|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kết quả kinh doanh quý II: Khi lợi nhuận tăng không đến từ mảng kinh doanh cốt lõi

07:50 | 26/07/2017
Chia sẻ
Mùa báo cáo tài chính quý II đã đi qua được nửa chặng đường, nhiều doanh nghiệp báo lãi đột biến mà nguyên nhân đến từ ưu đãi thuế, doanh thu tài chính...
muon van ly do lai lo dot bien cua cac doanh nghiep trong quy ii
Muôn vàn lý do lãi, lỗ đột biến của các doanh nghiệp trong quý II (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng lợi nhuận nhờ ưu đãi thuế

Trong quý II, nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn nhờ khoản hoàn thuế và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Vicostone (Mã: VCS) công bố kết quả kinh doanh quý II vớ 1.078 tỷ đồng doanh thu thuần, 399 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng lần lượt 46% và 161% cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí thuế TNDN của Vicostone giảm 99 tỷ đồng do điều chỉnh thuế của năm trước vào chi phí thuế của kỳ này làm lợi nhuận tăng thêm một khoản tương ứng. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng đột biến hơn 161%.

Cũng nhờ khoản ưu đãi thuế mà Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (Mã: DHG) ghi nhận 926 tỷ đồng doanh thu thuần, 186 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng trưởng lần lượt 6% và 20% so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng, Công ty cho biết nhận được chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại nhà máy dược phẩm (Công ty TNHH MTV Dược phẩm Hậu Giang) và nhà máy mới bao bì (Công ty TNHH MTV In Bao bì DHG 1) hơn 49 tỷ đồng quý II (quý II/2017 khoản này là 22,7 tỷ đồng).

Cũng trong quý I/2017, Dược Hậu Giang cũng báo lãi tăng 14% nhờ ưu đãi thuế từ 2 nhà máy trên với tổng số tiền ưu đãi hơn 35 tỷ đồng, gấp 2 cùng kỳ.

Phập phù câu chuyện tỷ giá, hoàn nhập dự phòng

Quý II, Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) lỗ tỷ giá 128,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 49 tỷ đồng. Việc lỗ tỷ giá đã góp phần làm lợi nhuận NT2 còn 200 tỷ đồng, giảm 50% cùng kỳ dù doanh thu tăng 14%, lên 1.796 tỷ đồng.

Tương tự NT2, Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1) cũng công bố lợi nhuận sau thuế giảm 52% cùng kỳ, còn 115 tỷ đồng. Nguyên nhân là chi phí tài chính gấp 2,4 lần, lên hơn 160 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá.

Trường hợp của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) thì ngược lại NT2 và HT1.

Quý II, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của PPC là 175 tỷ đồng, cùng kỳ là 677 tỷ đồng. Nhưng PPC lại được hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư 194 tỷ đồng. Công ty cũng thực hiện hoàn nhập dự phòng trên 215 tỷ đồng khoản đầu tư vào CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh.

Do đó, PPC lãi đột biến đạt 451 tỷ đồng trong quý II, cùng kỳ năm ngoái lỗ 142 tỷ đồng.

Lãi đột biến nhờ doanh thu tài chính và đầu tư vào công ty liên doanh/liên kết

Vào tháng 5/2017, Công ty Cổ phần Tâp đoàn KIDO (Mã: KDC) đã hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex (VOC) lên 51%, do đó hoạt động kinh doanh của VOC được hợp nhất trên báo cáo tài chính của KDC.

Vì vậy, lũy kế 6 tháng, KIDO đạt doanh thu thuần 2.896,7 tỷ đồng, tăng 195% cùng kỳ. LNTT đạt 446 tỷ đồng, tăng 162% cùng kỳ năm trước và hoàn thành 91% kế hoạch lợi nhuận năm. Kết quả này đến từ doanh thu tài chính phát sinh từ đánh giá lại khoản đầu tư 24% cổ phần sở hữu của KIDO tại VOC sau khi thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính.

Hay Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ ước (Mã: DRH) vừa công bố doanh thu quý II vẻn vẹn chỉ 3,2 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế hơn 23 tỷ đồng do ghi nhận khoản lãi chuyển nhượng vốn góp gần 20 tỷ đồng và khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết gần 17 tỷ đồng làm cho lãi sau thuế ghi nhận 23 tỷ đồng dù doanh thu thấp.

Trao đổi với chúng tôi về việc nhiều doanh nghiệp công bố lãi/lỗ đột biến quý II không xuất phát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Maybank KimEng nhận định: "Nếu việc này diễn ra thường xuyên thì cũng coi như một mảng kinh doanh. Còn nếu việc đột biến này chỉ diễn ra 1 - 2 lần thì cần nhìn vào cơ cấu lãi/lỗ. Nếu lãi đột biến chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận chung thì rõ ràng điều này tốt trong ngắn hạn và cả dài hạn".

Ông cũng cho biết thêm doanh nghiệp phụ thuộc vào mảng kinh doanh không chuyên hay được lợi nhờ những khoản thu nhập bất thường sẽ kém bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải cân đối được chuyện này, tập trung vào kinh doanh chính để mảng tạo ra lợi nhuận ổn định hoặc bổ sung mảng kinh doanh phụ nhưng phải kiểm soát được để sinh ra lợi nhuận đều đặn.

muon van ly do lai lo dot bien cua cac doanh nghiep trong quy ii Quý II, chỉ 1 trong 4 doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng lợi nhuận

Tính đến nay, Thép Hòa Phát, Ống thép Việt Đức, Thép Nam Kim, Thép Việt Ý công bố con số lợi nhuận quý II. Tuy ...

Hoàng Kiều