|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV vào ngày 23/10

17:23 | 17/10/2023
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay các công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã hoàn tất và sẵn sàng cho ngày khai mạc sẽ diễn ra vào 23/10 tới.

Phát biểu bế mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 12 - 17/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay tất cả các công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã hoàn tất và sẵn sàng cho ngày khai mạc sẽ diễn ra vào 23/10 tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội sớm ban hành thông báo kết luận nội dung phiên họp để các cơ quan có cơ sở triển khai thực hiện, hoàn thiện các hồ sơ tài liệu trình Quốc hội.

Trong dự kiến chương trình, dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của các cơ quan trình, căn cứ vào kết quả Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các đề nghị của Chính phủ cũng như thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội điều chỉnh tên của dự luật này trong chương trình cho phù hợp với quá trình chuẩn bị.

Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc bố trí thời gian cho phiên chất vấn là 2,5 ngày. Đề nghị dự kiến các nội dung trọng tâm của phiên chất vấn trong phiếu xin ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội cần cụ thể hơn về mặt nội hàm, nội dung và trước phiên chất vấn phải có báo cáo liên quan đến từng lĩnh vực của các bộ, ngành.

Về nội dung của kỳ họp, phải chấp hành nghiêm Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, không bổ sung nội dung vào chương trình, trừ trường hợp cấp thiết, cấp bách và có ý kiến của cấp có thẩm quyền. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội sẽ có phiên họp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ để có trao đổi về việc tổ chức kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Quốc hội họp từ ngày 23/10 - 29/11

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV sẽ chính thức diễn ra vào ngày 23/10 - 29/11. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023. Đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 29/11/2023.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Do đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công .

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung ba dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia.

Hạ An

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.