Huyện Đan Phượng tập trung đầu tư thế nào để đẩy nhanh tiến độ lên quận?
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) thành quận.
Cụ thể, Đông Anh và Gia Lâm được giao phối hợp với Sở Nội vụ, các đơn vị liên quan hoàn thiện lập hồ sơ Đề án và làm việc với các bộ, ngành thẩm định, phấn đấu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025.
Hai huyện Thanh Trì và Hoài Đức chủ động phối hợp với các sở ngành, cung cấp hồ sơ, số liệu phục vụ việc đánh giá tiêu chí; xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí chưa đạt để trình Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận vào quý IV/2025.
Còn riêng Đan Phượng là huyện duy nhất chưa có thời gian cụ thể lên quận do vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt được. Vì vậy, Đan Phượng đã và đang chủ động phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án.
Trong đó, tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị nhằm hoàn thiện các tiêu chí hệ thống cơ sở hạ tầng,
Tập trung nguồn lực để phát triển
Về phát triển đô thị, UBND huyện sẽ tập trung nguồn lực để phát triển khu đô thị và thị trấn Phùng. Cụ thể, sẽ hình thành các trung tâm mới về dịch vụ đô thị và thương mại; tạo dựng đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội. Khu vực thị trấn Phùng và vùng lân cận sẽ hình thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại, thể dục thể thao của huyện Đan Phượng.
Về hạ tầng giao thông, Đan Phương đang đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án. Cụ thể, về đường bộ, đẩy nhanh thi công đường vành đai 4, mở rộng mặt cắt ngang tại quốc lộ 32 với đường vành đai 4, đường trục Tây Thăng Long.
Đối với đường sắt, tuyến đường sắt quốc gia và vành đai phía Tây chạy dọc vành đai 4 (thuộc địa phận huyện Đan Phượng); xây dựng ga Phùng gần thị trấn Phùng, phía Bắc trục đường Tây Thăng Long và tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh.
Đối với tuyến đường tỉnh, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 417, đường tỉnh 419, đường tỉnh 422. Các tuyến đường huyện (liên xã): Xây mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường cấp II, IV (2, 4 làn xe) kết hợp với hệ thống đường tỉnh tạo thành khung giao thông chính trong huyện.
Định hướng quy hoạch đất cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đan Phượng thời kỳ 2021 - 2030 sẽ bố trí 5 vị trí, với tổng diện tích là 143,60ha. Trong đó, quy hoạch Cụm công nghiệp Đan Phượng giai đoạn 2 là 6,8ha; quy hoạch Cụm công nghiệp Hồng Hà (khu Đồng Bồng, Râm) 6ha; quy hoạch Cụm công nghiệp Song Phượng 6,8ha; quy hoạch Cụm công nghiệp Phương Đình 50ha; quy hoạch Cụm công nghiệp Hồng Hà (khu Trại Phá, Tay Áo, Râm, Cấn…) 74ha.
Huyện Đan Phượng cũng quy hoạch đất khu vui chơi giải trí công cộng trên địa bàn thời kỳ 2021 - 2030 với 129 vị trí, tổng diện tích là 412,57ha. Diện tích đất nông nghiệp theo phương án quy hoạch đến năm 2030 là 1.214,21ha, chiếm 15,60% diện tích tự nhiên của huyện, giảm 2.438,46ha so với năm 2020. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành huyện có kinh tế và lao động công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu.
Thu hút nhiều dự án bất động sản
Nhờ hoàn thiện các tiêu chí hệ thống cơ sở hạ tầng, huyện Đan Phượng đang ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư bất động sản.
Với phân khúc bất động sản cao cấp, khu đô thị sinh thái Vinhomes Wonder Park tọa lạc tại vị trí trung tâm phía Tây Bắc, tại Đan Phượng, thủ đô Hà Nội do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Đây được coi là dự án duy nhất của chủ đầu tư với quy mô lên tới hơn 100 ha tại khu vực phía Tây Bắc của Thủ đô tính từ vành đai 3,5 trở vào.
Quy mô của dự án này lên tới 133ha, nằm trong khu vực của 2 xã Liên Trung, Tân Hội và cách khu đô thị Vinhomes Green City (quận Nam Từ Liêm) khoảng 7km.
Một dự án nữa đang được đầu tư tại Đan Phương là Khu biệt thự nhà vườn sinh thái cao cấp The Phoenix Garden nằm tại ngã tư đường vành đai 4 và trục Tây Thăng Long (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng), có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư tư DIA và liên doanh đầu tư với Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát Land.
Bên cạnh đó, Đan Phượng cũng có nhiều dự án bất động sản mới như: Khu đô thị mới Tân Tây Đô tại xã Tân Lập với diện tích 60.801m2 và khu nhà ở thấp tầng được xây dựng trên diện tích 66.719m2 với các căn hộ liền kề và biệt thự và chung cư Phúc Thịnh Tower có quy mô gần 26 ha nằm trên trục đường 32.
Huyện Đan Phượng nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô và cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km thông qua tuyến Quốc lộ 32. Về địa lý, phía Đông của huyện Đan Phượng giáp quận Bắc Từ Liêm; phía Bắc kề cận huyện Mê Linh với dòng sông Hồng chia cắt tạo thành ranh giới; phía Tây giáp huyện Phúc Thọ (ranh giới là sông Đáy); phía Nam giáp với huyện Hoài Đức.
Hiện nay, huyện Đan Phượng có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Phùng và 15 xã: Đan Phượng, Hồng Hà, Liên Hà, Liên Hồng, Liên Trung, Đồng Tháp, Hạ Mỗ, Phương Đình, Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập, Thượng Mỗ, Trung Châu, Thọ An và Thọ Xuân.