|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trần Minh Trang: Cô thủ khoa kiến trúc nặng lòng với thực phẩm sạch Tây Nguyên

07:50 | 26/04/2018
Chia sẻ
Tham vọng của Trần Minh Trang là muốn xây dựng thương hiệu cho mắc ca Tây Nguyên nói riêng và thực phẩm sạch Tây Nguyên nói chung.
tran minh trang co thu khoa kien truc nang long voi thuc pham sach tay nguyen
Chị Trần Minh Trang.

Cùng với bức tranh tái cơ cấu nông nghiệp đang khởi sắc là “thế hệ xanh F1” với những nỗ lực hết mình cho những thương hiệu đặc sản địa phương của gia đình, dòng tộc.

Những hậu duệ tử tế như anh Nguyễn Minh Hậu, con trai út của ông “sầu riêng Sáu Ri”; anh Võ Văn Tiếng, chàng ngựa ô can trường cùng hạt gạo Tâm Việt; anh Nguyễn Phụng Hoàng và thương hiệu mắm Bà Giáo Khỏe; chị Trần Minh Trang với thương hiệu Thực phẩm sạch Tây Nguyên… đang ghi dấu một cách làm nông mới, biến nông nghiệp đen thành nông nghiệp xanh với một cái nhìn rộng mở hơn về công nghệ, về kỹ thuật… bằng cả tri thức và tấm lòng.

TheLEADER trân trọng giới thiệu tới bạn đọc chùm bài viết đặc biệt với chủ đề: "Thế hệ xanh F1- Những hậu duệ tử tế của nhà nông".

Bài 4: Trần Minh Trang, cô thủ khoa kiến trúc nặng lòng với thực phẩm sạch Tây Nguyên

Tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc đại học Yersin với đề án cải tạo chợ Đà Lạt, tình yêu thiên nhiên đã đưa cô gái trẻ Trần Minh Trang trở về với bà con chòm xóm ở Lâm Hà. Bằng số vốn ít ỏi và mảnh đất của chính mình, cô đã cùng bà con nỗ lực gầy dựng một lối canh tác mới, quay về với thiên nhiên, trở thành một phần của thiên nhiên

“Phải lòng” cây mắc cá và quyết định dành những năm tháng đẹp nhất của đời mình cùng bà con chòm xóm làm nông sản sạch, Trang kể: “Nông nghiệp là ngành tôi đam mê từ nhỏ. Nhà tôi có 4,2ha đất rất màu mỡ ở Lâm Hà, trước đây chỉ trồng cây trái cho gia đình ăn xen lẫn với cà phê, trồng dâu nuôi tằm…

Vùng đất này xưa kia nổi tiếng với cà phê Arabica, moca, cà phê mít nhưng cà phê mấy năm nay hiệu quả không ăn thua, bơ có trồng nhưng năng suất chưa nhiều.

Những ngày đi học, đi làm, bản thân tôi đã nhận thức được rằng tri thức mà chúng ta có được không phải để chống lại thiên nhiên, mà để sống thuận với thiên nhiên. Nếu chống lại quy luật đó, chúng ta sẽ bị trả giá, bệnh tật chính là lời cảnh báo đầu tiên. Nông nghiệp sạch chính là con đường hoàn nguyên của con người”.

Hạt mắc ca lợi nhuận cao hơn nhiều, nhưng sản lượng mắc ca của Việt Nam còn rất thấp, đa phần nhập từ Úc, Nam Phi, Trung Quốc. Mắc ca cách đây 8 năm còn khá mới mẻ với người nông dân Lâm Đồng.

Trang đã lên tận Cao Bằng, Tây Bắc, nơi trồng mắc ca đầu tiên ở Việt Nam để tìm hiểu về kỹ thuật canh tác, tìm hiểu giống nào cho trái lớn nhất, cho vỏ mỏng nhất. Quyết định mua cây giống của Viện cây trồng Việt Nam về trồng những cây đầu tiên ở Lâm Hà, may mắn có sự tư vấn từ những cán bộ kỹ thuật của viện và người nhà ngoài Bắc, sau đó phải cấy ghép giữa giống này với giống khác để cho năng suất tốt.

