|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Học Thái Lan làm du lịch

21:16 | 02/05/2017
Chia sẻ
Nếu xét theo lượng khách và cả doanh thu, năm 2016, lần đầu tiên du lịch Thái Lan soán ngôi Malaysia với 32,59 triệu khách quốc tế. Bình quân 2,1 người dân Thái đón được 1 khách nước ngoài. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 9,3/1. Với Malaysia, tỷ lệ này là 1/1,1 (29 triệu dân đón hơn 30 triệu khách).
hoc thai lan lam du lich
Thái Lan làm du lịch thu hút rất đông du khách Việt Nam. (Ảnh: Đoàn Xuân Hải)

Xét về hiệu quả lợi nhuận và số lượng khách trên đầu dân, du lịch Việt Nam thua xa cả Lào (7 triệu dân đón gần 4 triệu khách) và Campuchia (15 triệu dân đón 5,6 triệu khách). Chỉ hơn được Indonesia và Myanmar.

Lâu nay chúng ta thường hay lấy Thái Lan làm mục tiêu phấn đấu. Vậy du lịch Thái họ đã làm tốt ra sao?

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) là cơ quan ngang bộ, trực thuộc Thủ tướng, hiện có văn phòng đại diện tại 24 quốc gia. Văn phòng TAT tại TP.HCM phụ trách thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia (trước đây bao gồm cả Myanmar). TAT bổ nhiệm, trả lương cho giám đốc các sở du lịch; quản lý cả nhân sự và nghiệp vụ theo hệ thống hàng dọc từ trên xuống dưới. Khác với nhiều nước, Bộ Du lịch Thái Lan chỉ là cơ quan tham mưu về du lịch, không phải là cấp trên của TAT.

Ở Thái Lan và các nước phát triển, du lịch là “Industry” - công nghiệp. Từ nhân lực đến nghiệp vụ đều được chuẩn hóa. Hướng dẫn viên quốc tế và nội địa được đào tạo nghiệp vụ tương đương, chỉ khác ở trình độ ngoại ngữ tương ứng. Ở Việt Nam, du lịch là “Service” - dịch vụ nhỏ, ai cũng có thể tham gia, “mạnh ai nấy làm”, trăm hoa đua nở.

Du lịch Việt Nam lâu nay chỉ dựa vào biển là chủ yếu. Thái Lan ngoài biển còn có du lịch sinh thái, nông nghiệp, phố thị… Ngoài Pattaya, Phukhet, KokSamui... còn có Chiang Mai, Khao Yai (vườn quốc gia, di sản thế giới), Aytthaya (cố đô, di sản thế giới), cầu sông Kwai… nơi nào cũng đón mấy triệu khách trở lên mỗi năm. Chỉ riêng thủ đô Bangkok, không có biển nhưng đón khách nước ngoài hơn gấp đôi Việt Nam (21,47 triệu). Đặc biệt là du lịch sinh thái rừng, các resort ở ngoại vi Bangkok và các tỉnh đều có khu trò chơi cảm giác mạnh liên hoàn. Du lịch Thái đi bằng 2 chân vững chãi. Ven biển Thái Lan, không thấy các nhà máy, các khu công nghiệp.

Thái Lan không có các danh thắng như Đà Lạt, Sa Pa (cao nguyên), vịnh Hạ Long, động Thiên Đường, động Sơn Đoòng… Vùng đất cao nhất của Thái Lan còn thấp hơn cả Buôn Ma Thuột. Bù lại, người Thái có những cách làm sáng tạo, độc đáo như Baan Tong Luang của 7 dân tộc thiểu số, trong đó có người cổ dài Karen ở Chiang Mai. Tượng đài Đom đóm và tour xem đom đóm ở thị trấn Amphawa, ngoại vi Bangkok. Các chợ nổi nhân tạo, Trung tâm huấn luyện Hoàng gia Thái ở Bangkok, các khu trò chơi cảm giác mạnh ở Chiang Mai… đều là những điểm nhấn riêng của du lịch Thái.

Du lịch Thái Lan giảm giá thông qua sự hợp tác, liên kết và chính sách. Các điểm mua sắm dọc đường tuyến Bangkok - Pattaya đài thọ toàn bộ chi phí xe trong 6 ngày tham quan Thái Lan. Hoa hồng công khai, dựa trên doanh thu chứ không khoán đại theo đầu xe như Việt Nam. Giá phòng khách sạn nhiều nơi khuyến mãi cho người nước ngoài vì họ chi tiêu bằng ngoại tệ…

Người Thái xác định, trước khi đón khách nước ngoài, hãy phục vụ thật tốt khách nội địa. Từ việc xử lý vỉa hè, hàng rong, ẩm thực đường phố, vệ sinh, an ninh xã hội cho đến chuyện vui chơi giải trí. Các biển báo nhắc nhở nhẹ nhàng và tinh tế nhưng xử phạt nghiêm minh chứ không mỗi chút mỗi cấm và có quy định nhưng hiếm khi phạt ai như ở ta.

Thực tế du lịch Thái Lan cũng phải đối mặt với nhiều vấn nạn. Từ kẹt xe, khói bụi, trấn lột đến lừa đảo, mại dâm… nhưng khác biệt là cách giải quyết và hướng khắc phục của nhà nước cũng như thái độ bình tĩnh và hợp tác của người dân.

Muốn thực hiện ước mơ “bắt kịp du lịch Thái Lan”, người Việt phải thay đổi nhiều thứ. Trước hết, cần có những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, được tin cậy để giữ những vị trí quản lý về du lịch. Phải thay đổi nhận thức toàn diện về du lịch, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt là thái độ, tinh thần phục vụ cho đến phát triển cơ sở hạ tầng và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương với nhau.

Thay cho các nghị quyết, nghị định, những hội thảo, lễ hội, kỷ lục… là chương trình hành động với mục tiêu và việc làm thiết thực, cụ thể. Thậm chí cần một cơ quan giám sát độc lập và nhất là có người chịu trách nhiệm cụ thể thì mới may ra...

Nguyễn Văn Mỹ