Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?
Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.
Thông tin này dấy lên trong dư luận ý kiến về việc có hay không tình trạng doanh nghiệp thờ ơ và không "mặn mà" với chủ trương đấu thầu vàng, dù quyết định này được kỳ vọng sẽ giúp tăng nguồn cung và hạ nhiệt cho thị trường, xử lý ngay tình trạng chênh lệch giá luôn ở khoảng cách xa giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế.
Cùng với đó, việc tham gia điều tiết thị trường vàng của cơ quan quản lý cao nhất là Ngân hàng Nhà nước đang được đánh giá là giải pháp quản lý thị trường theo hướng ổn định, xóa bỏ dần tâm lý đầu cơ vàng trong dân chúng.
Tại phố Trần Nhân Tông, nơi được coi là tuyến phố sầm uất nhất nhì Hà Nội, tập trung rất đông các cửa hiệu kinh doanh vàng, bạc đá quý của hầu hết những doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực này như Bảo Tín Minh Châu, Bảo Minh, DOJI, Phú Quý, Nhật Quang... giao dịch vàng trầm lắng hơn so với tuần trước.
Theo lý giải của các nhân viên giao dịch, một phần vì hôm nay là ngày đầu tuần, nhưng chủ yếu là do giá vàng đang có xu hướng giảm nhiệt, tâm lý tích trữ tài sản là vàng miếng, vàng nhẫn ở người dân cũng có phần bị ảnh hưởng khi Nhà nước chủ trương đấu thầu, bán ra vàng miếng để ổn định thị trường.
Qua trao đổi cùng phóng viên, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, người luôn bám sát mọi diễn biến của thị trường tài chính, thị trường đầu tư trong nước và thế giới; đồng thời, luôn có những đánh giá, bình luận và dự đoán khá sát thị trường chia sẻ quan điểm rằng, hiện tượng dời lại việc đấu thầu vàng trong buổi sáng hôm nay và chuyển sang sáng mai từ phía Ngân hàng Nhà nước là 1 diễn biến bất thường; nhất là vào thời điểm thị trường đang sôi động như phản ánh của giới truyền thông gần đây.
Nguyên do người tham dự thầu và đặt cọc quá ít cũng là yếu tố đáng quan tâm và phản ánh động thái chờ đợi và nghe ngóng "wait and see" trong dân chúng. Cơ bản thì dù bất thường nhưng cũng hoàn toàn dễ lý giải bởi vàng luôn là thị trường nhạy cảm khi có biến động.
Doanh nghiệp chờ đợi và nghe ngóng không có nghĩa là họ không mặn mà, có chăng là họ đang "chậm lại" để theo dõi diễn biến và phản ứng của số đông thị trường. Rất có thể nhiều doanh nghiệp và cả người dân đang trông đợi, sau khi đấu thầu vàng, thị trường vàng sẽ còn "rớt giá" xuống thấp hơn nữa.
Nếu là nhà đầu cơ, cũng có thể, họ đang chờ cơn mưa để chuẩn bị đi hứng. Tâm lý chẳng có gì phải vội vàng là thường thấy trong bối cảnh này.
Ở góc nhìn xa hơn, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích, rõ ràng là thị trường vàng đang có yếu tố đầu cơ rất lớn. Thậm chí, có cả tình trạng "thổi" giá vàng. Điều này đang đóng vai trò quan trọng dẫn tới những diễn biến bất thường về cung cầu sản phẩm như thời gian vừa qua. Thêm vào đó, cũng phải kể tới những yếu tố tác động từ sự liên hệ của thị trường vàng thế giới.
Vài ngày gần đây, giá vàng thế giới có xu hướng đảo chiều và giảm một chút, cũng có thể là lý do khiến nhiều người đang tiếp tục chờ đợi. Không chỉ doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng, kể cả người dân mua tích trữ cũng có thể đang trong tâm lý này và họ trì hoãn quyết định mua vàng ở thời điểm này là điều dễ hiểu.
Bất kỳ doanh nghiệp nào, họ cũng cần 1 sự ổn định, thị trường ổn định và tâm lý ổn định để có thể đưa ra một mức giá phù hợp khi quyết định mua vàng. Không ai muốn mua "hớ" lúc này.
Dự đoán về động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận, cơ quan quản lý có thể dời lại việc đấu thầu nhiều lần tới thời điểm nào phù hợp với diễn biến của thị trường, không phải chỉ dời sang ngày mai.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, cơ hội thành công tổ chức buổi đầu thầu vàng vào sáng mai là rất cao và nhiều khả năng sẽ có không ít doanh nghiệp trúng thầu vàng.
Cùng với đó, giá vàng miếng, thậm chí là vàng nhẫn có thể sẽ còn xuống nữa. Nhưng xuống bao nhiêu và xuống bao lâu đều là những yếu tố khó lường và phụ thuộc lớn vào việc các nhà đầu cơ chọn thời điểm để "tung" hàng bán ra; cũng như liệu Nhà nước có ngừng việc đấu thầu vàng nữa hay không.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn, giá vàng còn biến động trước những nguy cơ cao như xung đột địa chính trị và chiến sự đang diễn ra tại Ukraine hay diễn biến bầu cử tại Mỹ.
Việc tái đắc cử của Tổng thống Mỹ hoặc ngược lại dẫn tới những chính sách tiền tệ của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoàn toàn có thể đảo ngược mọi suy đoán. Đó chính là nguy cơ đẩy giá vàng lên cao, bất cứ lúc nào.