|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Thái tử' Samsung bị cáo buộc thao túng cổ phiếu liệu có kéo theo sự sụp đổ của đế chế khổng lồ xứ Hàn?

16:16 | 06/04/2022
Chia sẻ
Samsung, hay chính xác hơn là Phó chủ tịch Lee Jae-yong đang trải qua những ngày sóng gió khi bị cáo buộc gian lận kế toán và thao túng cổ phiếu.

Trong nhiều năm qua, “thái tử” Samsung Lee Jae-yong thường xuyên phải xuất hiện tại nhà giam cũng như các phiên tòa xét xử vì liên quan đến các vấn đề pháp lý khác nhau.

Hiện tại, ông đang đấu tranh trước cáo buộc thao túng giá cổ phiếu và gian lận trong kế toán. Cuộc chiến pháp lý của người kế nhiệm gã khổng lồ Samsung và các công tố viên Hàn Quốc đã gây ra sự chú ý với thị trường tài chính toàn cầu.

Tính đến tháng 3, có tổng cộng 11 giám đốc điều hành cấp cao, bao gồm cả ông Lee, đang bị cơ quan điều tra về hành vi thao túng cổ phiếu và gian lận kế toán tại Samsung cũng như các công ty con kể từ năm 2015, điều mà các công tố viên tin rằng là yếu tố quan trọng với kế hoạch của ông Lee Jae-yong để kế nhiệm cha mình.

Theo Asia Nikkei, nếu “thái tử” Samsung thất bại trong cuộc đấu này, đồng nghĩa với triều đại Samsung có thể sụp đổ.

"Thái tử" Samsung (ở giữa) đang bị cáo buộc thao túng cổ phiếu. (Ảnh: Koreaherald).

Chính trị và chaebol

Trường hợp của Samsung là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn đối với các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc. Những người chỉ trích nói rằng các chaebol (một thuật ngữ ám chỉ giới tài phiệt và các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc) được hưởng sự đối xử khoan hồng của pháp luật để đổi lấy việc thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc.

Cải cách các chaebol là một chủ đề lâu năm trong các chiến dịch tranh cử tổng thống tại Hàn Quốc, nhưng hầu hết cam kết đều tan biến khi các ứng viên nhậm chức và đối mặt với thực tế.

"Chính phủ cần sự giúp đỡ của các chaebol đối với nền kinh tế để đổi lấy sự đối xử đặc biệt. Chính quyền Moon Jae-in cũng không phải là một ngoại lệ. Ông ấy hứa sẽ cải tổ các chaebol, nhưng đã không hành động", Park Sang-in, giáo sư kinh tế tại Khoa Hành chính Công của Đại học Quốc gia Seoul cho biết.

Ví dụ điển hình chính là vụ việc Lee Jae-yong được ân xá, sau khi đã thụ án 19 tháng trong bản án 30 tháng về vụ án hối lộ. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhà Xanh, văn phòng điều hành của Tổng thống Hàn Quốc, nói rằng việc chính phủ ân xá “thái tử” Samsung là "vì lợi ích của quốc gia".

Tuy nhiên, những nguồn tin thân cận lại có cái nhìn khác. Việc Phó chủ tịch Samsung được ân xá đến ngay sau khi có thông tin gã khổng lồ này sẽ đầu tư 195 tỷ USD vào các ngành công nghiệp sản xuất chip, sinh học, viễn thông, cũng như tạo ra 40.000 việc làm mới trong ba năm.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau đó đã mời Lee và các nhà lãnh đạo chaebol khác đi ăn trưa vào cuối tháng 12, khen ngợi họ đã tham gia một dự án việc làm cho thanh niên do chính phủ lãnh đạo.

Giáo sư Park Sang-in tin rằng tất cả chuỗi sự kiện trên không phải diễn ra một cách ngẫu nhiên. “Đó là một sự vướng mắc điển hình giữa chính trị và kinh doanh”, ông Park nói.

Trong khi đó, người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/3 sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này, chủ trì giải quyết vụ việc Samsung, và mở rộng ra, số phận của gia đình cựu chủ tịch Samsung. "Phán quyết tại tòa án quận có thể được đưa ra trong nhiệm kỳ tiếp theo của chính phủ. Nó rất quan trọng vì có thể sẽ kiểm tra sự dứt khoát trong cải cách chaebol của chính phủ mới", ông Park nói.

Cả hai ứng viên tranh cử Tổng thống Hàn Quốc thời điểm đó đều nhấn mạnh sẽ cứng rắn với “thái tử” Samsung. Đáng chú ý, người mới đây đã trở thành Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chính là thành viên chủ chốt của đội cố vấn đặc biệt chuyên điều tra các cựu tổng thống khác.

