|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hỗ trợ tín dụng phát triển cây macca

08:15 | 08/12/2016
Chia sẻ
Đầu tư lớn vào nông nghiệp, đặc biệt là cây macca, cho dù còn những ý kiến trái chiều, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đặt niềm tin vào sự phát triển loại cây này, cũng như lợi ích kinh tế dài hạn mà macca mang lại.
Vườn ươm giống cây macca. Nguồn: Hà Nội mới.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank - TS Nguyễn Đức Hưởng, ngân hàng sẽ dành chương trình tín dụng khoảng 20.000 tỷ đồng cho nông dân vay để trồng macca, trong đó riêng tỉnh Lâm Đồng là 10.000 tỷ đồng... Không phải ngẫu nhiên mà LienVietPostBank có một bước đi mạnh dạn, không ngại rủi ro khi dành nguồn vốn lớn cho cây macca. Để có thể hiểu về loại cây này, ngân hàng đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát về giống cây macca ở Australia, Trung Quốc...; thuê các chuyên gia giỏi, nghiên cứu về nguồn đất, chất đất, cũng như khí hậu những vùng đất ở Việt Nam thuận lợi cho việc trồng macca. Trong những nơi được LienVietPostBank nghiên cứu, ngân hàng đặc biệt dành sự quan tâm cho vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên.

Chia sẻ về lý do lựa chọn macca để đầu tư ở Tây Nguyên, TS Nguyễn Đức Hưởng cho biết, các loại cây cà phê, cao su, tiêu, điều đang già cỗi, nên việc tái cơ cấu cây trồng và tìm kiếm một cây công nghiệp chiến lược mới cho Tây Nguyên là cần thiết. Với giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác và phù hợp với điều kiện khí hậu nơi đây, macca được coi là một trong những lựa chọn hàng đầu. TS Nguyễn Đức Hưởng khẳng định: "Quan điểm kinh doanh của LienVietPostBank là chủ động tìm đối tượng đầu tư để giải ngân vốn vay có hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế có dấu hiệu ứ đọng vốn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp thấp, nhiều rủi ro. Nguồn vốn 20.000 tỷ đồng mà ngân hàng cho người dân vay để mua giống và chăm sóc vườn macca không chỉ trong thời gian cây cho thu hoạch quả (khoảng 6 năm) mà có thể dài tới 10-15 năm. Đặc biệt, ngân hàng sẵn sàng đứng ra mua bảo hiểm cho nông dân và chịu trách nhiệm về rủi ro".

Cũng giống như nhiều loại hình cho vay nông nghiệp khác, đối với cây macca, LienVietPostBank cho nông dân vay với hình thức có tài sản hoặc không có tài sản bảo đảm. Mức cho vay tối đa 80% tổng chi phí trồng hoặc chăm sóc, không vượt quá mức cho vay tối đa trên giá trị định giá tài sản bảo đảm đối với khoản vay có tài sản bảo đảm. Đối với khoản vay không có tài sản bảo đảm, nếu khách hàng có đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận sẽ được vay không quá 50% giá trị quyền sử dụng đất theo khung giá đất theo quy định của ngân hàng hoặc 70% giá trị quyền sử dụng đất theo khung giá đất của Nhà nước.

Trường hợp khách hàng nhận đất giao khoán không quá 70 triệu đồng/ha, nếu khách hàng có nhu cầu vay chăm sóc cây macca như: Chi phí hệ thống bảo vệ cây non, tưới tiêu tự động... ngân hàng cho vay tối đa 70% tổng mức chi phí của phương án. Lãi suất LienVietPostBank cho vay áp dụng cố định 9%/năm trong 12 tháng đầu. Tuy nhiên, khách hàng có thể được ân hạn trả nợ gốc, lãi tối đa 5 năm, nghĩa là 5 năm không phải trả nợ gốc và lãi suất, nên lãi suất thực tế mà khách hàng phải trả có thể thấp hơn mức 9%/năm.

Không chỉ cho vay vốn, LienVietPostBank còn hỗ trợ người dân tìm giống macca mang lại hiệu quả cao khi thu hoạch, cũng như cử chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây giúp người dân. Trước lo ngại về "đầu ra" của hạt macca, TS Nguyễn Đức Hưởng khẳng định, Việt Nam đã có Hiệp hội Macca nên người dân không phải lo lắng về việc bán macca sau thu hoạch. Hiệp hội Macca cam kết thu mua và trợ giá đối với các thành viên Hiệp hội (95% giá thế giới). Sắp tới sẽ có nhà máy chế biến macca, còn trước mắt, Hiệp hội sẽ thuê dây chuyền của Công ty Macca tại Khe Sanh - Quảng Trị để chế biến.

Đức Anh

Nóng chuyện kiểm toán
Thị trường gần đây lại nóng lên câu chuyện chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên sàn khi loạt kiểm toán viên bị đình chỉ giao dịch, có doanh nghiệp không thể tìm được đơn vị kiểm toán. Cùng với đó là tính minh bạch, trung thực của chính doanh nghiệp trong các con số.