“Cây mắc ca vào đất Lâm Hà phát triển rất tốt, có cây ba năm rưỡi cho bói trái đầu tiên. Ban đầu mình vừa đi, vừa mò mẫm thôi, không chắc tất cả cây mình trồng cho trái, đến năm thứ tư cây cho trái nhiều hơn, đến năm thứ 5 thì 80% cây cho trái. Sản lượng rất khó nói, có cây rụng khi chín, có cây phải hái vì cành rất cứng.

Quá trình thu hái mắc ca cũng khá vất vả, hiện bà con quê tôi vẫn phải hái theo phương pháp thủ công. Từ kinh nghiệm gia đình, tôi đã chủ động bán giống, phổ biến rộng rãi cho bà con chòm xóm về quá trình trồng cấy để làm theo kỹ thuật đúng quy chuẩn, dùng hoàn toàn phân hữu cơ từ phân heo, phân tằm, vỏ của hạt mắc ca… ủ để bón cho cây. Bây giờ trồng mắc ca đã thành phong trào toàn huyện, năng suất và chất lượng trong vùng so với nơi khác rất tốt”, Trang chia sẻ.

Tham vọng của Trang là muốn xây dựng thương hiệu cho mắc ca Tây Nguyên nói riêng và thực phẩm sạch Tây Nguyên nói chung.

“Ngoài mắc ca, cà phê, chuối, bơ, bưởi da xanh, tôi còn tham vọng muốn bán cả gà, heo, rau, nhiều thực phẩm khác nữa. Trong vai trò nhà sản xuất, phân phối, tôi sẽ phổ biến quy trình trồng và sản xuất để có chất lượng tốt nhất, sau đó thu mua luôn và chế biến ngay tại Lâm Đồng. Hiện chúng tôi đang tiêu thụ chủ yếu trong nước và đã xuất đi các nước Mỹ, Đức, Bỉ,… Cũng nhờ Phiên chợ xanh tử tế do BSA tổ chức mà bà con biết đến nhiều hơn, hàng không đủ bán”, Trang cho biết.

Phương châm sống của Trang là tối đa hóa thời gian mình làm để có năng suất tốt nhất: “Tôi chỉ mong có thêm thời gian để được làm điều mình thích. Từ khi bước vào kinh doanh tôi rất hài lòng vì biết thêm nhiều phụ nữ làm nông nghiệp, bản thân ngành nông nghiệp không xô bồ, lấn át nhau mà sống, đi rất từ từ để có sự vững chãi. Làm nông nghiệp sạch chính là làm điều tốt đẹp cho cuộc sống”.

Theo chị, để khởi nghiệp thành công, phẩm chất đầu tiên chính là sự thật thà, cuộc sống quá thách thức khiến bạn rất dễ thỏa hiệp. Phải thật sự nghiêm túc với tiêu chí mình đặt ra ban đầu, không sử dụng chất bảo quản, thuốc thực vật, thêm nữa là lòng đam mê, kiên trì.

Ban đầu khi quay vòng sản xuất sẽ thấy nản nếu giá trị thu lại không cao, phải biết kết hợp để lấy ngắn nuôi dài. tuy nhiên, để làm được không dễ, phải đa năng, trong quá trình trồng mắc ca, chị phải trồng thêm nhiều cây ngắn ngày khác như bưởi da xanh, bơ, chuối… để lấy ngắn nuôi dài.

“Cuộc sống là không chờ đợi, khi có đam mê thì đừng ngại vấp ngã, vấp ngã chính là kinh nghiệm tích lũy tốt nhất để khởi nghiệp”, chị nói.

Kim Yến