|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hơn 6.600 bị hại mua trái phiếu Tân Hoàng Minh lấy lại tiền thế nào?

15:51 | 28/03/2024
Chia sẻ
Hơn 8.600 tỷ đồng hậu quả vụ án liên quan tập đoàn Tân Hoàng Minh đã được nộp khắc phục toàn bộ, muốn nhận lại tiền bị hại cần chuẩn bị giấy tờ, để ý thời hiệu thi hành án là 5 năm.

Chiều 27/3, phiên xét xử cha con ông chủ Tân Hoàng Minh, Đỗ Anh Dũng - Đỗ Hoàng Việt kết thúc sau 9 ngày, sớm hơn 11 ngày so dự kiến. Tòa ghi nhận thái độ thành khẩn và tích cực khắc phục hậu quả của các bị cáo, đặc biệt là cha con ông Dũng khi đã nộp hơn 5.600 tỷ đồng.

Cùng với số tiền Tân Hoàng Minh bị nhà chức trách thu giữ ở giai đoạn điều tra, HĐXX xác nhận toàn bộ hậu quả vụ án, hơn 8.600 tỷ đồng, đã được khắc phục. Khoản này được tòa tuyên trả lại cho 6.630 bị hại đã mua trái phiếu Tân Hoàng Minh. Song riêng đề nghị trả lãi, HĐXX đánh giá "không có căn cứ chấp nhận".

Nêu quan điểm sau phiên tòa, các bị hại vẫn chia hai luồng quan điểm như những ngày tranh tụng: hài lòng vì được tuyên trả lại tiền, hoặc chưa hài lòng vì không được tòa tuyên trả lãi trái phiếu và sẽ xem xét phương án kháng cáo phần này.

Nói với VnExpress, chị Vũ Thị Mai 33 tuổi, trú thành phố Lạng Sơn, nhà đầu tư mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, cho biết vì "sốt ruột" bởi cả phiên tòa chưa dự nên hôm qua về Hà Nội nghe phần tuyên án.

Chị không có ý kiến về hình phạt tòa tuyên "dưới mức thấp nhất của khung hình phạt" với các bị cáo, bởi cho rằng toàn bộ hậu quả vụ án đã được khắc phục. "Chỉ mong sớm lấy lại được tiền càng nhanh càng tốt", Mai nói và bày tỏ, việc tòa tuyên nhà đầu tư được nhận lại tiền gốc, không được lãi cũng "hợp lý".

Hàng trăm bị hại đến TAND Hà Nội nghe tuyên án chiều 27/3. Ảnh: Ngọc Thành

Theo bị hại này, mấy năm qua, tập đoàn Tân Hoàng Minh không hoạt động nên cha con ông Dũng xoay xở để khắc phục hậu quả, trả tiền cho nhà đầu tư "là tốt lắm rồi".

"Trước phiên tòa, tôi chỉ sợ không lấy lại được đủ tiền gốc đã mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, giờ biết chắc chắn sẽ lấy lại được cả nhà đều cảm thấy may mắn quá rồi", Mai nói.

Luật sư Hà Trọng Đại (Giám đốc Công ty luật Hà Trọng Đại và cộng sự, Hà Nội) bảo vệ quyền lợi cho nhóm hơn 50 bị hại tại vụ án này cho rằng mức án tòa tuyên với các bị cáo là phù hợp khi căn cứ các tình tiết giảm nhẹ, nhân thân và tinh thần khắc phục hậu quả.

Theo khoản 1, Điều 584 Bộ luật dân sự 2015, Nghị quyết 02/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao, các bị hại trong vụ án dân sự sẽ nhận lại đủ số tiền đã bị chiếm đoạt. "Việc yêu cầu trả lãi là giao dịch dân sự không thuộc thẩm quyền nên tòa án không xem xét là hoàn toàn phù hợp. Trường hợp bị hại có yêu cầu thì cần khởi kiện ở vụ án dân sự khác", luật sư cho hay.

 

Về quy trình nhận lại tiền, luật sư Đại tư vấn sau khi nhận được bản án có hiệu lực pháp luật, các nhà đầu tư sẽ phải liên hệ với Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội để làm thủ tục yêu cầu thi hành án.

Luật sư lưu ý ba điều:

Thứ nhất: Kiểm tra toàn bộ thông tin cá nhân cũng như số tiền bị thiệt hại.

Việc xác định tư cách bị hại trong vụ án được căn cứ thông tin nhà đầu tư đã đăng ký mua trái phiếu với Tân Hoàng Minh. Vụ án có hơn 6.000 bị hại, do vậy rất dễ nhầm lẫn dữ liệu trong quá trình giải quyết vụ án. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc yêu cầu thi hành án sau này.

Để đảm bảo việc thi hành án được tiến hành nhanh chóng, bị hại cần cẩn thận rà soát, đối chiếu thông tin cá nhân của mình trong hồ sơ vụ án, có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung đến thư ký phiên tòa để chỉnh sửa, điều chỉnh kịp thời.

Thứ hai: Thực hiện yêu cầu thi hành án khi bản án có hiệu lực

Ngay sau khi bản án hình sự xét xử vụ án nêu trên có hiệu lực pháp luật, nhà đầu tư là bị hại trong vụ án cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn yêu cầu thi hành án dân sự, giấy tờ tùy thân của người yêu cầu, bản án có hiệu lực pháp luật gửi đến Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.

Thời gian thực hiện thi hành án tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể nhưng nếu không gặp các sự kiện bất khả kháng hoặc trì hoãn thì thường thời gian này khoảng 1,5 tháng.

Thứ ba: Lưu ý thời hiệu yêu cầu thi hành án

Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định: "Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án".

Theo đó, nhà đầu tư là bị hại trong vụ án cần lưu tâm về thời hiệu yêu cầu thi hành án để tránh trường hợp hết thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu thi hành án.

Một bị hại cao tuổi đội mưa tới TAND Hà Nội từ sớm 19/3 để dự phiên tòa, kiểm tra lại thông tin cá nhân trên giấy triệu tập. Ảnh: Ngọc Thành

Thông qua vụ án này, với những người có ý định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, luật sư khuyên: cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp phát hành, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp (nếu có), hiệu quả dự án dự kiến đầu tư, khả năng thanh toán, tài sản bảo đảm có thực chất không, bên bảo lãnh thanh toán có uy tín hay không... thay vì chỉ tập trung vào mức lãi suất hoặc thông tin do chính doanh nghiệp quảng cáo.

Hai là, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ khía cạnh pháp lý của hợp đồng đầu tư, bảo đảm rằng quyền lợi của nhà đầu tư được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp doanh nghiệp cố tình ký kết với khách hàng bằng các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng nguyên tắc... thay vì hợp đồng mua bán trái phiếu, nhà đầu tư cần phải xem xét, đánh giá rủi ro vì lúc này, các nhà đầu tư chỉ được ghi nhận là nhà đầu tư hợp tác thay vì là chủ sở hữu trái phiếu.

Thanh Lam - Vũ Tuân

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.