|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ít nhất 2 - 3 năm mới nghiên cứu ra vacxin dịch tả heo châu Phi

18:49 | 17/06/2019
Chia sẻ
Để sản xuất thành công vacxin dịch tả heo châu Phi nhanh nhất phải cần 2 đến 3 năm. Trong thời gian ngắn như vậy, nhóm nghiên cứu muốn bỏ qua một số bước để tiên lượng hiệu quả công việc, từ đó quyết định về đầu tư tiền và nhân lực.

Đã có kết quả bước đầu

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị bàn một số giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo ngày 17/6, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho hay trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi diễn ra phức tạp, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực nghiên cứu vacxin chống bệnh này. 

ảnh_Viber_2019-06-17_18-02-41

GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh, thiết kế: Hà Mĩ

Bà Lan cho biết hiện nay việc nghiên cứu đã có những kết quả bước đầu. Đàn heo được tiêm thử nghiệm vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi vẫn sống khoẻ mạnh sau 2 tháng. Trong khi đó, đàn heo không được tiêm vacxin này thì đang chết rất nhiều. Tuy nhiên, theo bà Lan, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, còn quá sớm để kết luận.

Đối với chế phẩm nano bạc, bà Lan cho biết chế phẩm này có tác dụng đối với một số virus, trong đó có cả virus tả heo thông thường. Tuy nhiên, chế phẩm này không có tác dụng đối với virus dịch tả heo châu Phi.

Ngay cả chế phẩm của Nga được cho là có chất lượng cao nhưng sau khi đem về thử nghiệm cũng không hiệu quả.

"Để điều chế vacxin cần rất nhiều thời gian để khẳng định chất lượng. Kết quả nghiên cứu bước đầu hiện nay được đánh giá khả quan nhưng cần lặp lại các thí nghiệm, công thức khác nhau để xem mức độ hiệu quả. 

Để thực hiện nghiên cứu vacxin cần phải qua nhiều giai đoạn, kĩ thuật như xác định hàm lượng kháng thể, phương pháp trung hòa, phân lập virus, sản xuất tế bào", bà Lan nói.

Để sản xuất thành công vacxin dịch tả heo châu Phi nhanh nhất mất 2 - 3 năm. Trong thời gian ngắn như vậy, nhóm nghiên cứu muốn đi tắt, bỏ qua một số bước để tiên lượng hiệu quả công việc từ đó đưa ra các quyết định về đầu tư tiền bạc và nhân lực.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bà Lan thông tin hiện nay các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu việc tận dụng các lô heo bị tiêu hủy để sản xuất phân bón, tránh ô nhiễm môi trường. 

Nghiên cứu tận dụng xác heo bị tiêu hủy làm phân bón hữu cơ

"Nếu tận dụng nguồn heo chết để làm phân bón thì rất tốt. Chúng tôi đang thử nghiệm loại phân bón này trên cây hoa và rau để xem mầm bệnh đã được tiêu hủy triệt để hay chưa", bà Lan thông tin.

Tuy nhiên, đề cập đến khó khăn về cơ sở vật chất trong việc nghiên cứu vacxin điều trị virus dịch tả heo châu Phi, bà Lan cho biết hiện nay trên thế giới đã có những phòng thí nghiệm tiêu chuẩn cấp 4 nhưng phòng thí nghiệm của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn cấp 3.

"Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã đề xuất đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình đề xuất này lên Thủ tướng để quyết định đầu tư", bà Lan cho hay. 

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc nghiên cứu vacxin dịch tả heo châu Phi được xem là hướng đi rất đúng dù rất khó. Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp cùng vào cuộc để đẩy mạnh tiến trình nghiên cứu vacxin. 

Đức Quỳnh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.