|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Instagram đang ngấm ngầm thay đổi hành vi mua sắm của người dùng

16:25 | 17/12/2019
Chia sẻ
Với định hướng trở thành một trung tâm mua sắm, Instagram buộc các thương hiệu phải điều chỉnh chiến lược truyền thông số của họ.

Instagram là một mạng xã hội tuyệt vời để chia sẻ hình ảnh, tương tác với những người nổi tiếng và khám phá những phong cách thời thượng. Ở đó có tất cả mọi thứ mà ngay cả Amazon cũng đang phải vật lộn để hoàn thiện. 

Chính vì vậy từ các nhà mốt cho đến các nhà bán lẻ, cũng như các thương hiệu lớn đều nhìn ra một cơ hội nào đó từ chính trang mạng xã hội này, theo CNN.

Gần đây, các thương hiệu chủ yếu sử dụng Instagram như một công cụ quảng cáo để tiếp cận người tiêu dùng. Tuy nhiên, Instagram đã đưa ra một loạt các động thái để trở thành một trung tâm mua sắm, buộc các công ty phải điều chỉnh chiến lược truyền thông số của họ.

Dù Instagram vẫn chỉ đóng vai trò nhỏ bé trong ngành bán lẻ nhưng các nhà bán lẻ vẫn muốn làm điều gì đó trên trang mạng xã hội này. Ngay cả khi trong tương lai, mạng xã hội Instagram có thể làm gián đoạn việc mua sắm của người dùng.

Vào tháng 3, Instagram đã giới thiệu một tùy chọn thanh toán mới cho phép khách hàng trực tiếp mua sản phẩm từ các công ty chính hãng trên ứng dụng. 

Trước đây, khi tìm thấy một sản phẩm trên Instagram, người mua hàng thường phải thoát ra khỏi ứng dụng để mua nó tại trang web của các nhà bán lẻ. Các nhà phân tích cho rằng đây là một điều khiến khách hàng thực sự khó chịu.

Instagram cũng đã thêm các công cụ cho phép khách hàng mua sắm sản phẩm tại mục "Stories" và "Explore". Người mua hàng có thể mua những bộ trang phục mà Kylie Jenner, Kim Kardashian West hay những người nổi tiếng khác mặc trên chính trang Instagram cá nhân thông qua các bài đăng trực tiếp của họ.

Tuy là một công cụ hữu ích giúp người mua sắm dễ dàng tìm hiểu các cách phối đồ từ các thương hiệu thời trang và những người nổi tiếng nhưng Instagram vẫn có thể gây khó chịu cho khách hàng mua sắm online. 

Lí do là quá trình lướt mạng để tìm sản phẩm được xem như một thách thức từ các trang web hay từ chính ứng dụng của Amazon hoặc của các nhà bán lẻ, nơi người mua hàng thường sẽ phải lướt qua hàng chục trang web cũng như hàng trăm sản phẩm khác nhau.

Ông Andrew Lipsman - chuyên viên phân tích tại eMarketer cho biết: "Internet không thực sự thành thạo trong việc giải quyết nhu cầu khám phá và mua sắm. Chính vì vậy Instagram đang từng bước đáp ứng nhu cầu đó của người mua hàng".

Những nỗ lực của Instagram trong việc chuyển mình thành một trung tâm mua sắm đã lôi kéo một số thương hiệu. Giới doanh nghiệp đã thấy một thị trường chưa được khai thác, nơi có thể giúp họ bán các mặt hàng trực tiếp cho người dùng đang theo dõi thương hiệu trên Instagram. 

Các công ty như Adidas cho biết họ đang tận dụng công cụ mới này để tung ra những mẫu giày thể thao và quần áo mới.

Bà Emily Maxey - phó chủ tịch khối tiếp thị của Adidas chia sẻ: "Người tiêu dùng của chúng tôi dành rất nhiều thời gian cho Instagram. Họ sử dụng Instagram để xem các sản phẩm của chúng tôi, kết nối với bạn bè để nhận các đề xuất về các sản phẩm đó và cuối cùng đi đến quyết định mua hàng".

