|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hiểu đúng về T+0

16:51 | 25/07/2018
Chia sẻ
Khuôn khổ pháp lý TTCK Việt Nam đã có quy định về giao dịch trong ngày (T+0) quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC, nhưng quy định này chưa được triển khai trên thị trường cơ sở. Vì sao thị trường phái sinh triển khai được mà thị trường cơ sở chưa triển khai được? Cần thêm yếu tố gì để sàn cơ sở có thể áp dụng T+0? Nhân dấu mốc 18 năm TTCK Việt Nam, Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trả lời hai câu hỏi nhà đầu tư rất quan tâm này.
hieu dung ve t0 Chủ tịch VSD: Giao dịch T+0 có thể triển khai vào cuối 2018 hoặc đầu 2019

Cơ chế giao dịch trong ngày là gì?

Daytrading là cơ chế giao dịch trong ngày, trong đó nhà đầu tư có thể mua và bán cùng một loại chứng khoán (hay các sản phẩm tài chính khác) nhiều lần trong cùng ngày với mục đích đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận hoặc để hạn chế rủi ro do giá chứng khoán biến động theo chiều hướng đi xuống so với thời điểm mua vào.

Với việc thực hiện giao dịch trong ngày, vào cuối ngày, tất cả vị thế nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư sẽ được đối trừ (offset) với nhau, nên không phát sinh nghĩa vụ thanh toán chứng khoán, mà họ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán bằng tiền trong trường hợp bị lỗ hoặc được nhận tiền trường hợp lãi.

Chính vì vừa được mua và bán chứng khoán trong cùng ngày nên nhiều nhà đầu tư coi đây là giao dịch T+0 (thanh toán ngay trong ngày giao dịch) nhưng về bản chất đây chỉ là sự đối trừ về nghĩa vụ mua và bán chứng khoán cùng loại, khác hoàn toàn với quy định về thời gian thanh toán giao dịch mà các thị trường hiện đang áp dụng phổ biến hiện nay là T+1 (thanh toán giao dịch vào ngày sau ngày giao dịch) hay T+2 (thanh toán giao dịch vào ngày thứ 2 sau ngày giao dịch).

Mặc dù đem lại nhiều lựa chọn giao dịch hơn cho nhà đầu tư, nhưng giao dịch trong ngày được đánh giá là kỹ thuật giao dịch rất phức tạp, có tính rủi ro cao nên chỉ phù hợp với các nhà tổ chức đầu tư tài chính, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đối với nhà đầu tư cá nhân, giao dịch trong ngày chỉ được áp dụng với kèm theo những điều kiện nhất định.

hieu dung ve t0
Cơ chế giao dịch, bù trừ và thanh toán giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh có sự khác biệt rất lớn, nên so sánh về điều kiện thực hiện giao dịch trong ngày, tỷ lệ ký quỹ... trên hai thị trường này là hoàn toàn không hợp lý

Tại TTCK Mỹ, một nhà đầu tư được coi là nhà đầu tư giao dịch trong ngày (daytrader) trước hết phải thực hiện từ 4 lần giao dịch một loại chứng khoán cùng ngày trở lên trong 5 ngày giao dịch và giá trị các giao dịch này phải chiếm trên 6% tổng giá trị giao dịch trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư.

Tiếp đó, nhà đầu tư phải được công ty môi giới chấp thuận dựa trên những đánh giá về tiềm lực và kinh nghiệm đầu tư, thậm chí là phải đào tạo trước khi được chấp thuận.

Theo quy định của Cơ quan quản lý tài chính Mỹ (FINRA), một nhà đầu tư khi được chấp thuận là nhà đầu tư giao dịch trong ngày phải có ít nhất 25.000 USD đảm bảo bằng tiền mặt hoặc chứng khoán trên tài khoản ký quỹ, số tiền này phải được duy trì thường xuyên trên tài khoản và được quản lý tách biệt, không được dùng cho các mục đích ký quỹ giao dịch khác.

Nếu giá trị tài sản xuống dưới 25.000 USD, công ty môi giới sẽ không cho nhà đầu tư thực hiện các giao dịch trong ngày và yêu cầu nộp bổ sung ký quỹ cho đến khi đủ.

