|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Israel dè dặt trước viễn cảnh ông Joe Biden làm Tổng thống Mỹ

10:03 | 01/05/2020
Chia sẻ
Israel có lí do để thận trọng trước viễn cảnh ứng cử viên Tổng thống duy nhất của đảng Dân chủ, Joe Biden trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Israel dè dặt trước viễn cảnh ông Joe Biden làm Tổng thống Mỹ - Ảnh 1.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ mang đến thay đổi đáng kể trong quan hệ Mỹ - Israel?. (Nguồn: AP)

Hiện vẫn chưa rõ liệu cách tiếp cận “tái kết nối” của ông Biden sẽ được triển khai thế nào. Tuy nhiên, chiến dịch của ông Biden đã vạch ra một số nguyên tắc chính: quay trở lại thoả thuận quốc tế, khôi phục liên minh lâu đời, tinh giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Trung Đông và ưu tiên thúc đẩy và bảo vệ nền dân chủ.

Là người từng duy trì ủng hộ lâu dài đối với Israel, song nếu ông Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, lập trường của Mỹ có thể thay đổi trong hai vấn đề then chốt với Israel: xung đột Israel - Palestine và hạt nhân Iran.

Có điều chỉnh, không đảo ngược

Trong sự nghiệp của mình, ông Biden thể hiện thái độ ủng hộ và đánh giá cao Israel về mặt đạo đức và chiến lược. Ông Biden nhận mình theo chủ nghĩa Zion và từng cho rằng việc các ứng cử viên Dân chủ khác lợi dụng gói hỗ trợ 3,8 tỷ USD hàng năm cho Israel để đặt điều kiện là “sai lầm khổng lồ”.

Tuy nhiên, quan hệ thân thiết giữa ông Biden và ông Netanyahu bắt đầu từ thập niên 1980 đến nay có thể kém mặn mà so với trước, khi Thủ tướng Netanyahu từng phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3/2015.

Sự khác biệt đáng kể về chính sách đối với vấn đề Israel - Palestine giữa ông Biden và phía Israel có thể sẽ tiếp tục. Tháng 8/2019, cựu Phó Tổng thống Mỹ từng phát biểu: “Mỹ cần phải gây áp lực với Israel để chấp nhận giải pháp hai nhà nước”.

Tuy nhiên, thoả thuận mới đây của liên minh giữa Đảng Likud và Đảng Xanh - Trắng có thể cho phép đưa ra sát nhập hoặc áp đặt chủ quyền Israel lên một phần Bờ Tây vào đầu tháng 7 tới. 

Hành động sát nhập đơn phương ở Bờ Tây của Israel dưới sự ủng hộ của “Thoả thuận Thế kỷ” của Tổng thống Trump sẽ làm gia tăng căng thẳng với chính quyền ông Biden trong tương lai.

Các bước ủng hộ Israel khác của chính quyền Tổng thống Trump bao gồm công nhận Jerusalem là thủ đô hay di dời Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, dự kiến sẽ được điều chỉnh nhưng không hoàn toàn đảo ngược.

Israel dè dặt trước viễn cảnh ông Joe Biden làm Tổng thống Mỹ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và Cố vấn Ivanka Trump tại sự kiện mở sứ quán tại Jerusalem. (Nguồn: TheIntercept)

Bài toán JCPOA

Liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, ông Biden từng tuyên bố: “Nếu Iran quay lại tuân thủ các nghĩa vụ hạt nhân, Mỹ sẽ quay lại Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) như ban đầu để phối hợp cùng các đồng minhcChâu Âu và các cường quốc khác mở rộng các ràng buộc hạt nhân”.

Israel nhiều khả năng sẽ không chấp nhận cách tiếp cận trên, một phần do cấu trúc của thoả thuận không cho phép Mỹ quay lại với những điều kiện của năm 2017. 

Những hạn chế chính đối với Iran bắt đầu hết hiệu lực vào năm 2020 đến năm 2030, và vài hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran được thực hiện vi phạm thoả thuận là không thể đảo ngược.

Bối cảnh chính trị trong nước của Israel sẽ gây khó khăn cho Thủ tướng Israel trong việc chấp nhận cách tiếp cận này, sau ông Netanyahu nhiều lần cảnh báo rằng JCPOA sẽ dẫn đến việc “Iran sớm có kho vũ khí hạt nhân”.

Ngoài ra, khó có thể hình dung việc ông Biden không những quay lại thoả thuận, mà còn gia hạn thoả thuận đến sau 2030 mà không có sự chấp thuận từ Thượng viện, nhiệm vụ không dễ dàng trong chính trường chia rẽ hiện nay tại Washington.

Từ cách nhìn chiến lược, việc đảo ngược chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump dưới thời chính quyền mới có thể không hiệu quả, thậm chí còn gây tác dụng tiêu cực. Các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ buộc phải thận trọng hơn trước việc Mỹ liên tục thay đổi chính sách một cách thiếu nhất quán giữa các nhiệm kỳ, gây tổn hại lợi ích quốc gia.

Nếu ông Biden nắm quyền và ngay lập tức đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm nhằm khôi phục vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, điều này sẽ chứng minh sự biến động cực đoan trong chính sách giữa các đời Tổng thống Mỹ.

Tóm lại, để đảm bảo tính liên tục của quan hệ Mỹ - Israel sau cuộc bầu cử tháng 11, Israel cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống ông Biden làm Tổng thống.

Ngay khi có thể, Israel cần nỗ lực thiết lập kênh liên lạc với ứng cử viên Dân chủ để thảo luận chính sách một cách kín đáo và xây dựng lòng tin, như triển vọng về thoả thuận giữa Mỹ - Israel về vấn đề hạt nhân Iran, giới hạn và điều phối trách nhiệm nhằm giảm bớt lo ngại của Israel với khả năng Mỹ quay lại JCPOA dưới thời ông Biden.

Đồng thời, Israel cần tránh gây hiểu lầm khi chỉ ủng hộ cho 1 đảng trong giai đoạn tranh cử, làm giảm thiểu gián đoạn có thể xảy ra với mối quan hệ Mỹ - Israel nếu ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng. Cách tiếp cận cẩn trọng sẽ đóng vai trò quan trọng, đảm bảo quan hệ song phương không bị ảnh hưởng khi vấp phải những rào cản khác biệt về quan điểm chính sách.  

Minh Quân