Hiểu sao về chuyện thu nhập 5 triệu đồng/tháng đã bị tính thuế?
Biểu thuế thu nhập cá nhân hiện tại áp dụng thu thuế cho phần tiền đến 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, không ít người vẫn hiểu chưa đầy đủ về con số 5 triệu này.
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tại nước ta hiện nay là loại thuế được tính theo tháng đối với tiền lương, tiền công của người lao động. Việc kê khai có thể theo tháng hoặc theo quý nhưng quyết toán thuế TNCN sẽ được tính theo năm.
Biểu thuế TNCN 7 bậc áp dụng cho người lao động có hợp đồng lao động trên 3 tháng. Ảnh minh họa: Quang Thắng. |
Ai phải đóng thuế TNCN?
Theo Luật thuế hiện hành, thuế TNCN được tính theo biểu lũy tiến từng phần gồm 7 bậc dành cho lao động ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên.
Biểu thuế thu nhập cá nhân hiện tại:
Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) Thuế suất (%) 1 Đến 5 5 2 Trên 5 đến 10 10 3 Trên 10 đến 18 15 4 Trên 18 đến 32 20 5 Trên 32 đến 52 25 6 Trên 52 đến 80 30 7 Trên 80 35
Những lao động không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên sẽ phải khấu trừ 10% thu nhập. Bên cạnh đó, đối với lao động không cư trú, chủ yếu là người nước ngoài thì mức thuế phải chịu sẽ là 20% tiền lương, tiền công.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án điều chỉnh thuế TNCN với tiền lương, tiền công của người lao động.
Thu nhập bao nhiêu phải nộp thuế?
Theo biểu thuế TNCN hiện nay, người có thu nhập tính thuế đều phải nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn có không ít người lầm tưởng thu nhập tính thuế là khoản thu nhập hàng tháng từ tiền lương, tiền công của người lao động. Không ít người cho rằng khoản 5 triệu đồng/tháng trong bậc 1 của biểu thuế là phần thu nhập từ tiền công, tiền lương của người lao động.
Nhưng thực tế, đây là khoản tiền bị đánh thuế. Đây chính là khoản tiền chưa tính các phần giảm trừ (9 triệu đồng/tháng với bản thân và 3,6 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc). Hiểu đơn giản thì thuế TNCN chỉ áp dụng với người có thu nhập tối thiểu trên 9 triệu đồng/tháng. Những người có thu nhập nhỏ hơn mức này không phải đóng thuế TNCN.
Theo điểm B, khoản 1 Điều 25 của TT 111/2013/TT-BTC, thuế TNCN phải nộp của người lao động sẽ được xác định bằng cách lấy thu nhập tính thuế nhân với thuế suất.
Tuy nhiên, thu nhập tính thuế ở đây không phải là tổng thu nhập từ tiền lương và tiền công trong tháng của người lao động mà bằng tổng thu nhập trong tháng (thu nhập chịu thuế) trừ đi các khoản giảm trừ.
Thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập của người lao động được trả trong tháng, không bao gồm các khoản như tiền ăn trưa, phụ cấp, công tác phí…
Các khoản giảm trừ hiện nay bao gồm giảm trừ gia cảnh trong đó, bản thân người nộp thuế được giảm trừ 9 triệu đồng và người phụ thuộc được giảm 3,6 triệu đồng/người tính trên mỗi tháng. Ngoài ra, các khoản giảm trừ còn bao gồm các khoản bảo hiểm bắt buộc như BHXH, BHYT, BHTN và BHNN trong một số lĩnh vực đặc biệt.
So sánh mức thuế TNCN phải nộp theo cách tính hiện nay và 2 đề xuất mới |
Còn đối với có một người phụ thuộc, tổng thu nhập tối thiểu phải trên 12,6 triệu đồng mới phải nộp thuế TNCN. Chưa kể các khoản bảo hiểm phải đóng, hiện nay thường chiếm khoảng 10,5% tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động.
Tính thuế TNCN thế nào?
Theo quy định, thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với mức thuế suất 5-35% đối với từng mức thu nhập tính thuế/tháng.
Ví dụ, một người có tổng thu nhập một tháng khoảng 30 triệu đồng và không có người phụ thuộc. Như vậy, 30 triệu đồng là khoản thu nhập chịu thuế của người lao động, vì không có người phụ thuộc nên người này chỉ được giảm từ bản thân 9 triệu đồng cùng với 10,5% tổng thu nhập để đóng các loại bảo hiểm. Thu nhập tính thuế của người lao động sẽ còn lại 17,85 triệu đồng.
Áp theo biểu thuế suất TNCN hiện nay, người lao động có mức thu nhập tính thuế 17,85 triệu đồng sẽ phải nộp thuế TNCN ở bậc 3 với mức thu nhập tính thuế từ 10 đến 18 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, cách tính thuế đúng không phải dùng mức thu nhập tính thuế 17,85 triệu đồng nhân với thuế suất bậc 3 là 15% ra khoản thuế phải nộp là xấp xỉ 2,68 triệu đồng.
Thuế TNCN hiện nay được thu theo phương pháp lũy tiến từng phần, nên khoản thu nhập tính thuế ở biểu thuế nào sẽ tính thuế suất ở bậc đó.
Trong trường hợp này, người lao động có thu nhập tính thuế 17,85 triệu đồng, sẽ có 5 triệu đồng đầu tiên tính thuế suất 5%; 5 triệu tiếp theo áp thuế suất 10% và 7,85 triệu còn lại sẽ áp thuế suất 15%.
Tổng thức thu nhập tính thuế là 17,85 triệu đồng nhưng được phân bổ theo lũy tiến tại các bậc thuế. Như vậy, số tiền thuế TNCN thực tế phải nộp là hơn 1,92 triệu đồng.