JLL: M&A BĐS sôi động trong 2018, sang 2019 khan hiếm nguồn cung ‘sạch’
Trong báo cáo mới nhất, bà Khanh Nguyễn, Giám đốc bộ phận thị trường vốn tại JLL Việt Nam liệt kê một loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) nổi bật tại Việt Nam năm 2018.
Cụ thể, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam năm 2018 mở đầu với việc ông lớn Nomura Real Development mua lại 24% cổ phần của Sun Wah - tòa nhà văn phòng hạng A thuộc khu vực trung tâm TP HCM.
Còn trong phân khúc nhà ở, tháng 3/2018, CapitaLand cũng đã công bố mua lại khu đất 0,9 ha tại quận Tây Hồ, Hà Nội có giá trị khoảng 685 tỉ đồng (tương đương khoảng 29,78 triệu USD).
Không lâu sau đó, trong quý III/2018, CapitaLand tiếp tục thâu tóm khu đất rộng 6 ha tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM có giá trị 1.380 tỉ đồng (tương đương 60 triệu USD). Dự án này sẽ cung cấp cho thị trường hơn 100 đơn vị nhà ở và dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Một đại gia BĐS khác là Frasers Property đã công bố việc ký kết hợp đồng mua cổ phần điều kiện với Công ty TNHH Trần Thái Lands để mua lại 75% vốn phát hành của CTCP BĐS Phú An Khang (PAK) và CTCP BĐS Phú An Điền (PAD). Theo dự kiến, PAK và PAD sẽ đảm nhận việc phát triển các dự án dân cư kiêm thương mại tại quận 2 và quận Thủ Đức của TP HCM.
Ở chiều hướng ngược lại, Keppel Land thoái vốn cổ phần trong dự án phát triển của CTCP Quốc Lộc Phát (QLP) tại quận 2, TP HCM.
Tập đoàn BĐS Malaysia Berjaya Land Berhad cũng tuyên bố về việc đã thoái toàn bộ 32,5% vốn góp còn lại của mình tại Berjaya Vietnam Financial Center Limited (BVFC) cho CTCP Vinhomes và CTCP Đô thị Du Lịch Cần Giờ với tổng trị giá là 884,9 tỉ đồng (khoảng 38,47 triệu USD). Dự án bao gồm tòa nhà văn phòng, khách sạn năm sao, căn hộ dịch vụ và trung tâm mua sắm trên khu đất 6,64 ha tại quận 10, TP HCM.
Cũng chính Vingroup và các công ty con còn có khả năng sẽ mua lại Công ty TNHH MTV Berjaya Vietnam International University Town (“BVIUT”), và đã bơm vốn và nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 99,2%. Cổ phần của Berjaya trong BVIUT đã giảm từ 100% xuống còn 0,8%, và công ty này dự định sẽ bán hết số cổ phần còn lại trong tương lai gần. Trong tháng 12/2018, Berjaya tuyên bố đã thoái toàn bộ 75% cổ phần của mình tại công ty THHH T.P.C Nghi Tam Village cho Công ty TNHH Phát triển Du lịch Khách sạn Hà Nội, trị giá 1.245 tỉ đồng (tương đương khoảng 54,13 triệu USD).
Vào tháng 5/2018, một trong những công ty quản lý lớn nhất Nhật Bản chuyên về BĐS hậu cần CRE - thông qua công ty con CRE Asia - đã đồng ý đầu tư 6,2 triệu USD (tương đương 142,6 tỉ đồng) vào Sembcorp Infra Services (SIS) trong một thỏa thuận mua cổ phiếu. Số vốn mới từ CRE Asia và các khoản vay ngân hàng sẽ phục vụ cho mục đích phát triển thêm 30.000 m2 diện tích kho vận tại Việt Nam của SIS.
Cũng trong tháng 5, quỹ private equity toàn cầu Warburg Pincus và nhà phát triển BĐS công nghiệp Becamex IDC đã chính thức cho ra mắt liên doanh CTCP Phát triển BW Industrial. Theo thông cáo của họ, với hơn 200 ha dự án đang được phát triển với vốn đầu tư ban đầu hơn 200 triệu USD, BW Industrial hiện là nhà phát triển dịch vụ cho thuê công nghiệp và hậu cần lớn nhất tại Việt Nam.
Quý cuối năm 2018 còn ghi nhận một thương vụ bán và cho thuê lại kho bãi tại VSIP 1, tỉnh Bình Dương. Mapletree Logistics Trust đã chi 725,1 tỉ đồng (tương đương 31,5 triệu USD) nhằm thâu tóm kho bãi thuộc Công ty TNHH Quốc tế Unilever (Unilever Vietnam). Sau khi hoàn tất việc mua lại, tài sản này sẽ được Unilever Vietnam thuê lại trong 10 năm với mức tiền thuê tăng hàng năm.
Bà Khanh Nguyễn nhận định, hoạt động M&A BĐS tăng trưởng mạnh mẽ tại Châu Á - Thái Bình Dương là minh chứng cho thấy các nhà đầu tư không ngần ngại tăng cường rót vốn vào lĩnh vực này. Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư của chính phủ, sự ổn định về mặt chính trị, nền kinh tế tăng trưởng và sự chủ động cải thiện vấn đề minh bạch trong thị trường BĐS…
Trong tương lai, JLL kỳ vọng tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc tài sản, bao gồm công nghiệp và các lĩnh vực lựa chọn thay thế như giáo dục. Thị trường công nghiệp sẽ là ngành nóng nhất trong năm 2019, được thúc đẩy bởi sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc và tác động tích cực từ các hiệp định thương mại CPTPP / EU.
Quá trình phê duyệt kéo dài có thể ảnh hưởng đến những dự án phát triển mới trong năm 2019. Việc tìm nguồn cung “sạch” và minh bạch sẵn sàng để đầu tư sẽ là một thách thức cho các nhà phát triển và đầu tư trong năm tới. Dù vậy, việc cải cách quy định sẽ giúp cải thiện tính minh bạch, khiến thị trường BĐS Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đại diện JLL đánh giá.