Tuy nhiên, cả hai ứng cử viên tranh cử kể từ thời điểm đó đã giảm bớt lập trường cứng rắn của họ đối với các chaebol, đặc biệt là Samsung, vì các cử tri muốn tạo ra việc làm và tăng lương cho người lao động trong bối cảnh đại dịch và lạm phát gia tăng đã ảnh hưởng đến đời sống người dân Hàn Quốc.

Sự hỗn loạn tại Samsung

Vụ việc của ông Lee Jae-yong là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự hỗn loạn đang lan rộng ra ở công ty lớn nhất Hàn Quốc.

Samsung được thành lập bởi Lee Byung-chull, ông nội của Lee Jae-yong vào năm 1938, kinh doanh tạp hóa, bán mì và các mặt hàng khác. Byung-chull sau đó thành lập Samsung Electronics vào năm 1969 và Samsung Semiconductor & Telecommunications vào năm 1978, trở thành những máy in tiền cho tập đoàn.

Sau này, ông Lee Kun-hee đã lên nắm quyền điều hành tập đoàn. Trong thời gian nắm quyền, ông đã biến Samsung trở thành ông lớn toàn cầu về chip nhớ, điện thoại thông minh và TV.

Tuy nhiên, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra khi ông Lee Kun-hee phải nằm viện hơn 6 năm. Đáng chú ý, Goldman Sachs từng đề nghị Lee Jea-yong bán Samsung Life Insurance cho Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett vào năm 2015 để huy động hàng tỷ USD nhằm trả thuế thừa kế khi cha ông qua đời, theo David Hyung-jin Chung, người đứng đầu văn phòng Goldman tại Seoul.

Theo bản cáo trạng dài 133 trang, Samsung đã lên kế hoạch cho việc tìm người kế vị ngay cả trước khi ông Lee Kun-hee nhập viện, với cái tên "Dự án G".

Khi ông Lee Kun-hee nhập viện, ông Lee Jae-yong đã tiếp quản vai trò lãnh đạo của cha mình, nhưng vị trí chưa được vững chắc bởi sự rời đi đột ngột của ông Lee Kun-hee. Các công tố viên tin rằng đó là lý do Lee và Samsung thúc đẩy việc sáp nhập trước sự phản đối của các cổ đông. Họ cáo buộc rằng mục đích của việc sáp nhập là để Lee Jae-yong có thể nắm quyền kiểm soát đế chế Samsung theo cách ít tốn kém nhất.

Thương vụ sáp nhập diễn ra vào năm 2015, khi Cheil Industries, công ty thời trang và giải trí mà Lee là cổ đông lớn nhất, tiếp quản công ty xây dựng Samsung C&T. Điều đáng chú ý, C&T giữ cổ phần lớn nhất trong Samsung Life Insurance, vốn sở hữu phần lớn cổ phần của Samsung Electronics, “viên ngọc quý” của tập đoàn.

Sau khi ông Lee Kun-hee qua đời vào năm 2020, vợ ông là bà Hong Ra-hee và ba người con đã được thừa kế cổ phần của Samsung Electronics. Dù vậy, họ đồng ý chia cho Lee Jae-yong một nửa cổ phần của ôn Lee Kun-hee trong Samsung Life Insurance, giúp “thái tử” Samsung củng cố quyền kiểm soát tập đoàn.

Điều đó khiến bà Hong trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Samsung Electronics, với việc sở hữ 2,3% cổ phần, mặc dù Lee Jae-yong có nhiều ảnh hưởng hơn khi nắm giữ Samsung Life Insurance và Samsung C&T.

Do đó, việc sáp nhập sẽ đảm bảo vị thế của gia đình. Sau thương vụ, Lee Jea-yong có thể kiểm soát Samsung C&T đã sáp nhập với 16,4% cổ phần, tạo cho ông một đòn bẩy để kiểm soát Samsung Electronics.

Những người đối đầu với Samsung

Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu trở nên tệ hơn sau sự xuất hiện của Elliott Management, một quỹ đầu cơ của các nhà hoạt động Mỹ. Nổi tiếng với việc tham gia vào các cuộc chiến quyền lực với các công ty mà họ đầu tư, Elliott bất ngờ tuyên bố vào tháng 6/2015 rằng họ nắm giữ 7% cổ phần trong Samsung C&T và nói rõ rằng họ phản đối việc sáp nhập, khẳng định điều này không công bằng và trái pháp luật.

Elliott sau đó đã “tấn công pháp lý” Samsung C&T vì họ hiểu rằng công ty này là “gót chân Achilles” trong kế hoạch kế vị của gia đình Lee.

