K+, VTVcab, FPT Play chi hàng nghìn tỉ đồng mua bản quyền bóng đá nhưng vấp phải thách thức từ website lậu
Hàng chục triệu USD cho bản quyền bóng đá
Việt Nam là một trong số những quốc gia tương đối cuồng nhiệt với bóng đá. Công cụ Xu hướng của Google chỉ ra rằng rất nhiều thời điểm, phần lớn từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam liên quan đến bóng đá. Trong ngày 21/10 thì 7/10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại Việt Nam liên quan đến môn thể thao vua.
Vì thế, câu chuyện bản quyền truyền hình bóng đá luôn là một trong những vấn đề nóng, đặc biệt khi các giải đấu lớn cận kề. Còn nhớ cách đây hai năm vào World Cup 2018, phải tới sát những ngày bóng lăn, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) mới mua được bản quyền.
World Cup là giải đấu chỉ diễn ra trong khoảng thời gian một tháng, trong khi các giải đấu thường niên sẽ diễn ra trong khoảng 8-9 tháng với số trận đấu nhiều hơn. Tại Việt Nam, giải Ngoại hạng Anh là giải vô địch quốc gia nhận nhiều sự quan tâm nhất khi hầu hết các Fanpage chính thức nhận nhiều lượt tương tác trên mang xã hội nhiều nhất đều thuộc về các đội bóng của đảo quốc sương mù.
Hiện tại, nắm giữ bản quyền độc quyền của Ngoại Hạng Anh trong giai đoạn 2019 - 2022 là K+ (Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh Việt Nam). K+ cũng nắm bản quyền Champions League (cúp C1 châu Âu).
Trong khi đó, VTVcab sở hữu bản quyền La Liga (giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha) và FPT Play (thuộc FPT Telecom) đang nắm giữ bản quyền Serie A (giải Ý) và FA Cup (giải đấu cup của nước Anh).
Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ ra để sở hữu bản quyền truyền hình không được tiết lộ. Tuy nhiên có thể nhìn vào tốc độ "lạm phát" của bản quyền Ngoại Hạng Anh để đưa ra một con số ước tính.
Giai đoạn 2010-2013, giá bản quyền Ngoại Hạng Anh mà nhà đài Việt mua là 13 triệu USD, nhưng con số ấy đã tăng lên 46 triệu USD trong ba năm kế tiếp.
Thời điểm năm 2018, Facebook lên kế hoạch mua bản quyền Ngoại Hạng Anh trong 3 năm với giá 264 triệu USD để phân phối tới các thị trường Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia, theo Sport Business Media. Tuy nhiên, thương vụ này sau đó đã đổ bể vào phút cuối, qua đó K+ trở thành đối tác phân phối độc quyền nội dung tại Việt Nam trong giai đoạn 2019-2022.
Những thách thức từ website nội dung "lậu"
Dù bỏ hàng chục triệu USD, tương đương với mức 1.000 tỉ đồng hoặc hơn để sở hữu bản quyền, nhưng có một thực tế là các nhà đài ở Việt Nam đang vấp phải một "đối thủ" lớn khác là các website, nền tảng lậu.
Trên thực tế, nguồn thu thuần của K+, FPT Play hay VTVcab đến từ việc bán thuê bao trả phí cho người dùng, và phần doanh thu đó sẽ bù đắp lại chi phí nội dung (sản xuất, thuê, mua) của công ty. Bóng đá cũng chỉ là một phần trong số các nội dung xuât hiện trên nền tảng.
Với dạng từ khóa "link xem + tên trận đấu", hàng chục những kết quả trả về đầu tiên đều là những website cung cấp đường dẫn xem bóng đá lậu. Những website này chạy SEO để đẩy lên top đầu tìm kiếm, tiếp cận nhiều người dùng hơn. Ưu điểm của những trang nội dung lậu là người dùng không phải trả phí.
Ngược lại, chất lượng hình ảnh của các website không thể đảm bảo như các nhà phân phối độc quyền. Nhóm điều hành những website thường có xu hướng đăng kí thuê bao trên các nền tảng độc quyền, rồi dùng một thiết bị phát lại trên nền tảng website, mạng xã hội.
Thậm chí, một số website nước ngoài còn sẵn sàng phát trực tiếp trên nền tảng ứng dụng như Sopcast, Acestream.
Hàng năm, rất nhiều website nội dung lậu bị "càn quét" mà tiêu biểu gần đây nhất là một trang chuyên về phim là Ph*****.net. Tuy nhiên sau đó ban điều hành trang tiếp tục đổi địa chỉ tên miền và hoạt động trở lại.
Kiểm soát những website nội dung lậu vẫn còn là một câu chuyện không đơn giản. K+ hiện cũng tích cực truyền thông bằng cách làm những quảng cáo có sự góp mặt của cầu thủ bóng đá Hùng Dũng, qua đó kêu gọi người dùng sử dụng kênh phân phối nội dung chính thức.
Chia sẻ về vấn đề "lậu hay không lậu", anh Minh Hải, một admin fanpage về bóng đá cho rằng tâm lí dùng hàng miễn phí của người Việt vẫn còn rất lớn.
"Bản thân tôi hồi sinh viên cũng hay xem bóng đá lậu trên các ứng dụng Sopcast, Acestream được phát từ bên Nga. Tuy nhiên sau khi đi làm mình bắt đầu tìm hiểu và dùng tài khoản thuê bao để ủng hộ những đơn vị mua bản quyền truyền hình", anh Hải nói.
Cũng theo anh Hải, các website từng phân phối nội dung bóng đá lậu cách đây vài năm đã "chết". Song nhiều các website lậu khác lại ra đời trong thời gian gần đây. Nâng cao ý thức người dùng là cách duy nhất để ủng hộ các công ty mua bản quyền truyền hình.