Khách sạn trung tâm TP HCM hoạt động tốt nhờ thiếu cung
Trong năm 2019, nguồn cung khách sạn tại thị trường TP HCM trên 15.900 phòng, đến từ 125 khách sạn 3-5 sao. Trong đó, có 22 khách sạn 5 sao, 29 khách sạn 4 sao và 74 khách sạn 3 sao.
Riêng ở quí cuối năm, thị trường khách sạn TP HCM không có nguồn cung mới, thêm vào đó có ba khách sạn đóng cửa. Theo đó, nguồn cung giảm 1% theo quí nhưng vẫn tăng 1% theo năm.
Theo đánh giá của ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, thị trường khách sạn năm 2019 vẫn hoạt động tốt khi tỉ lệ lấp đầy đạt 74%, tăng 13 điểm % theo quí và tăng 1 điểm % theo năm.
Giá phòng tương lai sẽ duy trì mức cân bằng hiện tại
Theo khảo sát của Savills, giá phòng trung bình cao nhất của các khách sạn trong 5 năm trở lại đây là 85 USD/phòng/đêm, được dẫn dắt bởi sự tăng giá của khách sạn 5 sao.
Trong năm 2019, giá phòng tại từng phân khúc khách sạn 3-5 sao đều tăng theo quí nhưng lại giảm theo năm.
Trong đó, khách sạn 5 sao có giá 128 USD/phòng/đêm, tăng 2% theo quí và giảm 3% theo năm; khách sạn 4 sao có giá 74 USD/phòng/đêm, tăng 8% theo quí và giảm 3% theo năm. Giá phòng khách sạn 3 sao 44 USD/phòng/đêm, tăng 8% theo quí và giảm 9% theo năm.
Chia sẻ với người viết, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Tư vấn Khách sạn, Savills Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Giá phòng năm nay sẽ không giảm, tuy nhiên không có những bước tiến tăng trưởng mạnh.
Vì lượng cầu thế giới trong năm 2019 có tăng trưởng nhưng tốc tộ tăng trưởng đã chậm lại so với những năm trước đó. Do vậy, Savills đánh giá năm nay cũng trong xu hướng như vậy.
TP HCM không có nhiều sản phẩm gia nhập nguồn cung trong thời gian tới nên sức cạnh tranh không có nhiều. Tổng kết lại, chúng tôi đánh giá mức giá phòng khá cân bằng với hiện tại, nếu tăng chỉ tăng trưởng nhẹ".
Phân khúc tầm trung, cao cấp sẽ hoạt động tốt trong tương lai
Theo dự báo của Savills đến năm 2023, TP HCM sẽ có thêm hơn 5.000 phòng khách sạn, riêng giai đoạn 2020-2021 đón thêm 1.700 phòng. Trong đó, khu vực trung tâm sẽ chiếm 59% nguồn cung trong tương lai.
Phân khúc khách sạn cao cấp ở khu vực trung tâm (high-end CBD) sẽ thống trị nguồn cung đến năm 2023, trong đó 75% đến từ các đơn vị vận hành quốc tế như: Okura, Hyatt, Malia Hotels International, IHG InterContinential Hotels Group, Hilton, Mandarin Oriental,…
Theo chia sẻ của ông Mauro Gasparotti, "ở Việt Nam, mọi người hay nói khách sạn này là hạng sang, cao cấp (Luxury) nhưng thực sự phân khúc đúng chuẩn hạng sang, cao cấp ở Việt Nam không có nhiều. Đây là phân khúc tôi đánh giá vẫn hoạt động tốt trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, phân khúc đúng chuẩn 4 sao vẫn có thể hoạt động tốt vì họ đón đầu lượng lớn đối tượng khách hàng có ngân sách tầm trung - khá, đặc biệt là những khách đi công tác.
Ngoài ra, những phân khúc có dịch vụ chọn lọc, tầm 3 sao + quốc tế, rất phù hợp với những khách hàng có nhu cầu thật sự cần thiết và cơ bản, ngân sách vừa phải.
Sản phẩm này thiếu tại thị trường TP HCM, nếu hoạch định sản phẩm này thì sẽ hoạt động tốt trong thời gian tới".
Theo dự báo của Savills, đến năm 2023, Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực về lượng khách quốc tế với mức tăng trưởng 14%, kế đến là Indonesia 10%, Thái Lan 8%, Singapore 5% và Malaysia 4%.
Trong đó, khách nội địa trên 100 triệu khách, tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2019-2023 đạt 4% và khách quốc tế đạt trên 30 triệu khách, tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2019-2023 đạt 14%.
Doanh thu khối khách sạn của Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt 9 tỉ USD, đứng thứ 4 trong khu vực. Tuy nhiên khi xét về tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2015-2025, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực với 15%, chỉ sau Thái Lan.