|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hơn 12.597 ha tôm ở Sóc Trăng bị nhiễm bệnh

15:33 | 09/11/2018
Chia sẻ
Diện tích tôm thiệt hại do bệnh dịch của Sóc Trăng trong tuần cuối cùng tháng 10 là 38 ha, lũy kế là hơn 12.597 ha, chiếm 22,6% tổng diện tích tôm nuôi nước lợ, bao gồm tôm sú 5.546,5 ha và tôm thẻ 7.050,7ha.
hon 12597 ha tom o soc trang bi nhiem benh Triển vọng cho con tôm

Theo chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, tình hình dịch bệnh ở tôm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng đáng kể.

Theo đó, diện tích thả trong tuần cuối cùng của tháng 10 là 515,5 ha, lũy kế đến 31/10 là 55.836 ha, đạt trên 124% kế hoạch.

Trong khi đó, diện tích thiệt hại do bệnh dịch trong tuần là 38 ha, lũy kế là hơn 12.597 ha, chiếm 22,6% tổng diện tích tôm nuôi nước lợ, bao gồm tôm sú 5.546,5 ha và tôm thẻ gần 7.051 ha.

hon 12597 ha tom o soc trang bi nhiem benh
Hơn 12.597 ha tôm ở Sóc Trăng bị nhiễm bệnh

Kết quả giám sát dịch bệnh tại vùng nuôi: theo số liệu giám sát tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ tại các địa phương từ đầu năm đến nay, chủ yếu do các nguyên nhân như diện tích tôm bệnh do bệnh đốm trắng 2.763,5 ha chiếm 21,9%; tôm bệnh do hoại tử gan tụy cấp 2.889,7 ha chiếm 22,9%; tôm bệnh do phân trắng 10,8 ha chiếm 0,1%; tôm bệnh còi 0,8 ha chiếm 0,01%; tôm bị thiệt hại do các yếu tố về môi trường 6.932,5 ha chiếm 55%.

Theo kết Chi cục Thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng, các yếu tố môi trường ngoài tự nhiên như độ mặn, độ kiềm, độ trong, oxy… và thời tiết đã không còn thích hợp để nuôi tôm nước lợ,dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp.

Đồng thời hiện đã hết lịch khung mùa vụ thả nuôi theo khuyến cáo của Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Do đó, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo bà con không nên tiếp tục thả giống mới, tập trung quản lý diện tích tôm nuôi hiện tại trên đồng, cải tạo diện tích ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh chuẩn bị cho vụ nuôi năm 2019.

Đồng thời, để hạn chế những tác động bất lợi của điều kiện thời tiết nắng nóng và mưa đột ngột xen kẽ nhau, làm cho môi trường ao nuôi dễ biến động tôm dễ stress và dễ nhiễm bệnh, người nuôi cần ổn định các yếu tô môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm như thường xuyên kiểm tra pH, duy trì mực nước tối thiểu là 1,2 - 1,5m, tăng cường quạt nước trong khi mưa lớn....

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có xuất hiện bệnh báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất, các hộ nuôi xung quanh để có biện pháp phòng bệnh kịp thời tránh lây lan trên diện rộng.

Tôm bệnh nếu đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch sau đó khử trùng ao, công cụ, dụng cụ diệt giáp sát và ký chủ trung gian truyền bệnh. Những người tham gia thu hoạch tôm phải được vệ sinh cá nhân, không làm phát tán mầm bệnh, không xả thải nước ao nuôi chưa xử lý ra môi trường bên ngoài.

Nếu tôm chưa đạt kích cỡ thu hoạch cần phải cách ly với những ao xung quanh đồng thời vớt toàn bộ tôm bị bệnh đưa vào hố để tiêu hủy.

Xem thêm

Đức Quỳnh