Hơn 300 sàn bất động sản phải đóng cửa vì khó khăn
Trao đổi với TBKTSG Online vào ngày 9-3, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết hàng loạt sàn môi giới bất động sản đang lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất.
Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, hay còn gọi là các sàn bất động sản.
Có những sàn môi giới lớn với quy mô gần 3.000 nhân viên môi giới trên cả nước; có những sàn nhỏ chỉ một vài chục nhân viên.
Tuy nhiên ông Đính cho biết hiện tình hình hoạt động của các sàn đang rất thê thảm. Có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư dự án không mở bán sản phẩm (vì không tổ chức được các buổi mở bán với sự tham gia của đông đảo người quan tâm do lo ngại dịch bệnh Covid-19 lây lan - PV).
Từ việc không có hàng hóa để chào bán nên các sàn mội giới không có nguồn thu để nuôi bộ máy công ty, trả lương nhân viên. Trong đó, có nhiều sàn định đóng cửa hẳn. Có nhiều sàn tạm dừng hoạt động để chờ thời cơ hồi phục của thị trường.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của hội, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Các sàn này có hai phương án về tổ chức hoạt động trong mùa dịch bệnh. Phương án thứ nhất là cho nhân viên nghỉ một phần.
Phương án còn lại là chia nhân sự công ty thành nhiều nhóm nhỏ, các nhóm sẽ làm việc và nghỉ phép luân phiên để giảm việc giảm lương mà vẫn duy trì được bộ máy.
Tình trạng này diễn ra tại những công ty môi giới vẫn còn hàng để bán, vẫn còn hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư.
Ông Đính cho hay hiện chỉ có khoảng 150-200 sàn bất động sản có tình trạng hoạt động khá tốt do trước đó đã ký kết được những hợp đồng mới với các chủ đầu tư bất động sản. Sản phẩm hiện vẫn có dồi dào thể rao bán, lượng khách hàng cũng khả quan.
“Nhiều sàn bất động sản đóng cửa, không có dự án được chào bán, đây là thời điểm mà thị trường thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây.
Thông thường quí 1 đầu năm thì lượng sản phẩm chào bán ra thị trường sẽ không cao bằng quí 4 cuối năm.
Thế nhưng, trước giờ không có tình trạng không có sản phẩm nào để chào bán ngay sau Tết Nguyên đán như tình cảnh hiện tại của một số sàn giao dịch”, ông Đính cảm thán.
Thực tế cho thấy, sự khó khăn của thị trường do thiếu nguồn cung, nhiều dự án đình trệ không chỉ bởi vì nguyên nhân cạn kiệt quỹ đất trung tâm các thành phố lớn, hoặc do quá trình thanh kiểm tra của cơ quan chức năng mà còn đến từ dịch bệnh Covid-19.
Do ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh tại các sự kiện tụ tập đông người, toàn bộ các hoạt động chào bán, mở bán hoặc các buổi giới thiệu sản phẩm ra thị trường của chủ đầu tư lẫn nhà phân phối đều không thể thực hiện.
Bên cạnh đó, đã xuất hiện tâm lý lo ngại kinh tế sụt giảm do dịch bệnh nơi người mua. Nhiều người dù có nhu cầu về nhà đất, căn hộ nhưng vẫn chờ đợi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động kinh tế ổn định thì mới tính đến việc đặt mua.
Mối quan tâm ưu tiên của người tiêu dùng vẫn là phòng chống dịch bệnh, theo giới phân tích.