Italy chưa đổi ý trước kêu gọi phải điều chỉnh kế hoạch ngân sách
Nóng 'cuộc chiến' ngân sách giữa Italy và Liên minh châu Âu | |
Khủng hoảng nợ Italy có thể kích hoạt hiệu ứng domino trên toàn châu Âu |
Chủ tịch Eugroup Mario Centeno - bên trái. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Trong buổi họp kín ngày 5/11, các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã hối thúc Italy điều chỉnh ngân sách năm 2019 của nước này, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc về tài chính của Liên minh châu Âu (EU).
Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng tài chính Eurozone nhóm họp kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) bác kế hoạch ngân sách năm 2019 của Italy, đồng thời đặt thời hạn cho Rome đến ngày 13/11 tới phải đưa ra dự thảo ngân sách mới.
Người đứng đầu Eurogroup, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Mario Centeno, cho rằng Italy cần đưa ra kế hoạch ngân sách "phù hợp với các nguyên tắc tài chính của châu Âu."
Trong một tuyên bố, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã khẳng định cam kết ủng hộ EC, khuyến khích Italy xem xét lại quan điểm nhằm giải tỏa những quan ngại của EC, đồng thời kêu gọi tổ chức cuộc đối thoại "mở và mang tính xây dựng nhằm hạ nhiệt" căng thẳng, cũng như tránh để xảy ra khủng hoảng đối với thị trường.
Theo các bộ trưởng, Italy cần hợp tác chặt chẽ với EU nhằm chuẩn bị cho bản dự thảo ngân sách mới phù hợp với các nguyên tắc của EU.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Italy Giovanni Tria vẫn tỏ ra khá cứng rắn. Ông một mặt cam kết sẽ giải trình kế hoạch ngân sách của nước này trước EC, mặt khác ông khẳng định Rome sẽ không từ bỏ kế hoạch tăng chi tiêu.
Theo quan chức Italy, kế hoạch ngân sách của Italy "sẽ không thay đổi" và sẽ không có "sự thỏa hiệp hay xung đột" nào với EC.
Theo kế hoạch ngân sách tài khóa 2019 mà Chính phủ liên minh Italy đệ trình nhưng đã bị EC bác bỏ, Italy sẽ không hạn chế chương trình chi tiêu khổng lồ sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách trong năm tới lên tương đương 2,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), từ mức mục tiêu 1,8% trong năm nay và cao gần gấp 3 lần mục tiêu của chính quyền tiền nhiệm.
Điều này trái ngược hoàn toàn với cam kết của chính phủ cánh tả tiền nhiệm về việc giữ mức thâm hụt ngân sách tài khóa 2019 ở mức 0,8% GDP, nhằm cắt giảm mức nợ công của Italy đang ở con số 2.300 tỷ euro.
Ủy viên phụ trách kinh tế và các vấn đề tài chính EU, ông Pierre Moscovici cảnh báo kế hoạch ngân sách mới của Italy sẽ ảnh hưởng đến nước này trong dài hạn và ông hối thúc Italy tiếp tục nỗ lực giảm nợ công.
EU đã ấn định thời hạn đến ngày 13/11 tới, Italy phải gửi bản dự thảo ngân sách mới và EC cũng sẽ đưa ra ý kiến đối với dự thảo của Italy cũng như của các nước thành viên khác vào ngày 21/11 tới.
Theo EU, Italy phải có một số điều chỉnh nếu không, nước này sẽ đối mặt với nguy cơ bị áp dụng các hình phạt do vi phạm quy định của Eurozone. Trong khi đó, Rome đã bác bỏ những chỉ trích của giới chức EU.
Chính phủ Italy vẫn kiên quyết khẳng định không điều chỉnh kế hoạch ngân sách và sẽ thực hiện những cam kết được đưa ra trong vận động tranh cử, đó là cắt giảm thuế và nâng mức thu nhập cơ bản cho người nghèo.
Đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) thuộc liên minh cầm quyền ở Italy ngày 5/11 khẳng định sẽ thúc đẩy một chương trình trợ cấp nhằm nâng mức thu nhập cơ bản cho người dân vào đầu năm tới.
Lãnh đạo đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) đồng thời là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Lao động và công nghiệp Italy Luigi Di Maio phát biểu tại một sự kiện ở Rome, Italy ngày 21/10 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong một tuyên bố trên trang blog của mình, đảng M5S cho biết chương trình trợ cấp nhằm nâng mức thu nhập lên tới 780 euro/tháng cho 4,5 triệu người dân có thu nhập thấp ở Italy sẽ được khởi động trong ba tháng đầu năm 2019.
Giới phân tích cảnh báo nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính khác ở châu Âu đang leo thang sau khi Italy đệ trình kế hoạch ngân sách 2019.
Ông Lorenzo Codogno, chuyên gia kinh tế đồng thời là một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Italy, cho rằng Italy có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính khác, nếu Rome không sửa đổi kế hoạch ngân sách 2019 theo hướng ôn hòa hơn.
Các thị trường tài chính sắp tới có thể sẽ đẩy tỷ lệ lãi suất lên cao hơn và điều này không sớm muộn sẽ làm leo thang cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, các hãng xếp hạng tín nhiệm cũng đã phát đi những tín hiệu cảnh báo. Mới đây nhất, cuối tháng 10 vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ mức triển vọng nợ chính phủ của Italy, cảnh báo chính sách tài khóa mới của Rome sẽ đe dọa năng lực của các ngân hàng cấp vốn cho hoạt động kinh tế Italy.
S&P cho rằng triển vọng tiêu cực phản ánh nguy cơ quyết định tăng nợ công trong tương lai của chính phủ nước này sẽ không chỉ làm cho tình hình ngân sách quốc gia thêm ảm đạm, mà còn dập tắt những triển vọng hồi phục ngành sản xuất tư nhân vốn đã mong manh tại quốc gia này.
Việc S&P quyết định hạ triển vọng nợ chính phủ của Italy đồng nghĩa với khả năng mức xếp hạng nợ công của quốc gia này sẽ bị S&P đánh tụt trong vài tháng tới.
Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng đã giảm mức xếp hạng tín dụng của quốc gia này.