|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khách hàng nào sẽ được ngân hàng xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay do ảnh hưởng COVID-19?

17:12 | 13/03/2020
Chia sẻ
Theo Thông tư 01 mới ban hành, những khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch COVID-19 sẽ là nhóm đối tượng nhận được hỗ trợ bằng việc cơ cấu nợ, miễn giảm lãi.

Hôm qua (12/3), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã kí ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN qui định về tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thông tư là cơ sở pháp lí giúp các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ kịp thời khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và trả lời cho nhiều câu hỏi được các bên quan tâm.

Khách hàng nào sẽ được hỗ trợ?

Những đối tượng sẽ được ngân hàng xem xét cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay phải là khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch COVID-19.

Khách hàng này cần phải có nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19.

Nợ được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay phải là các khoản phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính của các TCTD.

Các TCTD có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để xác định số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịnh COVID-19, trong đó phải có tiêu chí khách hàng bị sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch COVID-19.

Khách hàng nào sẽ được ngân hàng xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay do ảnh hưởng COVID-19? - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng (Nguồn: Zing News).

Khoản nợ nào đủ điều kiện cơ cấu lại nợ?

Thông tư cho biết cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với hai trường hợp: (2) số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã kí.  

Hoặc (2) số dư nợ đã quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

TCTC sẽ quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của chính TCTD về khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Việc cơ cấu nợ không áp dụng đối với khoản nợ vi phạm qui định pháp luật.

Thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay, cho thuê tài chính (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã kí).

Tất cả các khoản nợ cơ cấu lại theo Thông tư 01 sẽ được giữ nguyên nhóm nợ?

Tất cả các khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo qui định tại Thông tư được nói đến ở trên sẽ được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo qui định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020. 

Trong đó, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo qui định của NHNN trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau ngày 27/3/2020.

Đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo qui định tại Thông tư này, kể từ ngày được cơ cấu lại, TCTD không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo qui định của pháp luật về chế độ tài chính đối với TCTD.

Ngân hàng phải làm gì?

Theo Thông tư, TCTD quyết định, chịu trách nhiệm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo qui định và đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Đồng thời, TCTD cần thực hiện theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng định kì sau khi thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí.

Trong thời hạn 10 ngày đầu tiên của mỗi tháng, TCTD (trừ quỹ tín dụng nhân dân) phải gửi báo cáo NHNN (qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) về tình hình thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệp Bình

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.