|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Diện mạo huyện Đông Anh thế nào sau khi lên quận?

11:33 | 26/08/2024
Chia sẻ
Mặc dù đã có kế hoạch và rục rịch để chuẩn bị lên quận từ năm 2020, nhưng đến nay huyện Đông Anh vẫn đang trong giai đoạn phấn đấu để thành lập quận. Hiện tại, Đông Anh đã cơ bản thực hiện xong giai đoạn đầu tư, xây dựng phát triển để lập Đề án thành lập quận, phường và cũng có hàng loạt dự án tỷ USD đang được triển khai.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng trong đó xác định huyện Đông Anh sẽ phấn đấu thành lập quận vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025. 

Để chuẩn bị cho việc thành lập quận, Đông Anh đã cơ bản thực hiện xong giai đoạn đầu tư, xây dựng phát triển để lập Đề án thành lập quận, phường. Bên cạnh đó, Đông Anh cũng thu hút hàng loạt dự án tỷ USD như: Vinhomes Cổ Loa, Thành phố Thông minh và một số khu đô thị lớn.

Quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên 185 km2, dân số 437.000 và 24 xã, thị trấn hiện có.

Đông Anh sẽ có 24 phường gồm: Đông Anh, Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.

Phía đông quận giáp TP Từ Sơn và huyện Yên Phong (Bắc Ninh); phía tây giáp huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng; phía nam giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía bắc giáp huyện Sóc Sơn với ranh giới là sông Cà Lồ. Hiện Đông Anh đã đạt 5/5 tiêu chí thành lập quận và 4/4 tiêu chí lập phường. Đó là hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị, vệ sinh môi trường, kiến trúc cảnh quan.

Sau khi thành lập, Quận Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía bắc Thủ đô.

Diện mạo mới của hạ tầng Đông Anh

Nhà văn hoá huyện Đông Anh. (Ảnh: kinhtedothi).

Để chuẩn bị lên quận, nhiều công trình hạ tầng tại Đông Anh đã và đang được triển khai như: Nhà văn hóa huyện Đông Anh, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cấp khu vực (NC-1) phía bắc thôn Cán Khê đi thôn Tiên Hùng đến đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên; dự án như xây dựng trung tâm hành chính huyện Đông Anh; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường đôi A-B đến đường dọc Kênh giữa, xã Kim Chung...

Theo phê duyệt, tuyến đường cấp khu vực (NC-1) phía bắc thôn Cán Khê đi thôn Tiên Hùng đến đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài 2,2 km, nằm trên địa bàn xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh; được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 7/2022.

Điểm đầu tuyến giao với đường quy hoạch tại phía bắc thôn Cán Khê; điểm cuối giao với đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư của dự án là 245 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2025 đi vào hoạt động.

Dự án trung tâm hành chính huyện Đông Anh nằm trên khu đất "vàng" gần 5ha thuộc thị trấn Đông Anh và xã Uy Nỗ cũng đang được triển khai.

Ngày 17/7,  Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn ký Quyết định phê duyệt phương án, vị trí tuyến đường gồm: Tuyến đường Vân Nội – Uy Nỗ, tuyến đường Nam Hồng – Tiên Dương hay tuyến đường Nguyễn Khê – Tiên Dương – Lễ Pháp.

Ngoài ra, Đông Anh cũng xây dựng tuyến đường từ Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (3,7 km; 1.239 tỷ đồng). Tuyến đường LK50, đoạn từ quốc lộ 3 cũ đến đường Thư Lâm dài 5,9 km; quy mô 1.303 tỷ đồng. Tuyến đường LK54 kết khu tái định cư cầu Nhật Tân đến đường LK53 dài 3,8 km; tổng 1.204 tỷ đồng. Đường LK51 đoạn từ quốc lộ 3 mới đến đường Uy Nỗ dài 5,7 km; 1.168 tỷ đồng).

Đáng chú ý, giai đoạn 2023 - 2028, Đông Anh sẽ triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn huyện dài 14,9 km, với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Điểm đầu nằm tại nút giao cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Điểm cuối giao với đường Võ Văn Kiệt. Tuyến đường đi qua địa bàn 9 xã thuộc Đông Anh, bao gồm: Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, Thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Vân Nội, Nguyên Khê, Bắc Hồng và Nam Hồng.

Ngoài ra, giai đoạn 2023 - 2027, huyện dự chi 800 tỷ đồng xây dựng 3 tuyến đường ngoài hàng rào kết nối với Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3)....