T+0: Sự khác biệt giữa thị trường cơ sở và phái sinh

Sự khác biệt giữa giao dịch trong ngày trên thị trường cơ sở và thị trường phái sinh trước hết là ở hàng hoá giao dịch. Trên thị trường cơ sở, hàng hoá giao dịch là các loại cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, trong khi trên thị trường phái sinh là các sản phẩm hợp đồng tương lai, quyền chọn hay hợp đồng kỳ hạn được thiết kế dựa trên các hàng hoá thị trường cơ sở.

Về giao dịch, khác với thị trường cơ sở, giao dịch trên thị trường phái sinh là giao dịch các loại hợp đồng, một dạng giao kết thực hiện nghĩa vụ của người mua và người bán với nhau trong tương lai theo các điều khoản đã được xác định trước, thế nên người người bán không nhất thiết phải có các sản phẩm cơ sở ngay khi thực hiện giao dịch và người mua cũng không phải nộp đủ tiền để thanh toán cho giao dịch của mình ngay, mà hai bên chỉ phải thực hiện ký quỹ tài sản (bằng tiền hoặc chứng khoán) để đảm bảo cho việc thực hiện cam kết của mình trong tương lai khi hợp đồng đến hạn

Thông thường, thanh toán giao dịch trên thị trường cơ sở sẽ được thực hiện trong thời gian từ T+1 đến T+3 tuỳ theo từng nước, còn đối với thị trường phái sinh, thời gian thực hiện hợp đồng có thể kéo dài từ 1 tháng, 3, 6 hoặc 9 tháng.

Do thời gian thanh toán giao dịch trên thị trường cơ sở diễn ra rất ngắn như vậy, nên hầu hết cơ quan quản lý thanh toán tại các nước đều đặt ra yêu cầu chặt chẽ về việc phải đảm bảo có đủ chứng khoán (đối với bên bán) và tiền (đối với bên mua) để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán vào ngày thanh toán.

hieu dung ve t0

Kể cả trong trường hợp chấp thuận cho giao dịch trong ngày, nhà đầu tư vẫn phải đảm bảo có đủ chứng khoán khi thực hiện bán thông qua việc quy định chỉ được bán khi đã thực hiện xong giao dịch mua trước đó hoặc phải có đủ nguồn chứng khoán đảm bảo khác như đang có chứng khoán chờ nhận về từ giao dịch mua ngày hôm trước hay có chứng khoán vay được từ bên thứ ba.

Trên thực tế, hầu như không có thị trường nào cho phép nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua bán trong ngày trên thị trường cơ sở khi không có tài sản đảm bảo. Đối với thị trường phái sinh, cơ sở để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hợp đồng giữa các bên là tài sản ký quỹ.

Mức ký quỹ cho thị trường phái sinh được thiết lập hoàn toàn khác với mức ký quỹ áp dụng cho thị trường cơ sở, nó được xác định dựa trên nhiều yếu tố như đo lường độ biến động về giá của sản phẩm cơ sở, sản phẩm phái sinh, tính thanh khoản và quy mô giao dịch của thị trường…, trên nguyên tắc tài sản ký quỹ sẽ là nguồn lực chủ yếu giúp bù đắp hay thay thế cho phần thiếu hụt thanh toán của nhà đầu tư.

Các giao dịch sản phẩm phái sinh có trạng thái đối nghịch nhau sẽ được đối trừ trong ngày để xác định ra nghĩa vụ ký quỹ yêu cầu phải nộp và nghĩa vụ thanh toán lãi lỗ vào ngày tiếp theo (T+1).

Trường hợp nhà đầu tư nắm giữ vị thế hợp đồng đến khi đáo hạn, việc thanh toán thực hiện hợp đồng sẽ được tiến hành vào ngày tiếp theo sau ngày giao dịch cuối cùng bằng tiền hoặc chuyển giao vật chất tuỳ theo từng sản phẩm.

Như vậy, các cơ chế giao dịch, bù trừ và thanh toán giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh có sự khác biệt rất lớn, cho nên các so sánh về điều kiện thực hiện giao dịch trong ngày, tỷ lệ ký quỹ cũng như thời gian thanh toán trên hai thị trường này, từ đó cho rằng thị trường phái sinh hấp dẫn hơn so với thị trường cơ sở là hoàn toàn không hợp lý và rất khập khiễng.

Cần thêm điều kiện gì để áp dụng cơ chế giao dịch trong ngày tại Việt Nam?

Khuôn khổ pháp lý thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã có quy định về giao dịch trong ngày quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC, nhưng trên thực tế quy định này chưa được triển khai. Về lý do tại sao thị trường Việt Nam chưa áp dụng cơ chế giao dịch trong ngày cho các giao dịch chứng khoán, vấn đề này trước hết cần nhìn nhận trên quan điểm toàn diện hơn là đánh giá trên khía cạnh kĩ thuật.

