|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hong Kong: Tác động của COVID-19 tồi tệ hơn khủng hoảng 2008

21:30 | 29/04/2020
Chia sẻ
Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong Trần Mậu Ba cho biết nền kinh tế vùng lãnh thổ này có thể suy thoái 4%-7% trong tài khóa 2020-2021.

Hong Kong đang đối mặt với đợt khủng hoảng tài chính lớn nhất trong hơn 20 năm qua, báo South China Morning Post đưa tin.

"Mức độ suy thoái kinh tế của Hong Kong trong quý đầu tiên (của năm 2020) có thể tồi tệ hơn "cơn sóng thần kinh tế" năm 2008, hay tác động của khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998" - Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong - ông Trần Mậu Ba nói trong phiên họp Hội đồng Lập pháp Hong Kong hôm 29-4.

Ông cũng cảnh báo tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Hong Kong "chắc chắn" sẽ "nghiêm trọng và kéo dài hơn" so với các dự đoán trước kia.

Trong phiên họp, người đứng đầu cơ quan tài chính Hong Kong cho biết nền kinh tế vùng lãnh thổ này có thể sẽ suy thoái 4%-7% trong tài khóa 2020-2021 vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tài khóa 2020-2021 của Hong Kong bắt đầu từ ngày 1-4-2020 và kết thúc vào ngày 31-3-2021.

Trước đó, trong tháng 2, ông Trần đã một lần công bố dự báo tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tồi tệ nhất mà Cục Tài chính Hong Kong từng dự báo trước đó là kinh tế Hong Kong suy thoái 1,5%.

Hong Kong: Tác động của COVID-19 tồi tệ hơn khủng hoảng 2008 - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong Trần Mậu Ba. Ảnh: SCMP

Ông Trần cũng cho biết dự trữ ngân sách của Hong Kong đã giảm từ mức 1.100 tỉ HKD (khoảng 3.327,7 ngàn tỉ đồng) xuống mức 900 HKD (khoảng 2.722,65 ngàn tỉ đồng) do chính quyền thực hiện các biện pháp cứu trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Khoảng ngân sách còn lại có thể đủ cho 14 tháng hoạt động của chính quyền Hong Kong, ông Trần nói tiếp.

Ông Trần cho rằng ổn định xã hội là chìa khóa của quá trình phục hồi nền kinh tế Hong Kong. Do đó, ông cảnh báo tình trạng tái diễn các cuộc biểu tình chống chính quyền sau khi số ca nhiễm COVID-19 ở vùng lãnh thổ này giảm.

"Nếu các vụ đụng độ mang tính bạo lực như nửa cuối năm ngoái tái diễn, điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến việc nhiều cửa hàng phải đóng cửa và nguồn vốn từ nước ngoài không còn dám đầu tư và kinh doanh tại Hong Kong" - ông Trần giải thích.

Ông cũng cho rằng các vấn đề có thể dẫn tới biểu tình ở Hong Kong không thể được giải quyết dứt điểm trong một sớm một chiều. Do đó, ông kêu gọi người dân nên "tạm gác bất đồng", ưu tiên thể hiện sự đoàn kết trong giai đoạn suy thoái kinh tế này.

Sau bài phát biểu của ông Trần, Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã tiến hành phiên thảo luận thứ hai về dự luật phân bổ ngân sách mới.

Cuối phiên thảo luận, dự luật nhận được 41 phiếu thuận và 21 phiếu chống. Thành viên các đảng đối lập cho rằng dự luật đã cấp thêm nhiều tiền cho lực lượng cảnh sát - lực lượng bị họ coi là hành động không đúng mực khi giải tán các nhóm biểu tình.

Dự luật phân bổ ngân sách mới sẽ được toàn hội đồng thảo luận một lần nữa trước khi bỏ phiếu thông qua lần cuối cùng.

Hong Kong: Tác động của COVID-19 tồi tệ hơn khủng hoảng 2008 - Ảnh 2.

Hong Kong tăng cường phòng dịch tại sân bay bằng hệ thống khử trùng toàn thân trong 40 giây. Ảnh: HKIA

Sau khi số ca nhiễm vượt mốc 1.000 người hôm 11-4, Hong Kong đang khống chế số ca nhiễm mới COVID-19 không vượt quá 10 trường hợp/ngày.

Trong ba ngày qua, Hong Kong không có ca nhiễm mới và tổng số ca nhiễm COVID-19 tính đến hết ngày 28-4 là 1.038 trường hợp. Tổng số ca tử vong vẫn là 4 người. Các ca tử vong này được thông báo vào các ngày 4-2, 19-2, 8-3 và 13-3.

Tính tới 4 giờ chiều 29-4 (theo giờ Việt Nam), số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 3.147.626 người, trong đó 218.187 người đã tử vong và ít nhất 961.871 người đã được chữa khỏi, theo chuyên trang thống kê Worldometer.

Văn Kiếm