|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

HSBC: Việt Nam là thị trường mới để mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp ASEAN

07:54 | 04/04/2024
Chia sẻ
Theo kết quả "Khảo sát doanh nghiệp tại ASEAN", hơn một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn chọn Việt Nam là thị trường mới để mở rộng kinh doanh.

HSBC vừa công bố kết quả “Khảo sát doanh nghiệp tại ASEAN” được thực hiện trong tháng 2 với 600 câu trả lời từ các doanh nghiệp đang hoạt động tại 6 thị trường lớn nhất ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và có doanh thu hàng năm ít nhất 150 triệu USD.

Theo đó, hơn một nửa doanh nghiệp ở thị trường ASEAN tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn chọn Việt Nam là thị trường mới để mở rộng kinh doanh.

Lý giải kết quả này, ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho biết là thành viên của ASEAN, Việt Nam tự hào có 16 FTA kí kết cùng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, một thị trường tiêu dùng tăng trưởng mạnh, một câu chuyện FDI ấn tượng và nền kinh tế số tăng trưởng.

“Dữ liệu khảo sát của chúng tôi cho thấy các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam không chỉ tập trung vào tăng trưởng trong nước, mà còn đặt mục tiêu mở rộng sang các thị trường mới ở ASEAN, cũng như phát triển kinh doanh thông qua hoạt động đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và số hóa, nhằm đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế số tại đây.”, ông Ahmed Yeganeh nêu rõ.

Còn tại Việt Nam, khoảng 9/10 doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào các thị trường ASEAN với tỷ lệ 98% tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam rất tự tin về khả năng phát triển kinh doanh tại từng thị trường. Con số này Singapore là 94%; Thái Lan 93%; Indonesia và Philippines là 88%; Malaysia là 86%. 

 Tỷ lệ các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào các thị trường ASEAN. (Nguồn: HSBC)

Kết quả khảo sát cũng ghi nhận các doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động thương mại của mình với các nước ASEAN. Vì vậy, phần lớn doanh nghiệp có ý định đầu tư vào các thị trường ASEAN (87%) nhiều hơn ngoài khối (68%).

Đáng chú ý, Top 5 chiến lược doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu gồm phát triển sản phẩm (44%) và tăng trưởng trong khu vực (36%) cải thiện khách hàng (34%); đa dạng hóa chuỗi cung ứng (34%) và số hóa hoạt động (33%).

Khảo sát cũng chỉ ra các rào cản lớn nhất trong quá trình mở rộng ra các thị trường ASEAN gồm năng lực công nghệ trong nước (33%); thách thức về chuỗi cung ứng (28%); mức độ cạnh tranh (24%); Thiếu thông tin thị trường và Hiểu luật pháp địa phương (21%).

"Do đó, các doanh nghiệp cho biết cần phải lập kế hoạch cẩn thận và tìm kiếm tư vấn chuyên môn khi đầu tư ra nước ngoài", ông Ahmed Yeganeh khuyến nghị. 

Cũng trong tháng 3 vừa qua, HSBC công bố Quỹ Tăng trưởng ASEAN (ASEAN Growth Fund) trị giá 1 tỷ USD, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp nền tảng số của khu vực đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, phát triển danh mục tài sản và tăng trưởng trong suốt vòng đời của doanh nghiệp.

Quỹ Tăng trưởng ASEAN của HSBC cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp đang gia tăng quy mô thông qua các nền tảng số trên khắp Đông Nam Á. Quỹ hỗ trợ những doanh nghiệp kinh tế mới, các doanh nghiệp lâu đời hơn và các tổ chức tài chính phi ngân hàng thông qua đánh giá các chỉ số hoạt động liên quan đến danh mục tài sản sinh dòng tiền của họ, thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào các chỉ số tài chính truyền thống.

Ngọc Bảo