Hình hài VinMart+ sau khi tích hợp thêm chuỗi đồ uống Phúc Long
Trong một thương vụ M&A mới nhất của mình, Masan Group (mã: MSN) cho biết đã chi 15 triệu USD để mua 20% cổ phần tại CTCP Phúc Long Heritage - đơn vị sở hữu chuỗi đồ uống Phúc Long.
Theo thoả thuận hợp tác, hai bên sẽ cùng phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Mục tiêu trước mắt, hoàn thành 1.000 Kiosk Phúc Long trong 18 - 24 tháng tiếp theo.
Điều này có nghĩa là các cửa hàng VinMart+ ngoài bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu giờ đây sẽ bán luôn cả đồ uống như trà, cà phê,… mang thương hiệu Phúc Long.
100 m2 VinMart+ cho bán lẻ tiêu dùng, dịch vụ tài chính và kinh doanh đồ uống
Hiện nay, diện tích trung bình mỗi cửa hàng VinMart+ là 100 m2. Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 4, lãnh đạo Masan cho biết trong thời gian tới sẽ tích hợp thêm các dịch vụ tài chính vào các điểm bán lẻ này.
Như vậy, một câu hỏi đặt ra là giờ đây nếu tích hợp thêm cả quầy bán đồ uống Phúc Long, VinMart+ có tăng thêm diện tích cửa hàng hay thay đổi cách sắp đặt bởi "chiếc áo" dường như đã quá chật chội?
Trả lời thắc mắc trên, đại diện Masan Group cho biết Kiosk Phúc Long sẽ chiếm khoảng 8 m2 trong mỗi cửa hàng VinMart+. Phản hồi của khách hàng tại 4 Kiosk Phúc Long đã thử nghiệm cho thấy các mô hình này có kết quả hoạt động khả quan và không gây bất tiện cho khách hàng.
"Vì vậy VinMart+ sẽ vẫn duy trì mô hình diện tích hiện tại. Các dịch vụ, sản phẩm tích hợp bổ sung sẽ được thiết kế trên cơ sở tinh gọn, đơn giản và nhanh chóng cho lắp đặt, thi công. Mục đích là mang lại các trải nghiệm sản phẩm mới và dịch vụ một cách tiện lợi tại các điểm bán sẵn có của VinMart+, với cấu trúc chi phí hiện hữu của VinMart+", phía Masan cho hay.
Bên cạnh đó, với việc tích hợp vào VinMart+, Kiosk Phúc Long sẽ hướng đến các tệp khách hàng mua sản phẩm mang đi (take away) và mua hàng online. Theo con số Phúc Long đưa ra, tỷ lệ khách hàng mua đồ mang đi tại chuỗi này là 20%.
Masan cho biết trong quý II và đầu quý III, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác và mở rộng thử nghiệm từ 20 - 25 kiosk.
Bán chéo sản phẩm của nhau, địa phương hoá danh mục đồ uống
Trao đổi với người viết, lãnh đạo Masan để ngỏ khả năng bán chéo các sản phẩm của nhau tại chuỗi cửa hàng hiện hữu. Masan nhấn mạnh, ưu tiên trước mắt của công ty là tập trung phát triển mô hình Kiosk Phúc Long tại VinMart+, mang đến các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
"Cả 2 bên sẽ cùng cân nhắc các giải pháp nhằm gia tăng sức mạnh hiệp lực của 2 thương hiệu mạnh của Việt Nam, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt. Bên cạnh, thỏa thuận hợp tác này còn giúp thu hút lưu lượng khách hàng đến điểm bán và gia tăng mức chi tiêu của khách hàng", đại diện Masan nói.
Nói về chiến lược địa phương hoá danh mục đồ uống của Phúc Long để phù hợp với từng cửa hàng VinMart+ trên cả nước, Masan cho biết sẽ tiếp tục hợp tác để đa dạng hóa sản phẩm, đưa ra thị trường các sản phẩm và dịch vụ mới nhằm đáp ứng thị hiếu và khẩu vị của người tiêu dùng.
Được biết, hiện giá bán các sản phẩm Phúc Long tại VinMart+ sẽ không khác biệt so với các cửa hàng Phúc Long thông thường.