IEA: OPEC+ giảm sản lượng có thể khiến kinh tế toàn cầu suy thoái
Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA) mới đây cảnh báo việc OPEC cùng các nước đồng minh (OPEC+) giảm sản lượng tiềm ẩn rủi ro đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng và an ninh năng lượng bị đe doạ, theo Financial Times.
Tuần trước, OPEC+ thống nhất giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày. Quyết định này sau đó đó nhận phải chỉ trích từ phía Mỹ rằng Arab Saudi liên kết với Nga để đẩy giá dầu lên cao vào thời điểm thế giới đang phải vật lộn với chi phí năng lượng tăng mạnh.
IEA cho rằng “Kế hoạch giảm sản lượng của OPEC+ làm lệch quy đạo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nguồn cung dầu trong thời gian còn lại cảu năm nay và năm sau. Với mức giá dầu cao hơn sẽ càng làm trầm trọng thêm biến động của thị trường và gia tăng nỗi lo ngại về an ninh năng lượng. Với áp lực lạm phát và lãi suất không ngừng tăng, giá dầu tăng cao có thể minh chứng điểm giới hạn cho nền kinh tế toàn cầu bước vào bờ vực suy thoái”.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi IMF trong tuần này hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 xuống 2,7%, mức dự báo tăng tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001.
IEA cho biết nhu cầu dầu trong ba tháng cuối năm dự kiến giảm 340.000 thùng/ngày so với năm ngoái. Cơ quan này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu cho năm 2023 là 470.000 thùng/ngày xuống còn 1,7 triệu thùng/ngày.
Việc mạnh tay giảm nguồn cung của OPEC+ sẽ làm suy yếu khả năng bổ sung cho các kho dự trữ trong suốt những tháng còn lại của năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Cuối tháng 8, dự trữ dầu của các nước nhóm OECD thấp hơn 243 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm là 2,7 tỷ thùng.
Arab Saudi bảo vệ quan điểm cắt giảm sản lượng và cho rằng họ cần tránh việc giá dầu lao dốc, điều này có thể gây tổn hại đến nguồn cung trong dài hạn. Các quyết định của OPEC+ hoàn toàn cân nhắc “dự trên tình hình kinh tế” và “không có động cơ chính trị” gây tổn hại cho Mỹ, Bộ Ngoại giao Arab Saudi mới đây cho biết.
Do nhiều thành viên OPEC+ không đáp ứng được mức sản lượng mục tiêu, mức cắt giảm nguồn cung thực tế dự kiến khoảng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 11, IEA nhận định.
Tuy nhiên, nguồn cung của OPEC+ có thể giảm hơn nữa khi EU thực hiện lệnh trừng phạt đối với dầu thô của Nga, dự kiến có hiệu lực từ ngày 5/12.
Năm 2023, IEA dự kiến sản lượng dầu thô của Nga sẽ đạt trung bình 9,5 triệu thùng/ngày, giảm từ 10,9 triệu thùng/ngày trong năm 2022.