Kế hoạch biến Twitter thành thiên đường cho tự do ngôn luận của Elon Musk đối mặt nhiều rủi ro
Một thập kỷ trước, các Giám đốc điều hành Twitter, bao gồm CEO Dick Costolo, từng tuyên bố mạng xã hội này là nơi để mọi người tự do ngôn luận. Điều này có nghĩa Twitter sẽ cho phép mọi người nói bất kỳ điều gì họ muốn, theo The New York Times.
Kể từ đó, Twitter đã kéo vào mớ bòng bong vì những thông tin sai lệch. Giống như Facebook, YouTube và các công ty internet khác, Twitter đã buộc phải thay đổi lập trường mềm mỏng về quyền tự do ngôn luận sang cứng rắn hơn.
Quyền tự do ngôn luận, vấn đề muôn thuở tại Thung lũng Silicon
Khoảng 10 năm qua, cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận được lặp đi lặp lại giữa các nhà sáng lập ở Thung lũng Silicon. Mỗi người có một quan điểm khác nhau. Giờ đây, khi Twitter chấp nhận lời đề nghị mua lại trị giá 44 tỷ USD của Elon Musk, CEO Tesla sẽ cái tên tiếp theo gia nhập cuộc tranh luận này.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ các nguồn tin, tỷ phú Elon Musk sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nếu Twitter nới lỏng quyền tự do ngôn luận. Dù sao đi nữa, tỷ phú giàu nhất thế giới vẫn phải đưa ra quyết định cuối cùng về quyền tự do ngôn luận trên Twitter trong thời gian tới.
Thỏa thuận mua lại Twitter từ CEO Tesla và SpaceX một lần nữa đưa Elon Musk trở thành tâm điểm của thế giới. Dù không tiết lộ kế hoạch chi tiết cho việc phát triển Twitter, song tỷ phú Elon Musk đã nổi giận khi biết mạng xã hội này xóa một số bài đăng cũng như cấm vĩnh việc một số tài khoản. Theo ông, Twitter nên trở thành “thiên đường” cho quyền tự do ngôn luận.
“Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động, và Twitter là quảng trường của thị trấn kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận”, tỷ phú Elon Musk nhấn mạnh.
Theo New York Times, những vấn đề mà CEO Tesla và SpaceX phải đối mặt trong thời gian tới có thể là thư rác, nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, bắt nạt trẻ em,… nếu Twitter nới lỏng các quy định về quyền tự do ngôn luận.
Jameel Jaffer, CEO Knight First Amendment Institute tại Đại học Columbia, cho biết: “Chúng ta cần bảo vệ quyền tự do ngôn luận để làm cho nền dân chủ của chúng ta hoạt động. Tuy nhiên, khoảng cách giữa lý thuyết đó cho đến những hành động thực tế trong việc đưa ra các quy định cho những công ty truyền thông xã hội là rất xa”.
Rủi ro đánh mất người dùng
Hầu như không có nơi nào trên internet hoặc trong thế giới thực có định nghĩa tuyệt đối về quyền tự do ngôn luận. Có rất nhiều câu hỏi khó có thể tìm được câu trả lời hoàn chỉnh, chẳng hạn như khi nào nên nói hay ai là người chịu trách nhiệm cho lời nói,…
Nếu Twitter thực sự muốn nới lỏng quy định về việc kiểm duyệt bài viết trên nền tảng của mình, liệu người dùng có sẵn lòng ở lại một nơi mà họ có thể trở thành nạn nhân của các vụ quấy rối, đọc những thông tin không được kiểm duyệt, mua phải hàng giả hay vô tình xem các nội dung khiêu dâm?
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và cuộc bỏ phiếu Brexit cùng năm là minh chứng rõ ràng nhất cho các Giám đốc điều hành tại Thung lũng Silicon, các quan chức được bầu của Mỹ và cả người dân thấy sức mạnh của mạng xã hội, đặc biệt là những nội dung không được kiểm duyệt.
Việc Twitter được coi là một kênh truyền thông chính thức của nhiều nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới cũng làm tăng rủi ro với tình hình chính trị toàn cầu một khi xuất hiện các nội dung sai lệch, không được kiểm duyệt.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, đặc biệt là trong những tháng đầu đại dịch COVID-19 bùng phát hay sau đó khi ông Trump và những người ủng hộ ông tuyên bố sai sự thật về gian lận cử tri trong cuộc bầu cử năm 2020, Twitter, Facebook và YouTube đã thay đổi quan điểm về vai trò của họ trong việc xử lý các thông tin xuyên tạc, khiến người dùng mất niềm tin vào thế giới xung quanh.
Twitter và Facebook, đôi khi bị áp lực bởi chính nhân viên của họ, đã cố gắng thực hiện thay đổi để gắn nhãn những bài đăng chưa được kiểm duyệt nội dung. Cả Facebook, Twitter và YouTube sau đó đã cấm ông Donald Trump xuất hiện trên các nền tảng của họ sau cuộc bạo động tại Điện Capitol vào đầu năm 2021.
Áp lực từ chính phủ các nước
Hiện tại, chính phủ nhiều nước trên thế giới đang buộc các công ty truyền thông xã hội chuyển từ việc tự điều chỉnh các quy tắc sang bắt buộc tuân thủ theo các nguyên tắc mới.
Các luật mới, bao gồm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số ở EU, yêu cầu Twitter phải có những hành động cứng rắn hơn trong việc loại bỏ các thông tin sai lệch. Ở một số quốc gia khác, các công ty truyền thông xã hội có nguy cơ gặp rủi ro pháp lý khi người dùng đăng tải những gì mà chính phủ nước đó cho là không phù hợp.
Twitter và những mạng xã hội đang ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi họ vừa phải tuân theo những quy định chặt chẽ về quyền tự do ngôn luận ở các quốc gia, vừa phải cân nhắc để tránh ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dùng.
Không có gì phải bàn cãi về việc Elon Musk sẽ cùng với Zuckerberg của Meta, Sundar Pichai của Google, Shouzi Chew của TikTok và Tim Cook của Apple, trở thành một trong số ít CEO các công ty có tiếng nói lớn về quyền tự do ngôn luận trên toàn cầu.
Việc Elon Musk mua lại Twitter khiến cả mạng xã hội này cũng như tỷ phú giàu nhất thế giới đối mặt với tương lai bất định bởi những vấn đề xoay quanh quyền tự do ngôn luận. Có thể nhiều người không mong muốn quyền lực sẽ tập trung vào tay Elon Musk, song điều này rất khó thành sự thật.