Hơn 3 năm sau biến cố chủ tịch bị bắt, Thiết bị Y tế Việt Nhật chưa tìm thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’
Thiết bị Y tế Việt Nhật lên tiếng phản hồi cáo buộc có sai phạm |
Kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh
Ngày 23/6/2015, Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (Mã: JVC) công bố thông tin ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc công ty bị tạm giam về tội lừa dối khách hàng.
Sau biến cố chủ tịch bị bắt, kết quả kinh doanh của Thiết bị Y tế Việt Nhật liên tục sụt giảm. Niên độ tài chính 2016 (1/4/2016 – 31/3/2017), công ty báo cáo doanh thu đạt 501 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với năm trước; lỗ sau thuế gần 40 tỷ đồng, trong khi năm 2015 lỗ 1,3 tỷ đồng. Năm tài chính 2017 (1/4/2017 – 31/3/2018), công ty báo lãi trở lại gần 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của công ty lỗ hơn 18 tỷ đồng. Việc hạch toán lãi trong niên độ tài chính 2017 nhờ khoản thu nhập khác từ hỗ trợ, hàng biếu tặng và thưởng từ nhà cung cấp gần 29 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh theo quý của Thiết bị Y tế Việt Nhật giai đoạn 2014 - 2018. Nguồn: PQ tổng hợp |
Kết quả kinh doanh theo quý của công ty cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh. Quý I/2018 (1/4 – 30/6), công ty báo lãi vỏn vẹn gần 600 triệu đồng, thấp nhất trong 7 quý kinh doanh gần đây.
Đáng chú ý, theo số liệu cập nhật mới nhất ngày 30/6/2018, khoản lỗ lũy kế của công ty trên báo cáo tài chính là 1.018 tỷ đồng, tương đương 90,5% vốn điều lệ của công ty.
Tiếp tục với những ‘lùm xùm’ về pháp lý
Mới đây, CTCP Thiết bị Y tế Triết Tôn Tiên là một trong các khách hàng của Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) có đơn tố giác hành vi có dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân giữ chức vụ quản lý tại công ty. Được biết, công ty Triết Tôn Tiên trước đây do bà Đặng Thập Nương, mẹ vợ của ông Lê Văn Hướng làm giám đốc.
Ngày 9/8, Cơ quan An ninh Điều Tra, Bộ Công an có văn bản gửi Thiết bị Y tế Việt Nhật đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ công tác điều tra hình sự bao gồm: Toàn bộ hồ sơ có liên quan về toàn bộ các thiết bị y tế do Thiết bị Y tế Việt Nhật nhập khẩu từ năm 2012 đến nay; Việc mua bán thiết bị y tế giữa Thiết bị Y tế Việt Nhật với CTCP Thiết bị Y tế Triết Tôn Tiên từ năm 2012 đến nay.
Ngoài ra, công ty còn phải cung cấp các thông tin về việc bán, cho thuê, sửa chữa, thay thế linh kiện giữa JVC với loạt bệnh viện, phòng khám tại các tỉnh/thành phố. Thiết bị Y tế Việt Nhật cũng phải cung cấp tài liệu việc tham dự gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế cho Bộ Y tế; nguồn gốc và việc quản lý, sử dụng máy xạ trị áp suất cao, model HDR18 của hãng Elekta, Thụy Điển.
Đáng chú ý, Cơ quan An ninh Điều tra đề nghị Thiết bị Y tế Việt Nhật cung cấp thông tin, chuyển giấy triệu tập và sắp xếp các cá nhân có liên quan đến làm việc đối với 12 lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo của công ty.
Ngay sau tố cáo của công ty Triết Tôn Tiên, ngày 10/9, Thiết bị Y tế Việt Nhật cũng phản ánh các cáo buộc của Công ty Triết Tôn Tiên đối với các lãnh đạo của JVC là sai sự thật.
Theo thông cáo báo chí của Thiết bị Y tế Việt Nhật, năm 2015, tất cả 12 cá nhân này chưa làm việc tại Công ty, do đó họ không được biết cũng như không tham gia ký kết bất kỳ hợp đồng nào giữa Thiết bị Y tế Việt Nhật và Triết Tôn Tiên, các hợp đồng này đều do ông Lê Văn Hướng ký kết và thực hiện.
Nhân sự cấp cao vẫn là một dấu hỏi lớn
Trước thềm đại hội cổ đông thường niên năm 2018 dự kiến tổ chức vào 27/9, ngày 10/9, ông Phạm Quang Huy khi đó là Chủ tịch HĐQT công ty có đơn xin từ nhiệm chức danh Thành viên và Chủ tịch HĐQT vì lý do không thể sắp xếp được thời gian đảm nhiệm công việc tại công ty. Ông Nguyễn Thế Hướng, thành viên HĐQT được bổ nhiệm thay thay vị trí của ông Huy.
Cách đó không lâu, ngày 4/9, Thiết bị Y tế Việt Nhật cũng có quyết định ‘thay tướng’ khi quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật đối với ông Ngô Thanh Sơn kể từ ngày 31/8. Thay vào đó, bà Vũ Thị Thúy Hằng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của công ty. Trước đó, bà Hằng giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc.
Tháng 6/2018, Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam - CTCP (Vinamed) do ông Phạm Quang Huy làm chủ tịch HĐQT hoàn tất thoái toàn bộ hơn 4,4 triệu cổ phiếu JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật, tương ứng 3,96% vốn điều lệ.
Không chỉ tại thời điểm này, vấn đề về lãnh đạo cấp cao của Thiết bị Y tế Việt Nhật vốn là một dấu hỏi lớn đối với JVC kể từ khi ông Lê Văn Hướng bị bắt. Chỉ trong hơn 3 năm, công ty đã 5 lần thay nhân sự cho ‘ghế nóng’ Chủ tịch HĐQT.
Những lần thay đổi nhân sự cho 'ghế nóng' Chủ tịch HĐQT của Thiết bị Y tế Việt Nhật. Nguồn: PQ tổng hợp |
Giá cổ phiếu đang miệt mài tìm đáy
Với kết quả kinh doanh kém khả quan và những vướng mắc pháp lý, giá cổ phiếu JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật liên tục giảm kể từ tháng 6/2015. Ngày 14/9, giá cổ phiếu JVC đóng cửa ở 3.040 đồng/cp. Như vậy, so với mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết 25.100 đồng/cp ngày 4/2/2015, giá cổ phiếu JVC đã giảm hơn 8 lần.
Diễn biến giá cổ phiếu JVC sau khi ông Lê Văn Hướng bị bắt vào tháng 6/2015. Nguồn: VNDIRECT |