Quy tụ hàng loạt dự án tỷ USD

Không chỉ các dự án hạ tầng giao thông, Đông Anh còn là nơi quy tụ của hàng loạt dự án bất động sản tỷ USD. Trong đó có thể kể đến dự án Vinhomes Cổ Loa, Thành phố Thông minh (Smart City), Công viên Kim Quy hay dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia,...

Phối cảnh dự án Thành phố thông minh của liên danh Sumitomo Corporation và BRG. (Ảnh: BRG).

Thành phố Thông minh là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất hiện nay với gần 4,2 tỷ USD và tổng diện tích gần 272 ha. Dự án nằm tại trung tâm của Quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài,thuộc các xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ. Dự án do CTCP Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (NHSC) – liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư.

Vào tháng 11/2023, chủ đầu tư đã chính thức công bố triển khai dự án này. Đến tháng 7/2024, liên doanh chính thức được giao hơn 261 ha đất để thực hiện dự án. Tiến độ dự kiến đầu tư là 9 năm, chia làm 5 giai đoạn, hoàn thành hạng mục cuối cùng vào cuối năm 2032. Tính đến hiện tại, dự án vẫn chưa tiến hành triển khai thi công các hạng mục chính.

UBND TP Hà Nội hồi tháng 5 vừa qua đã có quyết định giao hơn 252 ha đất đã giải phóng mặt bằng cho CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - Mã: VEF) để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (tên gọi khác là Vinhomes Cổ Loa).

Dự án do VEFAC (công ty con trực thuộc Tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư, với tổng diện tích hơn 261 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 18.300 tỷ đồng. Thông tin từ chủ đầu tư, dự án sẽ bố trí 111,7 ha để xây dựng các công trình nhà ở. Trong đó, nhóm nhà ở cao tầng sẽ được xây tối đa 45 tầng.

Phối cảnh dự án dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia. (Ảnh: Hanoimoi).

VEFAC dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia diện tích hơn 90 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.336 tỷ đồng tại Đông Anh. Dự kiến, dự án sẽ dành hơn 550.000 m2 xây dựng công trình trong nhà và ngoài trời bao gồm các phân khu chức năng chính như khu triển lãm trong nhà và ngoài trời, trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm hội nghị và các khu phụ trợ khác như khách sạn 5 sao 52 tầng, trung tâm thương mại…

Theo thông tin mới nhất, dự án này sẽ được khởi công vào cuối tháng 8.

Tiếp theo là dự án Công viên Kim Quy có quy mô khoảng 190 ha, nằm tại thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc. Dự án được Sun Group động thổ vào tháng 9/2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai. Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 4.600 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là dự án công viên lớn bậc nhất Hà Nội.

Dự án Khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, huyện Đông Anh (thuộc quy hoạch phân khu sông Hồng) hiện đang trong giai đoạn nộp hồ sơ đăng ký.

Tổng diện tích nghiên cứu sử dụng đất của dự án khoảng 268 ha. Trong đó, diện tích đất nhà đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình theo quy hoạch chi tiết và bàn giao lại cho Nhà nước, chính quyền địa phương quản lý theo quy định khoảng 83,39 ha; đất dân dụng khoảng 165,77 ha; đất ngoài dân dụng khoảng 18,83 ha.

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 33.093 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,3 tỷ USD), chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 2.090 tỷ đồng. Quy mô dân số khoảng 38.500 người. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2031.

Dự án này đã có một đơn vị đăng ký là liên danh CTCP Tập đoàn Vingroup – CTCP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn – CTCP Đầu tư và Phát triển Thương mại Long Hải. Trong đó, Thái Sơn là công ty con do Vinhomes sở hữu 99,8%.

Ngoài ra, Đông Anh cũng có nhiều dự án khu đô thị khác gồm: dự án Khu đô thị mới G3 (gần 80 ha, 8.127 tỷ đồng) tại các xã Kim Chung, Đại Mạch; Khu đô thị mới G13 (hơn 44 ha, 3.113 tỷ đồng) tại xã Mai Lâm, Đông Hội; Khu đô thị mới G8 (46,6 ha; 3.153 tỷ đồng) tại xã kim Nỗ, Kim Chung; Khu đô thị mới G17 (20,6 ha, 5.892 tỷ đồng) tại xã Nam Hồng.

Hạ An