Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Tác động từ vĩ mô toàn cầu đến TTCK Việt Nam tương đối thách thức
Dự báo tác động từ vĩ mô toàn cầu đến Việt Nam sẽ tương đối thách thức, Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công & Quản lý Fulbright cho rằng nguyên do chính là căng thẳng thương mại toàn cầu, đến từ khả năng rất cao năm nay chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đó, môi trường lãi suất USD còn cao sẽ tiếp diễn, kéo theo việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương các nước châu Á, bao gồm Việt Nam, sẽ hạn chế.
Trong nước, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao năm 2025. Do đó, tiền dự kiến sẽ được bơm ra mạnh cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi áp lực tỷ giá lên cao sẽ buộc Việt Nam phải đảo chiều chính sách, dẫn đến thách thức lớn mà nhà đầu tư chứng khoán có thể đối mặt.
Căng thăng thương mại toàn cầu lên cao
Dẫn theo dự báo của IMF, Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất và tiếp đà suy giảm tăng trưởng trong 2025 (so với 2024).
Mỹ chịu tác động của hai năm lãi suất cao và dự kiến 2025 vẫn cao. Điều này dẫn đến suy giảm tiêu dùng dân cư, đầu tư doanh nghiệp cũng chậm lại. Con số dự báo tăng trưởng kinh tế 2,8% năm 2025 theo ông Thành đánh giá đã là “trên tiềm năng”, nên gần như chắc chắn kinh tế Mỹ sẽ suy giảm.
Với Trung Quốc, sự suy giảm của nền kinh tế cho thấy những khó khăn nội tại như thị trường bất động sản và tâm lý bi quan trong chi tiêu tiêu dùng. Năm nay, nước láng giềng sẽ đẩy mạnh chính sách kích cầu, song tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng vẫn âm.
Dù hai nước lớn dự kiến suy giảm kinh tế, thông tin tích cực là vẫn ở mức khả quan. Lý giải điều này, trong các nước thu nhập cao, Mỹ vẫn là nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất, so với EU hay Nhật. Hai khu vực kinh tế này cũng chỉ có dự báo tăng trưởng kinh tế trên 1%.
Về phần Trung Quốc, nước này từ năm 2024 đã đưa ra định hướng từ thắt chặt chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ.
Với việc cả ba thị trường lớn của Việt Nam gồm Mỹ, Trung Quốc và cả EU đều dự kiến suy yếu tăng trưởng, hoạt động xuất khẩu nhiều khả năng gặp khó khăn trong năm 2025.
Theo ước tính của ông Thành, xuất khẩu Việt Nam năm 2024 tăng trưởng khoảng 14,5%. Năm 2025 trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump không đánh thuế, xuất khẩu cũng chỉ dự kiến tăng trưởng khoảng 9 - 10%; nếu đánh thuế thì chỉ tiêu này còn thấp hơn.
Khi đó, triển vọng của những ngành trực tiếp xuất khẩu hoặc liên quan xuất khẩu sẽ không được bằng năm 2024.
Ở quan sát khác, khu vực ASEAN được dự báo có tăng trưởng tốt trong 2025. Trong đó, cả Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đều có dự báo tăng trưởng vượt hơn 2024. Lý do là sự tiếp tục tăng của nhu cầu trong nước, đến từ tiêu dùng gia đình, đầu tư doanh nghiệp.
Năm 2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng tổi thiểu 8%, trong khi IMF chỉ dự báo Việt Nam tăng trưởng được 6,1%. Điều này cho thấy Việt Nam cần sự dụng mọi nguồn lực để đạt được mục tiêu đề ra, như thúc đẩy đầu tư công, bơm tiền ra nền kinh tế…
Tác động từ chính sách tiền tệ và thuế quan của Mỹ
Đi sâu vào tác động của Mỹ đối với Việt Nam, đầu tiên, ông Thành nêu việc lạm phát nước này đang ở mức 2,3% và lạm phát tổng thể là 2,7%, trong khi Fed đề ra mục tiêu hạ lạm phát về mức 2%. Mục tiêu này được đánh giá khó xảy ra trong 2025, dù vẫn giảm so với 2024.
Những động thái nâng lãi suất của Fed đã giúp làm giảm lạm phát. Tuy nhiên, điều này cũng đánh đổi bằng việc thị trường "sống" trong bối cảnh lãi suất cao, áp lực tỷ giá USD đè nặng suốt một năm rưỡi qua.
Trong một cuộc họp gần đây của Fed, cơ quan này đưa định hướng cắt giảm thêm 100 điểm cơ bản lãi suất trong 2025. Tuy nhiên, các báo cáo gần nhất vào tháng 10-11/2024 cho thấy lạm phát vẫn chưa đạt mục tiêu. Thứ hai, việc Tổng thống Mỹ (nếu) đánh thuế nhập khẩu sẽ làm tăng lạm phát.
Từ đó, các thành viên của Fed nêu kịch bản năm 2025 sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất bình quân trên thị trường tiền tệ về mức 3,9% - vẫn là mức cao. Trong dài hạn, mức lãi suất bình quân trên thị trường được dự báo rơi về 3%, các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ khó để giảm lãi suất. Như với Việt Nam, trong nước sẽ gặp áp lực tỷ giá, và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải đắn đo giữa thực hiện giảm lãi suất VND hay đảm bảo tỷ giá ổn định.
