Hơn 5.000 bị hại mua trái phiếu Tân Hoàng Minh sẽ nhận tiền trước 30/9
Đầu tư 300 triệu đồng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, từ ngày 18/6 chị Vũ Thị Mai (33 tuổi, trú TP Lạng Sơn) đã nộp hồ sơ đề nghị lấy lại tiền, ba tháng sau phiên sơ thẩm xét xử cha con ông chủ Tân Hoàng Minh là Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt.
Hiện, Mai "suốt ruột và lo lắng" bởi ở cùng quê có vài người "cùng cảnh" đã được nhận tiền.
Chung lo lắng, bà Ngô Ánh Phương (70 tuổi, trú Hà Nội) cho biết gia đình có ba người mua trái phiếu Tân Hoàng Minh và đều làm đơn yêu cầu được bồi thường từ giữa tháng 6. Đến nay, bà và con, cháu vẫn chưa được nhận tiền.
Cục Thi hành án dân sự Hà Nội xác nhận đến ngày 18/7, 1.500 bị hại mua trái phiếu Tân Hoàng Minh đã được nhận tiền. Dự kiến hết tuần này (21/7) thêm 500 người sẽ được nhận.
Đơn vị sẽ hoàn thành việc trả lại toàn bộ tiền cho 6.630 bị hại trước ngày 30/9, có thể sớm hơn vào giữa tháng 9.
Sự việc xảy ra tại tập đoàn Tân Hoàng Minh là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đầu tiên được các bị cáo khắc phục đầy đủ số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, hơn 8.600 tỷ đồng. Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đánh giá đây là "điểm thuận lợi" vì cơ quan thi hành án không phải xử lý và thu hồi tài sản.
"Tuy nhiên, khó khăn là bị hại có tâm lý tiền khắc phục hậu quả đã sẵn mà sao cơ quan thi hành án lại chi trả chậm. Đây là áp lực rất lớn", ngày 18/7, ông Phan Việt Bình, chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, cho hay.
Theo ông Bình, việc chi trả tiền cho các bị hại phải trải qua nhiều thủ tục. Trong đó, nhiều phần việc kế toán phải làm thủ công... Từng quyết định bồi thường được nhập thủ công vào hệ thống máy tính, đối chiếu xong, chấp hành viên mới làm ủy nhiệm chi. Mỗi ủy nhiệm chi cho bị hại sẽ có 4 chữ ký của Cục trưởng, nên để toàn bộ hơn 6.630 bị hại được nhận bồi thường, cần tổng cộng 50.000 chữ ký.
6 chấp hành viên đang được giao phụ trách giải quyết hồ sơ. "Chúng tôi mong các bị hại chia sẻ với áp lực của cơ quan thi hành án, ai đã có hồ sơ sẽ được nhận lại tiền", ông Bình nói.
Tại phiên sơ thẩm ngày 27/3, TAND Hà Nội tuyên chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng án 8 năm tù, con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt nhận 3 năm tù, cùng tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tòa ghi nhận thái độ thành khẩn và tích cực khắc phục hậu quả của các bị cáo, đặc biệt là cha con ông Dũng khi đã nộp hơn 5.600 tỷ đồng. Cùng với số tiền Tân Hoàng Minh bị nhà chức trách thu giữ ở giai đoạn điều tra, HĐXX xác nhận toàn bộ hậu quả vụ án, hơn 8.600 tỷ đồng, đã được khắc phục.
Khoản này được tòa tuyên trả lại cho 6.630 bị hại đã mua trái phiếu Tân Hoàng Minh. Song riêng đề nghị trả lãi, HĐXX không chấp nhận.
Bản án xác định, Tân Hoàng Minh nợ ngân hàng 20.000 tỷ đồng. Để giải quyết khó khăn tài chính, ông Dũng chỉ đạo con trai huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.
Cha con ông Dũng không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh do không đủ điều kiện nên lựa chọn các công ty trực thuộc tập đoàn để phát hành, gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông. Việt và thuộc cấp liên hệ với hai công ty kiểm toán để "làm đẹp báo cáo tài chính" sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Các bị cáo ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư để các nhà đầu tư tin rằng trái phiếu để thực hiện dự án có thật.
Hơn 90 triệu trái phiếu Tân Hoàng Minh bán ra trong khoảng thời gian 7/2021-4/2022 có giá 100.000-100 triệu đồng mỗi trái phiếu, với 4 mức lãi suất tính theo năm 11%, 11,5%, 11,75% và 12%.
Dù các lô trái phiếu đều có thời hạn 2-5 năm, Tân Hoàng Minh sau đó chia nhỏ kỳ hạn đến tuần, tháng để mua đi bán lại nhiều lần, thu về gần 14.000 tỷ đồng.
Trong số này, hơn 5.000 tỷ đồng được Tân Hoàng Minh dùng để lấy người mua sau trả cho người mua trước. Do đó, số tiền các bị cáo chiếm đoạt được VKS xác định là hơn 8.600 tỷ đồng.
Tại phiên sơ thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi, cho rằng động cơ phạm tội là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không cố ý lừa đảo người mua trái phiếu, không ngờ hậu quả lớn đến vậy.