|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Phúc Long sẽ ở đâu trong hệ sinh thái Masan Group?

07:00 | 25/05/2021
Chia sẻ
Masan kỳ vọng đến năm 2025, chuỗi thực phẩm và đồ uống sẽ đóng góp 500 triệu USD doanh thu vào The CrownX.
Phúc Long sẽ ở đâu trong hệ sinh thái Masan Group? - Ảnh 1.

Một cửa hàng Phúc Long tại Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Masan Group (mã: MSN) vừa công bố thoả thuận mua lại 20% cổ phần tại CTCP Phúc Long Heritage - đơn vị sở hữu chuỗi đồ uống Phúc Long, với mức giá 15 triệu USD. Điều này đồng nghĩa Masan định giá CTCP Phúc Long Heritage 75 triệu USD, tương đương khoảng 1.730 tỷ đồng.

CTCP Phúc Long Heritage được thành lập cách đây 3 ngày (21/5/2021), có ngành nghề đăng ký kinh doanh là trà và cà phê. Vốn điều lệ ban đầu 260 tỷ đồng. Trong đó, ông Lâm Bội Minh, người sáng lập chuỗi Phúc Long góp 245,7 tỷ đồng, nắm 94,5%. Ông Lâm Chấn Huy góp 13 tỷ đồng, chiếm 5% và Lê Hồng Việt góp 1,3 tỷ đồng, sở hữu 0,5% vốn điều lệ.

Trong thông cáo phát đi, Masan cho biết hai bên sẽ cùng phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Mục tiêu trước mắt, hoàn thành 1.000 Kiosk Phúc Long trong 18 - 24 tháng tiếp theo.

Kỳ vọng 500 triệu USD doanh thu từ chuỗi thực phẩm và đồ uống

Trong chặng đường phát triển của mình, có thể nhận thấy khẩu vị ưa thích của Masan Group là các thương vụ M&A liên quan những nhãn hàng Việt. Từ hệ thống bán lẻ VinCommerce của Vingroup tới hãng sản xuất bột giặt NET, VinaCafé Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo,...

Với chiến lược M&A để phát triển hệ sinh thái hàng tiêu dùng kết hợp chuỗi bán lẻ, có thể hiểu được khi Masan Group muốn đặt một chân vào chuỗi đồ uống Phúc Long. Đặc biệt, sự hợp tác lần này dựa trên mô hình Kiosk Phúc Long, trong đó Phúc Long sẽ bán sản phẩm của mình tại các cửa hàng VinMart+.

Mô hình này phù hợp với kế hoạch "Alpha-Bet"  mà Masan Group đã công bố trước đó, lấy hệ thống VinCommerce làm trục trung tâm, điểm đến dành cho tất cả, cung cấp các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng. Các dịch vụ, hệ sinh thái được kết nối vào một nền tảng chung nhất.

Lãnh đạo Masan Group thừa nhận việc hợp tác với Phúc Long sẽ giúp công ty thực thi chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life, trong đó chuyển đổi các cửa hàng VinMart+ thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và mọi nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Phúc Long sẽ ở đâu trong hệ sinh thái Masan Group? - Ảnh 2.

Trong kế hoạch "Alpha-Bet", Masan cũng đề ra mục tiêu phục vụ 30 - 50 triệu người tiêu dùng, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường bán lẻ hiện đại từ 1% lên gần 25%.

Trong khi đó, chuỗi đồ uống Phúc Long lại là một thương hiệu có tiếng với kinh nghiệm hơn 50 năm, sở hữu trong tay hệ thống 82 cửa hàng đặt tại những nơi sầm uất, đắt đỏ ở các thành phố lớn cùng lượng khách hàng đông đảo là những người sành trà và cà phê.

Do đó, khi kết hợp với 2.200 điểm bán VinMart+ hiện tại và 10.000 điểm bán trong 5 năm tới, Masan ước tính sẽ mang về cho cả hai bên lượng khách hàng khoảng 10 triệu người, rút ngắn mục tiêu 30 - 50 triệu khách hàng đề trước đó.

Ngoài ra, trong khuôn khổ thoả thuận hợp tác lần này, Kiosk Phúc Long cũng sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+. Dựa vào kết quả kinh doanh của mô hình thí điểm, hợp tác này sẽ góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại.

Đó cũng là mục tiêu mà lãnh đạo Masan theo đuổi kể từ khi mua lại VinCommerce từ tay Vingroup, - cải thiện hoạt động chuỗi VinCommerce. Quý IV/2020, lần đầu tiên hệ thống VinCommerce đạt điểm hoà vốn với biên EBITDA dương 0,2%.

Trong ba tháng đầu năm nay, VinCommerce tiếp tục ghi nhận biên EBITDA hợp nhất đạt 1,8% - quý thứ hai liên tiếp chuỗi này có lãi. Cuối năm nay, VinCommerce mục tiêu tăng lợi nhuận thương mại lên 2,5% - 3%. Xa hơn, lãnh đạo Masan kỳ vọng đến năm 2025, chuỗi thực phẩm và đồ uống sẽ đóng góp 500 triệu USD doanh thu vào The CrownX.

