|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Huyện Thanh Trì sẽ có diện mạo thế nào sau khi lên quận?

14:58 | 27/08/2024
Chia sẻ
Với lợi thế vị trí nằm sát khu vực trung tâm Hà Nội, huyện Thanh Trì đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về diện mạo đô thị, từng bước hoàn thành mục tiêu trở thành quận vào quý IV/2025.

Đầu tháng 8 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) thành quận.

Với mục tiêu trở thành quận vào quý IV/2025, huyện Thanh Trì đang tích cực chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chí cần thiết, đẩy mạnh nhiều dự án hạ tầng giao thông và phát triển đô thị,phấn đấu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án thành lập quận vào quý II/2025, tạo đà cho sự thay đổi mạnh mẽ của địa phương.

Động lực phát triển từ hạ tầng giao thông

Một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của huyện Thanh Trì là hạ tầng giao thông. Trong đó, dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 là một trong những công trình quan trọng, tạo nên trục giao thông kết nối giữa các khu đô thị mới với khu dân cư hiện hữu. 

Theo quy hoạch, tuyến đường này sẽ đi qua địa phận 10 xã/phường bao gồm quận Hà Đông (3 phường) là phường Phú La, Kiến Hưng, Phú Lương và huyện Thanh Trì (7 xã) là xã Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp, với tổng chiều dài khoảng 42 km, hứa hẹn tạo động lực lớn cho sự phát triển thương mại và dịch vụ trong khu vực.

Sơ đồ tuyến dự án đường Vành đai 3,5 (Ảnh: Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Dân dụng TP Hà Nội ).

Tuyến đường nối từ Phan Trọng Tuệ đến Vành đai 3,5 được phê duyệt vào cuối tháng 9/2023 cũng sẽ là một trong những công trình giao thông kết nối trực tiếp các khu dân cư tại Thanh Trì với các tuyến giao thông trọng điểm của Hà Nội.  

Tuyến đường này có chiều dài khoảng 2,1 km, điểm đầu tuyến nằm tại nút giao với đường Phan Trọng Tuệ, điểm cuối giao với đường vành đai 3,5, quy mô mặt cắt ngang tuyến là 25 m. Trong đó, lòng đường xe chạy là 15 m với 4 làn xe, vỉa hè hai bên rộng 10 m, các nút giao trên tuyến được xác định là ngang bằng. 

Ngoài ra, theo quy hoạch phân khu đô thị S4 và GS, một cầu vượt sông Nhuệ dự kiến được xây dựng trên tuyến đường kết nối từ khu đô thị Cầu Bươu, đường 70 (đường Cầu Bươu) với Vành đai 3,5 thuộc địa bàn các xã Tả Thanh Oai, Hữu Hòa và phường Kiến Hưng. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện khả năng kết nối giữa các xã trong huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế địa phương.

Về đường sắt, tuyến metro số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên được kỳ vọng là một dự án quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông đô thị của huyện Thanh Trì. Dự án được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư năm 2004, sau đó được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt giai đoạn I vào năm 2008 và điều chỉnh dự án năm 2017, bao gồm khu tổ hợp ga Ngọc Hồi.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ là điểm đầu của các tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia Hà Nội - TP HCM, có đầy đủ các chức năng hệ thống nhà ga đường sắt, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và khu depot của đường sắt đô thị.

Có thêm nhiều khu đô thị mới

Bên cạnh hạ tầng giao thông, Thanh Trì còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư với nhiều dự án bất động sản quy mô lớn. Đặc biệt, huyện này tập trung vào một số dự án nhà ở xã hội như: 486 Ngọc Hồi (gần 3,6 ha, 2.703 tỷ đồng) tại thị trấn Văn Điển; Udic Eco Tower Hạ Đình (gần 7,5 ha, 800 tỷ đồng) tại xã Tân Triều; Hồng Hà Eco City (gần 16,8 ha, 971,5 tỷ đồng) tại xã Tứ Hiệp...

