Hộ gia đình ở vùng nào có mức chi tiêu cao nhất cả nước?
Theo Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình của Việt Nam là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, chi tiêu năm 2020 tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016).
Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng năm 2020 xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần.
Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất, xấp xỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng. Vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất, khoảng 2,1 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra mức tăng chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2020 chỉ tăng 5% so với 2018 trong khi ở vùng Đông Nam Bộ tăng tới 17,3% so với năm 2018.
Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất lên tới 3,5 lần năm 2020, với chi bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 (gồm 20% dân số giàu nhất) xấp xỉ 4,8 triệu đồng/người/tháng so với gần 1,4 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1 (gồm 20% dân số nghèo nhất).
Đại dịch COVID-19 khiến chi tiêu cho một loại thực phẩm tăng mạnh
Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng, chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình, trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng vào khoảng 1,69 triệu đồng và không phải ăn uống hút là xấp xỉ 1,2 triệu đồng.
Số liệu cũng cho thấy một xu hướng rõ ràng là các hộ gia đình có xu hướng giảm dần việc tiêu thụ tinh bột, như lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg/người/tháng năm 2020.
Các hộ gia đình ở vùng nông thôn tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (8,5 so với 6,1 kg/người/tháng). Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả nhất (9,0 so với 6,6 kg/người/tháng).
Mức tiêu dùng một số mặt hàng chủ yếu bình quân đầu người một tháng phân theo mặt hàng
Loại thực phẩm | Đơn vị | 2010 | 2012 | 2014 | 2016 | 2018 | 2020 |
Gạo | Kg | 9,7 | 9,6 | 9 | 8,8 | 8,1 | 7,6 |
Thịt các loại | Kg | 1,8 | 1,8 | 1,9 | 2,1 | 2,2 | 2,3 |
Trứng gia cầm | Quả | 3,6 | 3,6 | 3,7 | 4,2 | 4 | 4,6 |
Rượu, bia | Lít | 0,9 | 0,9 | 0,9 | 1 | 0,9 | 1,3 |
Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020. Đặc biệt trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và các đợt giãn cách xã hội khiến lượng trứng tiêu thụ tăng, đây là mặt hàng các hộ gia đình ưa chuộng sử dụng để bổ sung dinh dưỡng thay vì các loại thực phẩm khác.
Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cũng cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất (2,4 so với 1,3 lít/người/tháng).