|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hiếu PC chỉ thẳng mặt Wefinex, Bitcoindefi là lừa đảo, lùa gà, cảnh báo người chơi có thể mất tài sản và nhiều hệ luỵ khác

08:00 | 22/08/2021
Chia sẻ
Hiếu PC cũng mong muốn các công ty sử dụng blockchain tại Việt nam sẽ củng cố bảo mật, tránh việc bị hack.

Mới đây, công ty công ty dữ liệu blockchain Chainalysis đã phát hành Chỉ số Chấp nhận Tiền ảo Toàn cầu. Các quốc gia được chấm điểm dựa trên ba chỉ số: Tổng khối lượng giao dịch tiền điện tử, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư không chuyên nghiệp và khối lượng giao dịch ngang hàng (P2P).

Dựa theo các chỉ số này, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan là ba nước đứng đầu thế giới trong năm 2021. Ngoài ra, đa phần trong top 20 đều là những quốc gia mới nổi như Togo, Colombia và Afghanistan. Trong khi đó, Mỹ trượt từ vị trí thứ 6 xuống hạng 8 và Trung Quốc, đất nước đã trấn áp thị trường tiền ảo vào đầu mùa xuân năm nay, rơi từ hạng 4 xuống vị trí thứ 13.

Theo Chainalysis, tỷ lệ này tăng cao ở các thị trường mới nổi do một số yếu tố. Khi được điều chỉnh theo sức mua tương đương trên đầu người và tỷ lệ dân số sử dụng internet, các nước như Kenya, Nigeria, Việt Nam và Venezuela thường có khối lượng giao dịch khổng lồ trên các nền tảng ngang hàng P2P.

Thậm chí, nhiều người dân tại các nền kinh tế mới nổi đang sử dụng các nền tảng P2P làm cơ sở giao dịch chính, thường là do họ không thể tiếp cận vào các sàn giao dịch tập trung. Ngoài ra, họ còn tìm đến thị trường tiền ảo như một nơi để bảo vệ các khoản tiền tiết kiệm khi đồng nội tệ bị mất giá cũng như để gửi và nhận kiều hối hoặc thực hiện giao dịch kinh doanh.

Khi thông tin này được công bố, Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cũng có một số chia sẻ về thị trường tiền điện tử và blockchain tại Việt Nam. Cụ thể, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, Hiếu PC cho biết khá ngạc nhiên khi thấy Việt Nam đứng đầu danh sách cho Chainanalysis công bố.

Đồng thời, Hiếu PC cũng tự đặt ra câu hỏi "phải chăng đâu đấy trader (nhà đầu tư ngắn hạn - NV) rồi cũng thành holder (nhà đầu tư dài hạn - NV) hết nhỉ?". "Nghe nói blockchain ngày càng hot tại Việt Nam. Tuy nhiên, mình không thích mấy bọn đầu tư "nhị phân" binary option đa cấp, lợi dụng danh nghĩa và cái tên blockchain để lừa đảo lâu nay", Hiếu PC chia sẻ thêm về mô hình binary option (BO).

Quyền chọn nhị phân hay binary option là một công cụ tài chính với cách thức đầu tư là dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của một loại tài sản trong một thời gian nhất định. 

Khác với các hình thức đầu tư tài chính khác, giao dịch quyền chọn nhị phân rất đơn giản và hoàn toàn phù hợp với cả những nhà đầu tư mới. Chỉ bằng cách đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm của một loại tài sản, nếu dự đoán của bạn chính xác, bạn sẽ được tiền, nếu dự đoán sai bạn sẽ mất tiền.

Quyền chọn nhị phân khác các loại quyền chọn tiêu chuẩn ở chỗ chúng không cung cấp khả năng nắm giữ vị thế đối với tài sản cơ sở. Quyền chọn nhị phân thường chỉ định mức chi trả tối đa cố định, trong khi rủi ro tối đa được giới hạn ở số tiền đầu tư vào quyền chọn. Sự thay đổi giá trị của tài sản cơ sở không ảnh hưởng đến mức chi trả nhận được hoặc rủi ro phát sinh.

Hiếu PC chỉ thẳng mặt Wefinex, Bitcoindefi là lừa đảo, ngạc nhiên về cộng đồng tiền ảo tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hiếu PC chỉ thẳng mặt những Wefinex, Pocinex hay Bitcoindefi là lừa đảo. (Ảnh: Facebook Ngô Minh Hiếu).

"Mong rằng những nền tảng uy tín sử dụng blockchain đang hiện hành tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh như Axie Infinity, C98, Bholdus, TomoChain, Kardia Chain,… 

Ngoài ra, mình cũng hy vọng các nền tảng này sẽ củng cố bảo mật để không bị hack. Dạo này có nhiều vụ hack lên đến hàng trăm triệu USD, kinh quá,..", Hiếu PC chia sẻ mong muốn về nền tảng blockchain tại Việt Nam.

Ngoài ra, trong bài viết của mình, Hiếu PC cũng để lại bình luận về một số các loại hình lừa đảo đa cấp nhị phân: "Nên để ý và tránh xa các loại hình lừa đảo đa cấp nhị phân, lợi nhuận cao và mấy cái nào có chữ ex như wefinex, pocinex gì đấy, hay có chữ defi đằng sau tên miền như bitcoindefi (đã bitcoin mà defi, bó tay). Thường đa phần là lùa gà, lừa đảo và hậu quả là nhà mất tài sản và nhiều hệ lụy khác", Hiếu PC bình luận thêm.

Trong thời gian qua, các sàn tiền ảo như Wefinex hay Bitcoindefi nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng Việt Nam. Thậm chí, nhiều thành viên còn tự nhận mình là các "chuyên gia đọc lệnh", "kẻ nắm giữ bí quyết tài chính",... Tuy nhiên, phần lớn các sàn tiền ảo này đều hoạt động theo hình thức kinh doanh đa cấp trái phép.

Trong phạm vi pháp luật, hiện nay, Việt Nam chưa công nhận các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số, chỉ có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng mới được cấp phép trong hoạt động giao dịch ngoại hối, các sàn giao dịch ngoại hối trên không gian mạng không được cấp phép.

Cơ quan công an khuyến cáo việc người dân tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch ngoại hôi trái phép sẽ rơi vào bẫy của các đối tượng giới thiệu là các sàn ngoại hối ở nước ngoài, nhưng thực tế là do các đối tượng thiết lập ra các sàn giao dịch ngoại hối trái phép trên không gian mạng, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người đầu tư.

Quốc Anh