|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hình ảnh 'mới' của thái tử Samsung: Thường chụp ảnh và xếp hàng chờ ăn trưa với nhân viên, số lượng fan ngày càng đông

15:59 | 26/09/2022
Chia sẻ
Trái với tính cách nghiêm nghị, xa cách người lao động của những cố lãnh đạo Samsung, Phó chủ tịch Lee Jae-yong đang ngày càng được lòng người lao động nhờ việc xây dựng hình ảnh giản dị, gần gũi.

Chụp ảnh selfie với nhân viên và xếp hàng như mọi người để chờ ăn trưa là điều mà nhiều người không ngờ tới từ Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, một trong những người quyền lực nhất giới kinh doanh Hàn Quốc, theo Korea Herald.

“Thái tử” Samsung 54 tuổi này từ lâu đã sống một cuộc sống khép kín trước công chúng, cho tới khi ông dính líu tới những bê bối trong 5 năm qua. Tuy nhiên, kể từ khi được ân xá, ông Lee dường như đã trở thành một con người khác, tạo ra hình ảnh đặc biệt về người đứng đầu Samsung khác xa người cha quá cố của mình.

Trên Instagram, tài khoản người hâm mộ có tên jaeyong3831 đã ghi lại những khoảnh khắc ông Lee xuất hiện trước công chúng, bao gồm cả khoảnh khắc ngọt ngào của hai cha con trong một đám cưới của chaebol và một bức chân dung của ông được vẽ bởi một người dùng không xác định. Tính đến tháng 9, tài khoản này có 148.000 người theo dõi và tràn ngập những bình luận ca ngợi sự khiêm tốn của ông Lee cũng như sự tận tâm trong vai trò chủ tịch Samsung Electronics, một công ty mang tính biểu tượng của Hàn Quốc.

Phó chủ tịch Lee Jae-yong chụp ảnh với người hâm mộ. (Ảnh: Korea Herald).

Ông Lee đang cố gắng xây dựng một mạng lưới quan hệ trực tiếp với thế hệ trẻ, một động thái mà các chuyên gia lưu ý là không thể tránh khỏi với sự thay đổi thế hệ nhanh chóng hiện nay trong thế giới doanh nghiệp.

Người cha quá cố của ông Lee Jae-yong là Lee Kun-hee cũng là một nhà lãnh đạo có sức hút, người đã đưa Samsung trở thành một đế chế công nghệ toàn cầu, trong khi ông nội Lee Byung-chul là người dẫn dắt "Điều kỳ diệu trên sông Hàn" với tôn chỉ phục vụ đất nước khi quốc gia này vẫn ở trong thời kỳ chưa phát triển.

Trong mắt công chúng ngày nay, Lee Jae-yong được coi là một nhà lãnh đạo "khiêm tốn", người chịu gánh nặng trong việc dẫn dắt tương lai của gã khổng lồ điện tử được yêu mến của Hàn Quốc.

"Các doanh nhân chaebol thường ẩn mình sau bức màn và nói với một giọng điệu uy quyền, thậm chí đôi khi còn rất thô lỗ. Vì vậy, một nhà lãnh đạo chaebol được giới truyền thông miêu tả là có tính cách giản dị khiến họ trở nên đặc biệt với hình ảnh thông thường của các nhà lãnh đạo chaebol", Kwon Sang-jib, giáo sư kinh doanh tại Đại học Hansung cho biết.

Ông Lee không phải là người thừa kế chaebol duy nhất tìm cách kết nối với những người Hàn Quốc trẻ tuổi. Chủ tịch Chey Tae-won của SK Group và Phó Chủ tịch Chung Yong-jun của Tập đoàn bán lẻ Shinsegae cũng hoạt động tích cực trên mạng xã hội, thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc và suy nghĩ riêng tư của họ.

"Các lãnh đạo chaebol trước đây ít có cơ hội giao tiếp với công chúng do định kiến ​​xấu về họ, và bây giờ dường như là thời điểm mà các thế hệ lãnh đạo mới có thể phá bỏ định kiến này", Lim Myung-ho, một giáo sư tâm lý của Đại học Dankook.

Ông Lee ăn trưa cùng nhân viên. (Ảnh: Korea Herald).

Cái giá phải trả khi sinh ra đã ngậm thìa vàng

Những người thừa kế thế hệ thứ ba hoặc thứ tư, những người đảm nhận quyền sở hữu một tập đoàn chaebol thường bị trừng phạt vì đã coi thường đặc quyền thừa kế của họ.