Theo ông Lipsman, chiến lược của Instagram cũng tương tự với ứng dụng mạng xã hội WeChat phổ biến ở Trung Quốc. WeChat là một nền tảng nhắn tin có sức thống trị ở Trung Quốc. Nó đã thành công trong việc khiến người tiêu dùng mua sắm qua chính ứng dụng này.

Một cơ hội phát triển

Theo Deutsche Bank, việc mua sắm trên Instagram có thể trở thành một thị trường trị giá 10 tỉ USD vào năm 2021. Nền tảng này cho phép các thương hiệu thu hút người mua hàng từ bên ngoài các trang web, các cửa hàng truyền thống hay trên trang Amazon của chính thương hiệu đó. 

Ban điều hành Instagram cho biết có 80% người dùng ứng dụng đăng kí theo dõi một doanh nghiệp. Hằng tháng có hơn 130 triệu người dùng ấn vào các bài đăng trên Instagram để xem thẻ mua sắm sản phẩm.

Giám đốc vận hành của Facebook -  bà Sheryl Sandberg - tiết lộ: "Dù đây mới chỉ là những ngày khởi đầu cho tính năng mua sắm trên Instagram nhưng chúng tôi rất hào hứng để phát triển nó trong thời gian dài".

Hơn 20 thương hiệu, bao gồm Nike, Adidas, Uniqlo, Warby Parker, Outdoor Voices, Prada, Dior và Kylie Cosmetics đang thử nghiệm bản cập nhật tính năng thanh toán với Instagram. 

Các công ty này hi vọng sự lựa chọn đó sẽ giúp khách hàng dễ dàng mua hàng hơn thông qua Instagram cũng như tăng doanh số bán hàng của họ trên nền tảng này.

Adidas và Burberry cùng nhiều doanh nghiệp khác cũng tiết lộ họ đang hợp tác với Instagram để nắm giữ một cổ phần lớn hơn trong tương lai ở lĩnh vực mua sắm trên mạng xã hội. 

Theo bà Maria Culp, phát ngôn viên của công ty đồ thể thao, khẳng định họ sẽ là những người tiên phong đầu tiên thực hiện việc này.

Những dấu hiệu cảnh báo các nhà bán lẻ

Instagram không tiết lộ mức phí khi người dùng mua sắm bất kì một sản phẩm nào trên ứng dụng. Các thương hiệu cũng giữ kín việc dàn xếp tài chính của họ. 

Bất chấp sự lạc quan của Instagram và các thương hiệu đối tác của nó, nhiều nhà phân tích cho rằng các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với những thách thức trong việc nắm bắt Instagram một cách chặt chẽ hơn cũng như bán hàng trên chính nền tảng này.

Theo Jason Goldberg, giám đốc thương mại của hãng quảng cáo Publics, phân tích: "Thật khó để các công ty kiếm được lợi nhuận trên Instagram. Ở trên mạng xã hội này, các nhà bán lẻ chỉ có thể bán mỗi một sản phẩm một lúc cho người tiêu dùng thay vì để họ mua một giỏ các mặt hàng như trên trang web thương mại điện tử của hãng".

Nhà phân tích của Forrester Research - bà Sucharita Kodali cũng nhận định rằng các thương hiệu cũng nên thận trọng khi ngày càng phụ thuộc vào Instagram để bán hàng. 

Lí do là các thương hiệu đó không có nhiều quyền kiểm soát khách hàng của họ trên Instagram như họ vẫn thường làm tại chính cửa hàng hoặc trên trang web thương mại điện tử của riêng họ. 

"Về cơ bản, bạn đang đem hết một số thông tin độc quyền quan trọng nhất của mình cho những công ty không có bất kì một cam kết nào về quyền riêng tư của chính bạn cũng như không tôn trọng sự phân định giữa khách hàng của họ và của bạn", bà nhận xét.

Ngọc Anh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.