TTCK Việt Nam hiện tại đã có đầy đủ các hệ thống thanh toán cho các khu vực thị trường từ cổ phiếu, trái phiếu đến chứng khoán phái sinh, trong đó bao gồm các cơ chế bù trừ thanh toán cũng như quản trị rủi ro không thua kém gì so với khu vực.

Các điều kiện kĩ thuật không phải là vấn đề lớn, các yêu cầu về bài toán cho phép triển khai giao dịch daytrading cũng đã có trong dự án nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường do Sở GDCK TP.HCM làm chủ đầu tư sẽ được đưa vào vận hành trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đây chỉ là các điều kiện cần, còn việc cho phép triển khai hay khi nào cần có những đánh giá kĩ lưỡng các điều kiện thị trường một cách tổng thể, bao gồm năng lực quản trị của các công ty chứng khoán thành viên và quan trọng nhất là làm cách nào để có thể hạn chế thấp nhất thiệt hại, rủi ro cho nhà đầu tư khi triển khai một sản phẩm mới bên cạnh những lợi thế mà nó mang lại.

Thực tiễn triển khai tại các thị trường khác cho thấy, giao dịch trong ngày tiềm ẩn nhiều rủi ro cao cho nhà đầu tư và thị trường nếu không được kiểm soát tốt.

Ngay như tại TTCK Mỹ, dù đặt ra các yêu cầu cao về tài chính, kinh nghiệm đối với nhà đầu tư nhưng chỉ trên 10% các nhà đầu tư có lãi khi thực hiện các giao dịch này. Thị trường Singapore cũng có tình trạng tương tự.

Tại thị trường Đài Loan, mặc dù thành lập thị trường từ năm 1961 nhưng đến năm 2014, cơ quan quản lý mới cho phép áp dụng giao dịch daytrading.

Kinh nghiệm thực tiễn của các thị trường quốc tế là bài học quý đối với thị trường Việt Nam và thời điểm triển khai giao dịch mua bán chứng khoán trong ngày sẽ không thể là quyết định tức thời, mà sẽ được cơ quan quản lý cân nhắc kĩ lưỡng trên cơ sở những tính toán có lợi nhất cho thị trường khi điều kiện cho phép trong thời gian tới.

hieu dung ve t0
Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD

TTCK Việt Nam trải qua 18 năm hình thành và phát triển với rất nhiều thành tựu. Trong hoạt động thanh toán, thị trường đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận, ban đầu khi đi vào hoạt động năm 2000, thị trường chỉ có duy nhất hệ thống thanh toán cho các giao dịch cổ phiếu trên Trung tâm GDCK TP.HCM với thời gian thanh toán là T+4, đến nay thị trường đã có đầy đủ hệ thống thanh toán cho các giao dịch thị trường cơ sở (cổ phiếu, trái phiếu trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, chứng chỉ quỹ đầu tư) và TTCK phái sinh với những nâng cấp không ngừng về công nghệ để tự động hoá từng bước quy trình xử lý, qua đó cho phép rút ngắn thời gian thanh toán cũng như nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro.

Cụ thể, trong thanh toán giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, thời gian thanh toán hiện nay đã được rút ngắn xuống T+2, ngang bằng với hầu hết các thị trường phát triển trong khu vực và quốc tế. Hệ thống thanh toán giao dịch trái phiếu chính phủ với mô hình thanh toán tiền giao dịch kết nối trực tuyến với hệ thống thanh toán liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đưa vào vận hành từ tháng 8/2017 có thời gian thanh toán T+1, đã đáp ứng chuẩn thanh toán của quốc tế.

Bên cạnh đó, cùng với việc triển khai đồng bộ hệ thống giao dịch và hệ thống bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh tháng 8/2017 cũng đã góp phần vào việc khai trương thành công thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam, qua đó góp phần vào việc hoàn thiện cấu trúc và nâng tầm thị trường.

Để hướng đến mục tiêu xây dựng thị trường phát triển ngày càng an toàn, ổn định và mạnh mẽ hơn, VSD sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế về hoạt động, nhân lực, công nghệ và nâng cao chất lượng quản trị rủi ro các mặt hoạt động, trong đó có hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán.

Xem thêm

Trung tâm lưu ký chứng khoán