|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Honda Việt Nam có khả năng chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu xe

20:16 | 07/05/2020
Chia sẻ
Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam Keisuke Tsuruzono cho biết quy mô sản xuất của công ty dự kiến giảm 30% trong năm 2020 đối với ôtô và 43% đối với xe máy trong giai đoạn từ tháng 4-6.
Honda Việt Nam có khả năng chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu xe - Ảnh 1.

Dây chuyền lắp ráp xe máy tại Công ty Honda Việt Nam tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Do thị trường ôtô, xe máy suy giảm và hoạt động sản xuất bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty Honda Việt Nam cho biết có khả năng sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu.

Trong văn bản vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc “phối hợp nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19,” Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam Keisuke Tsuruzono cho biết quy mô sản xuất của công ty dự kiến giảm 30% trong năm 2020 đối với ôtô và 43% đối với xe máy trong giai đoạn từ tháng 4-6, kéo theo doanh thu cũng giảm theo mức tương ứng này.

Với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị như vận tải, nhà cung ứng, nhà phân phối... do phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nên doanh thu cũng giảm theo đáng kể.

Cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 3 tháng đầu năm 2020 doanh số của thị trường ôtô đã giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái và thị trường xe máy bắt đầu bị ảnh hưởng từ tháng 4/2020.

Theo ông Keisuke Tsuruzono, một trong những nguyên nhân dẫn đến ảnh hưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên là do nguồn cung ứng linh phụ kiện bị thiếu do một số nước cung cấp phụ tùng phải đóng cửa biên giới, phong tỏa đất nước do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, ở trong nước, doanh nghiệp phải tạm dừng các hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy từ ngày 1-22/4; các đại lý ôtô và xe máy cũng tạm dừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 dẫn đến giảm sản lượng và doanh số bán hàng.

Đánh giá về cơ hội phát triển, nội dung trong văn bản của Honda Việt Nam cũng nêu rõ: “Thị trường ôtô, xe máy suy giảm do tác động của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 và có thể kéo dài sang các năm tiếp theo, công ty sẽ khó có thể khôi phục lại sản xuất như kế hoạch đề ra. 

Theo đó, sản lượng ôtô sản xuất trong nước sẽ giảm do khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn còn. Từ đó dẫn đến việc công ty có khả năng sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu.”

Trước những khó khăn trên, Honda Việt Nam kiến nghị một số giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP ban hành ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Cụ thể, Honda Việt Nam cho rằng Nghị định 41/2020/NĐ-CP đưa ngành nghề “Sản xuất ôtô và xe có động cơ khác” vào đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, nhưng không đề cập đến ngành nghề “Sản xuất môtô, xe máy.”

Honda Việt Nam cho rằng điều này là chưa phù hợp bởi những ngành nghề này đều là những ngành sản xuất phương tiện với tính chất tương tự nhau và đều gặp khó khăn chung.

Đóng góp cho dự thảo Nghị quyết hỗ trợ sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công, về chính sách kích cầu, Honda Việt Nam kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ và giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho khách hàng khi mua ôtô, xe máy.

Về chính sách hỗ trợ nguồn tiền cho doanh nghiệp, Honda Việt Nam kiến nghị giảm lãi suất cho vay từ 5-6% đối với doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho ôtô, xe máy.

Kiến nghị về chính sách quản lý chất lượng, Honda Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải tạm thời chấp nhận kết quả đánh giá COP (đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm) hoặc chứng chỉ IOS 9001 được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe và linh kiện nhập khẩu. Sau thời gian hết dịch COVID-19, doanh nghiệp cam kết đi đánh giá COP theo đúng quy định.

Văn Xuyên