Phúc Long sẽ ở đâu trong hệ sinh thái Masan Group? - Ảnh 3.

Hơn tất cả, trong một lần chia sẻ với truyền thông, Tổng Giám Đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le cho biết: "Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua nền tảng phục vụ chiến lược chung của Masan."

Phúc Long được gì khi về chung nhà với Masan Group?

Theo số liệu chúng tôi có được, Phúc Long đang trên đà tăng trưởng mạnh về doanh thu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động theo ghi nhận của doanh nghiệp này vẫn đang ở mức thấp.

Doanh thu năm 2019 của Phúc Long là 779 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2018. Các năm trước đó, tăng trưởng doanh thu cũng liên tục ghi nhận mức tăng cao, lần lượt 39% và 25% (2018 và 2017).

Nếu so với các ông lớn trong thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam, doanh thu của Phúc Long chỉ xếp sau Highlands Coffee (doanh thu 2.199 tỷ đồng năm 2019) và ngang ngửa với các tên tuổi ngoại như Starbucks (783 tỷ đồng) hay The Coffee House (863 tỷ đồng).

Phúc Long sẽ ở đâu trong hệ sinh thái Masan Group? - Ảnh 4.

Kinh doanh chuỗi đồ uống mỗi năm mang về cho đơn vị sở hữu hàng trăm tỷ đồng doanh thu, song thực tế cho thấy tham gia vào thị trường này tại Việt Nam chưa bao giờ là dễ dàng. Rất nhiều doanh nghiệp với tiềm lực tài chính khủng, cùng kinh nghiệm dày dặn như The Coffee House hay Trung Nguyên, mặc dù tham gia đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa ghi nhận lãi.

Chẳng hạn như The Coffee House, sau gần 7 năm có mặt tại Việt Nam chuỗi này cũng đang phải đối mặt với tình hình kinh doanh khó khăn khi lỗ ròng hơn 80 tỷ đồng trong năm ngoái, đây là khoản lỗ lớn nhất kể từ nằm 2016, theo số liệu chúng tôi có được.

Một số chuỗi khác cũng rơi vào tình cảnh thua lỗ như Công ty Trung Nguyên ghi nhận lỗ 50 tỷ đồng đồng năm 2019 dù doanh thu vẫn tăng nhẹ so với năm trước đó. Đặc biệt, chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf đã lỗ gần 30 tỷ đồng khi mà doanh thu tiếp đà sụt giảm từ năm 2017.

Trong các chuỗi lớn, Highlands Coffee vẫn giữ được đà tăng trưởng doanh thu với mức tăng 35%, đạt 2.200 tỷ đồng năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty đã giảm 35% so với năm trước đó do các chi phí bán hàng và quản lí tăng mạnh.

Riêng với Phúc Long, dù doanh thu cao, song những năm gần đây, lợi nhuận sau thuế của Phúc Long chỉ khoảng vài tỷ đồng. Đơn cử năm 2019 chuỗi đồ uống này ghi nhận lãi 20 tỷ đồng, trước đó năm 2018 là 4 tỷ đồng và 2 tỷ đồng lãi năm 2017.

Doanh thu tăng trưởng đều và chưa ghi nhận lỗ, nhưng đáng lưu ý biên lợi nhuận gộp của Phúc Long cũng chỉ rơi quanh mức 35%, khá thấp nếu so với Highlands Coffee 68% và The Coffee House khoảng 70%.

Cùng với khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức cao, hiệu quả sinh lời theo ghi nhận của Phúc Long ở mức rất thấp. Dù đã cải thiện so với năm trước, biên lãi gộp (tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần) của Phúc Long cũng chỉ ở mức 2,6% năm 2019.

Điều này hoàn toàn có thể cải thiện được khi tích hợp giá trị giữa một bên là nhãn hàng và một bên là nhà phân phối như những gì Masan đang làm với The CrownX - công ty con của Masan nắm giữ lợi ích của Masan tại VinCommerce và Masan Consumer Holdings.

Phúc Long sẽ ở đâu trong hệ sinh thái Masan Group? - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, thị trường chuỗi đồ uống đang chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt tên tuổi lớn như Ông Bầu, Novaland,… có tốc độ mở chuỗi khủng. Do đó nếu về với Masan, cái lợi trước mắt dễ thấy nhất đó là hệ thống cửa hàng và tập khách hàng khổng lồ đến từ các chuỗi VinMart/VinMart+ của Masan.

Với xấp xỉ hơn 2.300 cửa hàng tiện lợi và siêu thị trên khắp cả nước, VinCommerce hứa hẹn sẽ mang tới cho Phúc Long thêm hàng nghìn điểm bán mới, tại những vị trí mặt bằng đẹp. Đặc biệt, lĩnh vực F&B đang trong giai đoạn cạnh tranh ngày một gay gắt, khoản tiền 15 triệu USD đầu tư từ Masan Group sẽ là động lực cần thiết để Phúc Long bứt phá tạo đột biến so với giai đoạn trước đó.

Thiên Trường