Khi các gia đình chaebol lần đầu tiên lên nắm quyền vào những năm 1960, công chúng phần lớn thừa nhận rằng họ đã giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Những người thừa kế chaebol trẻ tuổi thường phải đối mặt với việc bị mọi người nghi ngờ liệu họ có xứng đáng với vị trí của mình hay không.

Lee Jae-yong cũng từng là một trong những nhân vật như vậy, và đã phải trả một cái giá quá đắt cho những thử nghiệm và sai sót của mình. Ông Lee từ lâu đã bị ám ảnh bởi sự sụp đổ giá trị của các công ty liên doanh công nghệ mà ông kiểm soát vào đầu những năm 2000 sau "bong bóng dot-com".

Trong dự án được gọi là e-Samsung, Lee vào năm 2000 được giao nhiệm vụ quản lý hơn 10 công ty công nghệ non trẻ, trong đó có e-Samsung. Ông chịu trách nhiệm về việc bắt đầu kinh doanh với các chi nhánh của Tập đoàn Samsung, để xảy ra các khoản lỗ trong một năm hoạt động mà các chi nhánh của Samsung, bao gồm Samsung SDS phải gánh. Các quan chức của Samsung tham gia vào các hoạt động cũng bị cáo buộc vi phạm lòng tin nhưng không bị truy tố.

Sau hàng loạt tranh cãi, khúc mắc xoay quanh con đường thừa kế tài sản từ cha mình, ông Lee đã gửi lời xin lỗi tới công chúng vào năm 2020. Ông cam kết chấm dứt quyền cai trị triều đại tại Samsung bằng cách không truyền lại ngôi kế vị gã khổng lồ công nghệ này cho các con của mình.

Tháng 1/2021, ông Lee bị kết tội hối lộ. “Thái tử” Samsung ra tù vào tháng 8 cùng năm, nhưng bị hạn chế trở lại phòng họp của Samsung. Một năm sau, hạn chế được dỡ bỏ sau khi Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol ban lệnh ân xá.

Kang Hye-ryun, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Ewha Womans cho biết: “Ông Lee đã phải trải qua một loạt thử thách và đó dường như là điều khiến ông ấy nhận ra những thứ mà bản thân cần thay đổi”.

Bất kể việc xây dựng hình ảnh trước công chúng của ông Lee có phải là một chiến lược có chủ đích hay không, Samsung dường như đang tận dụng lợi thế từ những người hâm mộ “thái tử” Samsung.

Việc ông Lee xuất hiện trước công chúng tại các địa điểm lớn của Samsung trong và ngoài nước trở nên thường xuyên hơn, làm dấy lên suy đoán rằng ông có thể sớm được thăng chức Chủ tịch vào đầu tháng 11, kịp thời cho lễ kỷ niệm 53 năm thành lập Samsung Electronics.

Rõ ràng, Phó chủ tịch Samsung cũng từng dính vào nhiều tranh cãi trong quá khứ, nhưng người dân ngày nay, đặc biệt là những người trẻ, có khả năng đồng cảm nhiều hơn với những nhân vật quyền lực có tính cách giản dị.

"Không có nhiều người trẻ ở Hàn Quốc biết đến các dự án trước đây của ông Lee như e-Samsung. Thời điểm đó, ông ấy giống như một ẩn sĩ. Sự yêu mến của công chúng với ông Lee không có nghĩa là công chúng đã tha thứ cho những sai lầm của ông trong quá khứ. Sự khoan dung sẽ đến khi ông Lee thiết lập một kế hoạch chi tiết mới dựa trên sự thừa nhận những thử thách và sai sót trong quá khứ của bản thân", giáo sư Kwon của Đại học Hansung lưu ý.

Mặc dù hình ảnh công khai mới mẻ của ông Lee cho thấy một khởi đầu tốt cho kế hoạch kế vị, nhưng câu chuyện này sẽ chưa thể đi đến hồi kết, một chuyên gia khác lưu ý.

Cụ thể, Oh Il-seon, Giám đốc Viện CXO Hàn Quốc, cho biết: “Điều quan trọng đối với các cuộc thảo luận thực tế của ông Lee với nhân viên là tạo ra sự thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp, để việc giao tiếp trở nên cởi mở tại nơi làm việc có thể được áp dụng ở mọi cấp bậc. Samsung đặt sự cởi mở và linh hoạt lên hàng đầu trong hoạt động kinh doanh của mình, nhưng vẫn có những nghi ngờ về việc liệu động lực cho sự thay đổi của công ty có mạnh mẽ như trước đây hay không".

Anh Nguyễn