thay đổi - PV) trên hành trình này. Các doanh nghiệp quan tâm tới việc tạo tác động có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình. Từ đó, tạo tác động xã hội, chuyển mình thành các SIB. Nếu không, các vị có thể ưu tiên sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp tạo tác động hay trở thành các nhà đầu tư tạo tác động. Chúng tôi mong muốn có được sự đồng hành của các vị trên hành trình kiến tạo tương lai bền vững", bà Đỗ Lê Thu Ngọc nói.

Thành Vũ