Thứ hai, về tác động của các chính sách của chính quyền Donald Trump. Trong đó, yếu tố tác động nhất đến doanh nghiệp Việt Nam là hàng rào thuế quan. Đây là vấn đề mà cả nhà đầu tư chứng khoán cả trong nước, quốc tế, trực tiếp hay gián tiếp đều đang có tâm lý quan ngại, rằng liệu Việt Nam có nằm trong những nền kinh tế bị áp thuế nhập khẩu chung, thậm chí bị áp thêm những loại thuế cao hơn hay không.
Ông Thành đánh giá việc ông Trump sẽ thực thi các chính sách đã đưa ra là rất cao, bao gồm tăng thuế nhập khẩu.
Trường hợp Mỹ đánh thuế 10 - 15% tất cả mặt hàng nhập khẩu, lạm phát có thể tăng khoảng 0,8% điểm phần trăm, làm Fed khó đạt mục tiêu hạ lãi suất về 2% như đã nêu.
Theo ông Thành dự báo, chính quyền Trump sẽ không đánh thuế đồng loạt mặt hàng, có thể loại trừ một số mặt hàng Mỹ không thể sản xuất. Khi đó, tác động đến xuất khẩu của Việt Nam sẽ không lớn, chỉ làm giảm kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ khoảng 4%.
Trường hợp Mỹ đánh thuế rất mạnh vào Trung Quốc, có mặt hàng lên đến 60%, theo như ông Trump đã tuyên bố. Khi đó, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc. Song đồng thời, Việt Nam cũng tăng khả năng Việt Nam bị cáo buộc chuyển tải hàng Trung Quốc.
Một quan sát khác là Việt Nam cũng có thể bị đánh thuế cao, mặc dù trong chiến dịch tranh cử của ông Trump không hề nêu tên. Đó là nguyên do khiến một số nhà đầu tư đang khá bi quan.
“Đây là rủi ro của thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung của Việt Nam trong 2025”, ông Thành nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng đưa dự đoán có thể điều này sẽ xảy ra nhưng trong một thời điểm khác không phải 2025, khi đó năm nay đối với thị trường Việt Nam lại là cơ hội.
Tác động trái chiều từ điều hành chính sách tiền tệ đến thị trường chứng khoán
Quay lại kinh tế trong nước, mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 10 năm 2026 - 2035 là hai chữ số, riêng ngắn hạn năm 2025 tối thiểu 8%. Ông Thành ước tính mức tốt nhất mà tăng trưởng năm 2025 có thể đạt là 7,3%, mục tiêu 8% khá khó.
Về các chỉ số ổn định vĩ mô, một điểm tích cực hiện nay là Việt Nam không quá quan ngại về vấn đề lạm phát, khi dự báo bình quân năm 2024 chỉ khoảng 3,5 - 3,6%, trong khi mục tiêu kiểm soát ở 4 - 4,5%. Bước qua năm 2025, kể cả những tháng tết, vị chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát vẫn chưa cao.
Đó là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh các chính sách nới lỏng tiền tệ, giữ mặt bằng lãi suất, một tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán và thị trường tài chính.
Năm 2024, ông Thành dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ nhỉnh hơn 15%. Qua 2025, Ngân hàng Nhà nước đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% - cao hơn trong nhiều năm qua chỉ từ 13 - 15%, và chấp nhận mức lạm phát cao hơn 4,5%. Điều này cho thấy khả năng hệ thống sẽ “cung tiền” ra nhiều hơn để đạt tăng trưởng cao.
Ông Thành tỏ ra quan ngại cho bối cảnh vĩ mô cho nửa cuối năm 2025. Tuy nhiên với thị trường chứng khoán, tiền tham tham gia vào thị trường nhiều thì càng tích cực.
Khi tăng trưởng tín dụng cao, ngân hàng sẽ là ngành có triển vọng kinh doanh khả quan. Đồng thời, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp đang nợ trái phiếu nhiều có cơ hội tiếp cận vốn để tái cơ cấu tài chính.
Bàn thêm về triển vọng các ngành trong 2025, như đã đề cập, xuất khẩu sẽ gặp khó khăn.
Trong bối cảnh Trung Quốc bị rào cản thuế quan từ Mỹ, nước này sẽ tăng xuất khẩu vào các thị trường khác bao gồm Việt Nam. Điều này gây thách thức cho doanh nghiệp trong nước đối với hàng Trung Quốc, nhưng những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước láng giềng sẽ hưởng lợi.
Về đầu tư công, 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ 2020 - 2025 nên trong khả năng ngân sách cho phép, Việt Nam sẽ thúc đẩy đầu tư công. Ông Thành dự báo giải ngân đầu tư công năm 2025 thậm chí có thể vượt cả mục tiêu khoảng 791.000 tỷ đồng đề ra (tăng hơn 16% so với 2024). Những ngành xây dựng, nguyên vật liệu gắn liền với đầu tư công sẽ hưởng lợi từ chính sách tài khóa của năm 2025.
Tựu trung lại, bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam có thể vẫn tốt trong nửa đầu năm, khi Mỹ mới chỉ có động thái đánh thuế nhập khẩu ở mức độ chung cho tất cả mặt hàng. Trong hai tháng đầu năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp Mỹ còn tăng nhập khẩu các đơn hàng để đề phòng trước.
Tình hình trong nước được dự báo khá khởi sắc, thị trường bất động sản hồi phục, tiêu dùng hồi phục, cùng các thông điệp, chính sách của Chính phủ đang theo hướng tích cực như đẩy mạnh tiền tệ. Theo ông Thành chia sẻ, năm nay, điều mà nhà đầu tư cần chú ý theo dõi là diễn biến lãi suất, tỷ giá.