|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hộ chiếu miễn dịch có thể hồi sinh nền kinh tế toàn cầu?

14:29 | 02/06/2020
Chia sẻ
Nhiều quốc gia trên thế giới đang cân nhắc việc sử dụng hộ chiếu miễn dịch, một loại chứng nhận dành cho bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm COVID-19.

Một vài quốc gia đang coi hộ chiếu miễn dịch là giải pháp đầy tiềm năng để nới lỏng phong toả và tái khởi động nền kinh tế. Hộ chiếu này có thể xác nhận người sở hữu có kháng thể chống lại virus corona, cho phép họ tự do di chuyển và quay lại làm việc.

Tại Estonia, chính phủ, giới chức y tế và nhiều doanh nghiệp đang thử nghiệm hộ chiếu miễn dịch kỹ thuật số. Cụ thể, một mã QR trên hộ chiếu sẽ cung cấp dữ liệu xét nghiệm và chứng nhận tình trạng miễn nhiễm Covid-19 của người dùng.

Dù vậy, việc sử dụng rộng rãi hộ chiếu miễn dịch vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Hồi cuối tháng 4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phản đối phương án này vì giới khoa học chưa chứng minh được người đã nhiễm virus corona sẽ không bị tái nhiễm.

Trong khi đó, nhiều nhà quan sát nhận định hộ chiếu miễn dịch có thể chia rẽ cộng đồng, làm người dân chủ quan hơn và cố tình nhiễm bệnh để có được hộ chiếu, theo Channel News Asia.

Hệ miễn dịch có thật sự miễn dịch?

Khi bị nhiễm một loại virus nào đó, cơ thể người sẽ nhanh chóng phản ứng và biểu hiện ra các triệu chứng như ho, sốt hoặc sổ mũi. Đây là những phản ứng ban đầu của hệ miễn dịch nhằm ngăn chặn virus tiếp tục tấn công.

Hộ chiếu miễn dịch có thể hồi sinh nền kinh tế toàn cầu? - Ảnh 1.

Một vài quốc gia đang coi hộ chiếu miễn dịch là giải pháp đầy tiềm năng để nới lỏng phong toả và tái khởi động nền kinh tế. Ảnh: China Daily.

Dù vậy, cơ thể người vẫn cần được bổ sung các kháng thể mạnh mẽ hơn, thường có trong các loại vaccine, để loại bỏ hoàn toàn sự phát triển của virus.

Thông thường, các kháng thể mới được bổ sung sẽ củng cố hệ miễn dịch trong vòng 10 ngày, “ghi nhớ” và chống lại virus đó trong suốt quãng đời còn lại. Song phương pháp này không có hiệu quả triệt để với chủng virus corona.

Theo các nhà khoa học, hệ miễn dịch của con người chỉ chứa kháng thể chống lại các chủng virus corona trong vòng 12 tháng. Do đó, giới nghiên cứu tin rằng cơ thể cũng có phản ứng tương tự với virus SARS-CoV-2.

Thời gian miễn dịch

Hộ chiếu miễn dịch chỉ phát huy tác dụng trong trường hợp người sở hữu hộ chiếu không tái nhiễm Covid-19. Song nhiều nghiên cứu từ Hàn Quốc và Trung Quốc cho thấy một vài bệnh nhân tái dương tính với xét nghiệm virus corona sau khi đã hồi phục.

Điều này khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quan ngại, đồng thời tuyên bố chưa có bằng chứng nào chỉ ra độ tin cậy của hộ chiếu miễn dịch.

Hộ chiếu miễn dịch có thể hồi sinh nền kinh tế toàn cầu? - Ảnh 2.

Một số xét nghiệm kháng thể hiện nay cho kết quả dương tính giả. Ảnh: The Times.

Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các mảnh xác của virus corona trong cơ thể bệnh nhân đã hồi phục khiến xét nghiệm cho kết quả dương tính. Một vài thử nghiệm trên động vật cũng có kết luận tương tự.

Những công trình nghiên cứu trên đã củng cố giả thuyết người và động vật không thể tái nhiễm virus corona mà chỉ có thể tái dương tính với xét nghiệm. Dù vậy, các chuyên gia vẫn chưa xác định được khoảng thời gian cơ thể miễn nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trước đó, giới nghiên cứu đã tìm ra thời gian miễn dịch trung bình của bệnh nhân hồi phục SARS là 2 năm trong khi số liệu này ở những trường hợp hồi phục MERS là 12 tháng.

Nên sử dụng hộ chiếu miễn dịch như thế nào?

Người sở hữu hộ chiếu miễn dịch được kỳ vọng là nguồn nhân lực bổ sung cho các khu vực tiền tuyến chống Covid-19, CNA nhận định.

Sau khi bình phục, nhiều bệnh nhân tự nguyện làm việc ở các vị trí có nguy cơ phơi nhiễm virus corona, như điều phối viên trong các phòng cấp cứu. Việc làm này có thể giảm bớt gánh nặng cho các y bác sĩ và hệ thống y tế vốn đang bị quá tải.

Hộ chiếu miễn dịch có thể hồi sinh nền kinh tế toàn cầu? - Ảnh 3.

Hộ chiếu miễn dịch sẽ cho phép người sở hữu tự do di chuyển. Ảnh: Getty Images.

Song nhiều chuyên gia cho rằng hộ chiếu miễn dịch có thể khiến xã hội bị chia rẽ, là tiền đề cho nạn phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, việc sở hữu hộ chiếu miễn dịch còn vô tình biến thành mục tiêu không lành mạnh, khuyến khích và lôi kéo người dân nhiễm bệnh.

WHO cho rằng những sáng kiến như “hộ chiếu miễn dịch” có thể khiến mọi người phớt lờ các khuyến cáo y tế như sử dụng khẩu trang hay giãn cách xã hội, tạo điều kiện cho virus corona tiếp tục lây nhiễm.

Tổ chức này cũng cảnh báo một số xét nghiệm kháng thể hiện nay cho kết quả dương tính giả. Thông tin trên làm dấy lên mối lo ngại về độ tin cậy và tính chính xác của các xét nghiệm.

Một số quốc gia ở châu Âu đang khá nghiêm túc với phương án sử dụng hộ chiếu miễn dịch. Tại Hy Lạp, chính phủ dự kiến thực hiện xét nghiệm nhanh và cấp hộ chiếu miễn dịch tại sân bay Athens. Tài liệu này sẽ cho phép người sở hữu di chuyển tự do trong lãnh thổ Hy Lạp.

Tại Anh, công ty kỹ thuật số Onfido đã trao đổi với chính phủ về ý tưởng hộ chiếu miễn dịch. Doanh nghiệp này dự kiến thiết kế nhiều loại hộ chiếu: bao gồm hộ chiếu xanh (miễn dịch hoàn toàn), hộ chiếu hổ phách (miễn dịch một phần) và hộ chiếu đỏ (người có nguy cơ lây nhiễm cao).

Tính đến ngày 29/5, thế giới ghi nhận gần 6 triệu ca nhiễm và hơn 362 nghìn ca tử vong do Covid-19, theo số liệu của Worldometers.

Uyên Uyên