|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

IMF: Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu

14:04 | 19/10/2017
Chia sẻ
Báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế các khu vực trên thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển thuận lợi, chủ yếu nhờ tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư tăng cao.
imf kinh te chau a thai binh duong tiep tuc dan dat tang truong kinh te toan cau
Ảnh minh họa.

Theo đó, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng 3,6% trong năm 2017 và tăng 3,7% trong năm 2018, tăng 0,1% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2017.

Trong đó, các nước khu vực châu Á - Thái Bình dương tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng 5,6% trong năm nay và 5,5% trong năm 2018, nhờ kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN tăng cao hơn so với kỳ vọng, góp phần bù đắp tốc độ tăng trưởng thấp tại Ấn Độ và Australia.

Tăng trưởng nhờ đầu tư và tiêu dùng

Báo cáo chỉ ra, yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực bắt nguồn từ đầu tư và tiêu dùng, với dòng vốn vào tiếp tục mở rộng trong sáu tháng đầu năm 2017, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp và điều kiện tài chính thuận lợi.

Tuy nhiên, các nước trong khu vực đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khó lường, nhất là rủi ro trong trung hạn, dù bức tranh kinh tế ngắn hạn vẫn tiến triển thuận lợi.

Những rủi ro cơ bản có thể cản trở tăng trưởng kinh tế gồm cẳng thẳng địa chính trị leo thang, dòng vốn ra có thể bất ngờ tăng cao, xu hướng chuyển sang chính sách hướng nội, bất định chính sách gia tăng, và khả năng điều chỉnh đột ngột tại Trung Quốc. Ngoài ra, các nước trong khu vực cũng phải đối mặt với những thách thức dài hạn như hiện tượng già hóa dân số và xu hướng năng suất tăng chậm dần.

Trong khi GDP có triển vọng tăng cao, lạm phát cơ bản tại khu vực châu Á - Thái Bình dương có xu hướng giảm nhẹ, do giá cả hàng hóa giảm thấp và sức mua của tiền tệ tăng.

Lạm phát trong khu vực duy trì ở mức thấp

Trong năm 2017, lạm phát có thể chỉ tăng 2,3%, thấp hơn so với dự báo tháng 4/2017 là tăng 2,9%, trước khi tăng trở lại lên mức 2,8% vào năm 2018. Trong năm nay, tiền tệ tại các quốc gia châu Á nhìn chung đều tăng giá so với USD, mặc dù diễn biến rất khác nhau. Dòng vốn vào các nước châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu tăng trở lại ngay từ đầu năm 2017, phản ánh nền tảng kinh tế vững chắc của khu vực này, nhất là nguồn dự trữ ngoại hối khá dối dào.

GDP Trung Quốc tăng tốc và đạt 6,9% trong sáu tháng đầu năm 2017, phản ánh xu hướng phục hồi thương mại toàn cầu, đầu tư hạ tầng tăng cao, lĩnh vực bất động sản tiếp tục phát triển bền vững. Báo cáo cho thấy IMF dự báo GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng 6,8% trong năm 2017 và tăng 6,3% trong giai đoạn 2018-2020. Lạm phát cơ bản có xu hướng giảm dần và có thể tăng 1,8% trong năm nay (nhờ lạm phát lõi tăng thấp), sau đó sẽ tăng 2,6% trong trung hạn.

Tại Ấn Độ, GDP tăng ở mức thấp trong những quý gần đây do những rối loạn bắt nguồn từ chính sách tỷ giá, được đưa ra vào tháng 11/2016 và áp dụng biện pháp tăng thuế từ đầu tháng 7/2017. IMF dự báo, GDP của Ấn Độ sẽ tăng 6,7% trong năm tài khóa 2017, kết thúc vào ngày 31/3/2018, và tăng 7,4% trong năm tài khóa 2018.

Báo cáo chỉ ra, đà tăng trưởng cao này bắt nguồn từ kỳ vọng giá năng lượng và các mặt hàng thực phẩm sẽ tăng thấp, góp phần khuyến khích nhu cầu và các loại hình dịch vụ. Lạm phát được dự báo tăng 3,8% trong năm tài khóa 2017, tăng 4,9% trong năm tài khóa 2018 và tăng dần trong giai đoạn trung hạn theo đà phục hồi của giá cả các mặt hàng thực phẩm. Thâm hụt vãng lai vẫn ở mức thấp, nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng cao.

Theo IMF, GDP của Nhật Bản tăng cao hơn mức tăng trưởng tiềm năng trong sáu quý liên tiếp, nhờ các biện pháp hỗ trợ tài khóa, xuất khẩu tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Trong năm 2017, kinh tế Nhật Bản được dự báo tiếp tục duy trì động lực với mức tăng trưởng khoảng 1,7%, nhờ các biện pháp hỗ trợ tài khóa ngắn hạn và xuất khẩu gia tăng. Tuy nhiên, GDP năm 2018 có thể chỉ tăng 0,7% do tác động mờ nhạt của biện pháp tài khóa tạm thời và nhu cầu tư nhân suy yếu, trước khi tăng trở lại nhằm đón Olympics 2020.

Kinh tế ASEAN tăng trưởng nhờ đầu tư và xuất khẩu

Tại nhiều quốc gia ASEAN, GDP trong 6 tháng đầu năm tăng cao hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, GDP tại nhóm ASEAN-5 tiếp tục tăng nhờ đầu tư và xuất khẩu, góp phần củng cố cán cân vãng lai.

Trong đó, GDP năm 2017 tại Indonesia được dự báo tăng 5,2%, nhờ xuất khẩu và chi tiêu tài khóa tăng; GDP của Malaysia tăng 5,4%, nhờ xuất khẩu và nhu cầu trong nước tăng nhanh. Còn tại Philippines, GDP được dự báo chạm ngưỡng tăng trưởng tiềm năng ở mức 6,6% trong năm 2017 và 6,8% trong giai đoạn trung hạn, nhờ nhu cầu trong nước tăng nhanh.

GDP của Singapore trong năm 2017 được kỳ vọng tăng 2,5%, nhờ hoạt động định hướng xuất khẩu bền vững; và tăng 2,6% trong năm 2018, nhờ nhu cầu của khu vực tư nhân trong nước tiếp tục phục hồi.

Chuyên gia của IMF nhận định, các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần phát huy thành quả đạt được để hỗ trợ các biện pháp cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và toàn diện, khắc phục tình trạng mất cân đối và hạn chế rủi ro.

Ngoài ra, lạm phát thấp tiếp tục là yếu tố thuận lợi trong việc duy trì chính sách lãi suất thấp ở nhiều quốc gia, nhưng mỗi nước có thể áp dụng chính sách tài khóa khác nhau, tùy thuộc vào vị thế chu kỳ và dư địa tài khóa. Theo IMF, một số nước cần tăng cường chính sách tài khóa nhằm ngăn ngừa rủi ro, nhất là nguy cơ đảo chiều các dòng vốn.

Lyly Cao

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.