Dự án Hồng Hà Eco City được đầu tư xây dựng dành cho cán bộ công chức nhà nước đang có khó khăn về nhà ở thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định. Dự án này được quy hoạch với 17 tòa nhà cao từ 10 - 34 tầng, trong đó có 16 tòa căn hộ và 1 tòa trung tâm thương mại, định vị trở thành khu đô thị sinh thái kiểu mẫu tại Thanh Trì với chuỗi tiện ích đồng bộ, đa dạng.

Dự án Hồng Hà Eco City (Ảnh: honghaecocity.com).

Dự án nhà ở xã hội 486 Ngọc Hồi do CTCP Tổng Bách Hoá đầu tư, có quy mô 5000 m2, gồm 4 khu nhà A,B,C,D cao 13 - 34 tầng, với 509 căn hộ. Theo quy hoạch, các căn hộ tại dự án này sẽ códiện tích từ 50 - 100 m2, được bố trí thành 2 - 3 phòng ngủ.

Dự án nằm ở vị trí có tuyến giao thông quan trọng kết nối trung tâm thủ đô với các khu vực kinh tế lân cận, gần với Công viên Yên Sở, hồ Linh Đàm, hệ thống trường học quốc gia thuộc địa bàn huyện Thanh Trì và nhiều bệnh viện lớn. 

Dự án nhà ở xã hội 486 Ngọc Hồi (Ảnh: bicvietnam.net).

Cuối tháng 7 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đã phát đi thông báo tìm nhà đầu tư thực hiện 2 dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Liên Ninh và Khu đô thị mới C3-1 tại huyện Thanh Trì, với tổng vốn hơn 7.800 tỷ đồng. Sau đó, đã có 7 đơn vị đăng ký làm hai dự án này. 

Cụ thể, dự án Khu đô thị mới Liên Ninh có một liên danh 4 doanh nghiệp đăng ký thực hiện, đó là CTCP Việt Hưng TTC Hà Nội - CTCP Tổng Công ty Tecco Miền Nam - CTCP Hateco Thăng Long - CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên. 

Dự án này có quy mô trên 30 ha, nằm tại xã Liên Ninh, tổng vốn đầu tư tạm tính khoảng 3.116,7 tỷ đồng. Theo quy hoạch, khu đô thị mới Liên Ninh sẽ có 197 biệt thự, 76 căn liền kề và hơn 820 căn nhà ở xã hội. Dự kiến, sau khi hoàn thành, dự án có quy mô dân số khoảng 4.500 người.

Dự án Khu đô thị mới C3-1 nằm tại xã Đại Áng thu hút hai liên danh và một doanh nghiệp đăng ký thực hiện. Trong đó, hai liên danh gồm Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu tư - CTCP Venereus - CTCP Đầu tư Phát triển Nhà An Đức và liên danh CTCP Đầu tư Mai Linh - Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Linh Sơn. Đơn vị còn lại muốn làm dự án này là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà An Đức.

Khu đô thị mới C3-1 có quy mô hơn 27 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 4.463 tỷ đồng. Dự án gồm 138 căn biệt thự song lập, 76 căn biệt thự đơn lập, 366 căn nhà ở liền kề cao tối đa 5 tầng. Khu đô thị này còn có thêm hai tòa chung cư thương mại cao 20 tầng và khu nhà ở xã hội cao 8 tầng với hơn 500 căn.

Thông tin tại Kỳ họp thứ 15, HĐND huyện Thanh Trì khoá XX nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức sáng ngày 4/7, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã đạt 33/34 tiêu chuẩn huyện thành quận, 1/34 tiêu chuẩn chưa đạt là cân đối thu - chi ngân sách.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp, sáp nhập 14 khu vực dự kiến thành lập phường cũng đang được tiến hành tích cực, với nhiều khu vực đã đạt từ 14 đến 17/18 tiêu chuẩn.

6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện tăng 14,4% so với cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 1.211,7 tỷ đồng, đạt 38,1% dự toán giao, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả ba khu vực theo đúng định hướng: Thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp. 

Anh My