|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

HSBC: Cơ sở hạ tầng và chi phí là những thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam

20:04 | 09/08/2023
Chia sẻ
Ngân hàng HSBC cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức về cơ sở hạ tầng và kinh phí. Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang giải quyết một số rào cản này thông qua hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và các đối tác G-7.

Báo cáo về chuyển dịch năng lượng của Ngân hàng HSBC cho biết Việt Nam đang có những kế hoạch đầy tham vọng để chuyển đổi từ một nền kinh tế phụ thuộc vào than đá sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Việt Nam cùng với hơn 40 quốc gia khác cam kết loại bỏ dần nhiệt điện than tại COP26. Vào tháng 5, Quy hoạch điện VIII (PDP8) đã được phê duyệt với kế hoạch tăng gấp đôi công suất phát điện từ 69 GW năm 2020 lên hơn 150 GW vào năm 2030, đồng thời đa dạng hóa các nguồn điện khỏi than và thủy điện.

Cụ thể, năng lượng gió (cả trên bờ và ngoài khơi) và LNG sẽ lần lượt chiếm 18,5% và khoảng 15% tổng phát vào năm 2030. Tuy nhiên quá trình chuyển dịch sang năng lượng xanh của Việt Nam đang gặp hai thách thức chính, bao gồm cơ sở hạ tầng và kinh phí.

Về cơ sở hạ tầng, HSBC cho biết nhu cầu về năng lượng chủ yếu ở phía Bắc và phía Nam, nơi tập trung các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các công trình sản xuất năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo lại chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Điều này có nghĩa là khả năng truyền tải sẽ phải được nâng cấp tại miền Bắc, nơi dự kiến sẽ có nhu cầu điện ngày càng tăng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng lưới điện hiện tại của Việt Nam không hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của điện mặt trời và điện gió.

Ví dụ, hệ thống truyền tải hiện tại chỉ có thể tích hợp tối đa 3,3 GW năng lượng tái tạo biến đổi ở miền Nam, trong khi tổng công suất năng lượng mặt trời và gió được lắp đặt hiện tại là khoảng 20 GW, theo Ngân hàng Thế giới.

Việc phát triển các hệ thống truyền tải sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu mới – với ít nhất 47% sản lượng điện đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng từ mức 36% hiện nay – như được đưa ra trong Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP Việt Nam (JETP-RMP).

Đến năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 80-85% tổng nguồn sơ cấp. (Ảnh: Hoàng Anh)

Để phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành điện, bài toán đặt ra là kinh phí. Việt Nam đang có nhu cầu ngày càng tăng về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng kinh tế và đáp ứng quá trình đô thị hóa đang gia tăng.

Theo ước tính của Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (Global Infrastructure Hub), Việt Nam cần trung bình ít nhất 25 tỷ USD mỗi năm cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong 20 năm tới; trong số các ngành, năng lượng chiếm gần 45%.

Thực tế, sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam chậm hơn nhiều so với các nước ASEAN. Hiện, các cơ quan chức năng đang thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Bên cạnh đó, hợp tác khu vực là một yếu tố quan trọng trong sản xuất và truyền tải năng lượng tái tạo, giúp tạo ra một hệ thống cung cấp điện ổn định.

Ví dụ, năng lượng mặt trời được tạo ra ở Việt Nam có thể bù đắp cho việc thiếu hụt năng lượng từ thủy điện ở Lào trong mùa khô. Trong khi đó, Singapore đang xem xét nhập khẩu điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Hai nước sẽ cùng nhau phát triển một nhà máy điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2,3 GW được kết nối thông qua một đường cáp điện cao thế dưới biển.

Tiềm năng hợp tác giữa các quốc gia ASEAN để cải thiện kết nối, thực hiện các mục tiêu về hỗn hợp năng lượng của từng nước và đảm bảo sự ổn định của nguồn cung điện là rất lớn” HSBC nhận định.

Hoàng Anh

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).