Hoa Sen, Hòa Phát hưởng lợi ra sao từ thuế CBPG tạm thời thép cán nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc
Hòa Phát, Hoa Sen hưởng lợi ra sao?
Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây ban hành quyết định áp dụng thuế CBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, mạ hoặc không mạ, sơn có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mức thuế CBPG tạm thời dao động trong khoảng 3,45 - 34,27% được áp dụng đối với hơn 20 công ty.
Trong đó, hàng loạt công ty Trung Quốc chịu mức thuế cao nhất là 34,27% như Shangdong Boxing Huaye Industry & Trade Co.,Ltd., Wuhan Hanke Color Metal Sheet Co., Ltd, Bazhou Shengfang Zhixing Pipe Making Co.,Ltd....
Trao đổi với người viết, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết quyết định này là tin vui đối với cả ngành tôn Việt Nam. Riêng đối với Hoa Sen, công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời này bởi hiện nay thị phần của Hoa Sen lớn nhất nước khoảng 30 - 34%.
Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, đại diện công ty cho hay Hòa Phát không được hưởng lợi nhiều từ quyết định này do tỉ trọng sản phẩm tôn trong cơ cấu sản xuất không nhiều.
DN thiệt hại vì thép Trung Quốc giá rẻ, kém chất lượng
Theo đại diện Hoa Sen, thời gian qua, việc tôn giá rẻ, chất lượng thấp của Trung Quốc tràn ngập trên thị trường đã gây thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp.
"Giá tôn Trung Quốc có thời điểm rẻ hơn hơn tới 2,5 triệu đồng/tấn so với tôn trong nước, doanh nghiệp không thể theo nổi cuộc đua về giá. Trong khi đó, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến giá mà không biết đến chất lượng ra sao.
Nhiều doanh nghiệp lỗ lũy kế nhiều quý liên tiếp. Bản thân Hoa Sen cũng gặp tình trạng tương tự và sản lượng tiêu thụ tôn cũng giảm rất nhiều", vị này cho biết.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, bán hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu trong tháng 4 đạt gần 309.000 tấn, xuất khẩu đạt hơn 120.000 tấn, giảm lần lượt 10,2% và 32,4%.
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam
Báo cáo tài chính quý II niên độ tài chính 2018 - 2019 (từ 1/10/2018 đến 31/3/2019) của Hoa Sen cho thấy, doanh thu thuần 14.457 tỉ đồng nửa đầu năm, giảm 7% so với cùng kỳ niên độ trước.
Lợi nhuận gộp đạt hơn 1.387 tỉ đồng tăng 34% so với cùng kỳ niên độ trước, tuy nhiên gánh nặng chi phí khiến HSG lỗ thuần hoạt động kinh doanh 86 tỉ đồng. Kết quả sau thuế thoát lỗ nhờ thu nhập khác, đạt 116 tỉ đồng, giảm 73%.
Hoa Sen còn cho biết lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2019 sụt giảm là do giá thép thị trường thế giới và thị trường nội địa diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi..
Kết quả kinh doanh hàng quí của Hoa Sen. Nguồn: Kiên Dương tổng hợp.
Tính đến cuối quý II (30/3), tổng tài sản của Hoa Sen là 18.364 tỉ đồng, giảm 36% so với đầu niên độ. Trong đó nợ phải trả gần 13.140 tỉ đồng, chiếm gần 72% tổng nguồn vốn và giảm khoảng 18%.
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn lần lượt là 7.653 và 3.258 tỉ đồng.
Đại diện phía Hoa Sen cho biết thời gian qua công ty đã cố gắng giảm nợ vay, tái cấu trúc, phân phối hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn.
"Thời gian tới, hệ thống phân phối của Hoa Sen đóng vai trò then chốt đối với công ty. Hiện công ty có hệ thống phân phối tại 563 cửa hàng ở Việt Nam. Với điều kiện hiện tại, quyết định của Bộ Công Thương sẽ là đòn bẩy đối với hoạt động kinh doanh của công ty", vị này cho biết.
Tiếp tục chịu sức ép từ thép Trung Quốc
Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, trong những năm qua ngành thép cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do dư thừa công suất, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt không chỉ từ những doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp của thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào lại tăng giảm thất thường, những yếu tố đó tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép.
Nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất, những năm qua đều có mức tăng trưởng khá.
Cụ thể, tình hình nhập khẩu do chưa phát triển đồng bộ và toàn diện nên hàng năm, nước ta phải nhập khẩu một số lượng khá lớn bán thành phẩm (phôi thép) và các loại thành phẩm, đặc biệt là thép dẹt cán nóng (HRC), thép không gỉ và thép chế tạo.
Số lượng nhập khẩu thép thành phẩm tăng từ 11,2 triệu tấn năm 2014 lên 17,5 triệu tấn năm 2016.
Từ năm 2017, Việt Nam đã sản xuất thép cuộn cán nóng nên số lượng thép nhập khẩu năm 2017 đã giảm 16% và tiếp tục giảm 6,7% vào năm 2018. Xu hướng này được dự báo còn tiếp tục trong những năm tiếp theo.
Hiệp hội thép Việt Nam dự báo, ngành thép sẽ gặp những thuận lợi nhất định; tuy nhiên việc thực hiện các hiệp định tự do hóa thương mại sẽ tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt hơn, nhất là với thép từ Trung Quốc.