Năm ngày sau khi thông báo, quỹ này đã đệ đơn lên tòa án quận Seoul, yêu cầu tòa án cấm Samsung C&T tổ chức đại hội cổ đông để thông qua việc sáp nhập. Tuy nhiên, Tòa án Quận Trung tâm Seoul đã từ chối ban hành lệnh.

Năm 2018, Elliott đã đệ đơn kiện chính phủ Hàn Quốc với khoản bồi thường trị giá lên tới 770 triệu USD lên Tòa án Trọng tài Thường trực. Vụ việc đang chờ xử lý.

Tháng 9/2020, sau gần hai năm điều tra, các công tố viên cuối cùng đã đưa ra cáo buộc chống lại 11 giám đốc điều hành của Samsung. Vụ việc bắt đầu vào năm 2016 khi một nhóm người dân đã đệ đơn kiện ông Lee Jae-yong và Samsung. Hai năm sau, cơ quan quản lý tài chính của nước này cũng đệ đơn khiếu nại lên văn phòng công tố khi Ủy ban Dịch vụ Tài chính kết luận Lee và Samsung đã làm giả các thông báo về thị trường chứng khoán và có hành vi gian lận kế toán.

Đã có 8 giám đốc điều hành và nhân viên của Samsung bị kết tội, trong đó có ba người đã bị kết án tù vì che giấu và tiêu hủy bằng chứng khi các công tố viên mở rộng cuộc điều tra. Các công tố viên cho biết họ đã thu giữ nhiều máy chủ máy tính và ổ cứng được giấu dưới sàn của một nhà máy Samsung Biologics và trong nhà để xe của một nhân viên Samsung Bioepis.

Trọng tâm của cuộc điều tra là việc định giá giao dịch hoán đổi cổ phiếu, điều này đã khiến Deloitte Anjin, đối tác tại Hàn Quốc của hãng kiểm toán Deloitte chú ý. Oh Yong-jin, cựu kiểm toán viên tại Deloitte Anjin, nói trước tòa rằng Samsung đã gây áp lực buộc ông phải định giá thấp giá trị của Samsung C&T.

Oh khẳng định đã đấu tranh với C&T và gửi thư chính thức, nhưng vô ích. Ông yêu cầu các thành viên trong nhóm xóa các trao đổi email với Samsung trong trường hợp họ bị kiện và bị điều tra.

Park Ju-gun của Leaders Index, một công ty phân tích doanh nghiệp, người đã nghiên cứu Samsung và các hoạt động của các chaebol khác trong nhiều thập kỷ, chia sẻ rằng Samsung rất muốn giải quyết các vấn đề pháp lý của mình để Lee Jae-yong có thể chính thức lên ngôi.

Đế chế Samsung chưa thể sụp đổ

Vụ việc này khiến Samsung phải trả giá đắt theo nhiều cách khác nhau. Sự vắng mặt của ông Lee đã ngăn cản công ty thực hiện các vụ giao dịch lớn trong nhiều năm. Thực tế, thỏa thuận lớn cuối cùng của Samsung đã được ký kết vào năm 2016, khi công ty mua lại doanh nghiệp điện tử xe hơi và hệ thống âm thanh Harman International Industries của Mỹ với giá 8 tỷ USD.

Khi Lee Jae-yong tiếp tục các hoạt động của mình sau khi ra tù vào tháng 8 năm ngoái, công ty đã đặt ra các mục tiêu mới. Vào tháng 1, Giám đốc điều hành Samsung Electronics Han Jong-hee nói với các phóng viên tại Triển lãm Công nghệ CES ở Las Vegas rằng nhiều thương vụ mua lại sắp xảy ra.

Samsung cũng phải đối mặt với những căng thẳng trong nội bộ và với các nhà đầu tư. Công ty đang chịu áp lực duy trì lợi thế công nghệ của mình trước sức ép từ các đối thủ cạnh tranh bao gồm TSMC và Intel. Vào tháng 11/2021, công ty đã công bố một kế hoạch đầu tư mới trị giá 17 tỷ USD, nhằm xây dựng dây chuyền sản xuất chip đúc ở Texas, Mỹ. Samsung đặt mục tiêu vượt qua Intel và TSMC về sản lượng hệ thống và chất bán dẫn đúc vào năm 2030.

Dù vậy, số phận của “thái tử” Samsung vẫn đang bị treo lơ lửng. Mặc dù vụ án vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng ba thẩm phán tại Tòa án Quận Trung tâm Seoul đang đẩy nhanh tiến độ điều tra.

 

Ông Lee Jae-yong có thể chịu án tù một lần nữa, song chuyên gia Park Ju-gun của Leaders Index vẫn khẳng định rằng những ngày tháng đứng trên đỉnh cao của “thái tử” Samsung và công ty này còn lâu mới kết thúc bởi họ được hưởng nhiều sự đối xử đặc biệt.

Doanh Chính

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.