HOSE tiếp tục áp dụng lô 100 dù đã có hệ thống mới
Ngày 30/6 vừa qua, Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà đã ban hành quy chế giao dịch chứng khoán mới, có hiệu lực từ ngày hôm nay 5/7/2021.
Ngày 5/7 cũng là thời điểm HOSE chính thức vận hành hệ thống phần mềm giao dịch do Công ty cổ phần FPT xây dựng nhằm giải quyết triệt để tình trạng nghẽn lệnh đã dai dẳng suốt từ tháng 12/2020. Năng lực xử lý của hệ thống mới ước tính khoảng 3-5 triệu lệnh/phiên, cao hơn đáng kể mức 900.000 lệnh hiện nay.
Trước khi có hệ thống mới này, HOSE đã áp dụng nhiều giải pháp tình thế trong đó có việc nâng lô chẵn giao dịch khớp lệnh từ 10 lên 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Tổng Giám đốc Lê Hải Trà cho biết sau khi nâng lô từ 10 lên 100, số lệnh giảm đi khoảng 15-18% vì loại bỏ được các lệnh nhỏ lẻ.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sau khi có hệ thống mới của FPT, HOSE sẽ hạ lô giao dịch từ 100 về mức 10 như cũ để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia. Tuy nhiên, theo quy chế giao dịch mới, HOSE vẫn tiếp tục áp dụng lô 100 từ ngày 5/7/2021.
Việc áp dụng lô 100 khiến rào cản gia nhập thị trường chứng khoán trở nên lớn hơn đối với nhiều nhà đầu tư, đồng thời gây khó khăn trong việc đa dạng hóa danh mục.
Ví dụ, muốn mua tối thiểu 100 cổ phiếu MWG (Thế Giới Di Động), nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra tới khoảng 16 triệu đồng, thay vì chỉ khoảng 1,6 triệu như khi áp dụng lô 10 trước đây.
Quy định về bước giá trong giao dịch khớp lệnh cũng giữ nguyên. Cổ phiếu với thị giá dưới 10.000 đồng/cp có bước giá 10 đồng, thị giá từ 10.000 đến 49.950 đồng có bước giá 50 đồng, thị giá từ 50.000 đồng trở lên có bước giá 100 đồng.
Điểm mới của quy chế này là bổ sung Khoản 5 tại Điều 17. Sửa, hủy lệnh đối với giao dịch khớp lệnh, đó là: "Trong trường hợp cần thiết, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh có quyền yêu cầu Thành viên tạm ngừng việc sửa, huỷ lệnh trong thời gian khớp lệnh liên tục sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận".
Biện pháp cấm sửa, hủy lệnh này đã được HOSE áp dụng trong tháng 6 khi hệ thống bị quá tải nghiêm trọng. Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà cho biết hàng ngày có khoảng 1/3 số lệnh gửi tới HOSE chỉ để sửa hoặc hủy bỏ một lệnh đã gửi trước đó, gây lãng phí tài nguyên hệ thống. Nếu không cho hủy, sửa lệnh thì năng lực tiếp nhận của HOSE có thể tăng thêm 300.000 lệnh nữa.
Tuy nhiên, việc không cho sửa, hủy lệnh cũng gây ra nhiều bất tiện và rủi ro cho nhà đầu tư. Nếu đặt lệnh mua nhưng thị trường biến động lên, lệnh không khớp và tiền của nhà đầu tư sẽ bị kẹt đến hết phiên. Tương tự, nếu đặt lệnh bán nhưng thị trường đi xuống, lệnh không khớp và chứng khoán của nhà đầu tư cũng sẽ bị kẹt.