Điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường phái sinh?
Giá trị giao dịch phái sinh giảm 30% trong ngày đầu tăng tỷ lệ ký quỹ |
Từ ngày 18/7, tỷ lệ ký quỹ ban đầu được Trung tâm lưu ký Chứng khoán (VSD) nâng từ mức 10% lên 13% nhằm giảm thiểu rủi ro trên thị trường phái sinh. Việc nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu đồng nghĩa với việc cắt giảm tỷ lệ đòn bẩy đối với nhà đầu tư phái sinh. Tỷ lệ ký quỹ thực tế sau khi tính toán cộng thêm các ngưỡng sử dụng tài khoản cho phép và biên độ dao động giá sẽ cao hơn tỷ lệ ký quỹ thông báo.
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (Mã: SSI), với tỷ lệ ký quỹ 10% như trước đây, thì tỷ lệ ký quỹ thực tế tối thiểu các công ty chứng khoán có thể áp dụng là 12,5%, tương đương tỷ lệ đòn bẩy là 1:8. Với tỷ lệ ký quỹ mới áp dụng là 13%, tỷ lệ ký quỹ thực tế cũng phải nâng lên tương ứng trên 16% để đảm bảo cho cá công ty chứng khoán không vi phạm quy chế của VSD, tương đương tỷ lệ đòn bẩy giảm xuống 1:6.
Mặc dù tỷ lệ đòn bẩy giảm, các lợi thế về giao dịch T+0 và bán trước mua sau trong xu thế giá xuống vẫn là lợi thế quan trọng của các hợp đồng tương lai. Việc tăng tỷ lệ ký quỹ sẽ dẫn đến một số tài khoản bị gọi bổ sung ký quỹ.
Tuy nhiên nhà đầu tư có thể lựa chọn bổ sung ký quỹ để duy trì số lượng hợp đồng đang nắm giữ, hoặc đóng bớt vị thế hợp đồng mà không cần phải bổ sung tiền. Do đó, quyết định nâng tỷ lệ ký quỹ có thể không tác động nhiều tới dòng tiền trên thị trường phái sinh cũng như thị trường cơ sở. Việc thay đổi tỷ lệ ký quỹ không phải hiếm trên thế giới. Đây là công cụ để các sở giao dịch điều tiết thị trường bằng cách điều chỉnh linh hoạt tỷ lệ này phù hợp với diễn biến thị trường và mức độ rủi ro hiện hữu.
Nguồn: SSI Research |
Cụ thể, họ có thể nâng tỷ lệ ký quỹ khi nhận thấy rủi ro thị trường đang có xu hướng gia tăng và giảm tỷ lệ ký quỹ khi rủi ro giảm bớt. Trong năm 2011, khi giá Bạc tăng lên sát ngưỡng 50 USD/oz, rủi ro tăng mạnh cùng với mức độ biến động giá lớn, sàn giao dịch tương lai lớn nhất thế giới CME Group đã nâng tỷ lệ ký quỹ 11 lần trong năm. Cũng trong thời gian đó, thị trường Đồng đi ngang khá ổn định, rủi ro với các hợp đồng tương lai không đáng kể khiến sở giao dịch giảm tỷ lệ ký quỹ 2 lần trong cùng thời kỳ. Như vậy cần lưu ý 2 điểm về việc tăng tỷ lệ ký quỹ với giao dịch phái sinh.
Thứ nhất, đó là cần tăng tỷ lệ ký quỹ khi nhận thấy rủi ro thị trường tăng. Rủi ro ở đây phải hiểu là rủi ro liên quan đến biến động giá chứ không phải xu hướng giá. Thước đo rủi ro vì vậy không phải là mức tăng giảm giá mà là độ lệch chuẩn (standard deviation). Ngay cả khi thị trường tăng, nhưng mức biến động giá lớn thì việc tăng tỷ lệ ký quỹ cũng có thể thực hiện để giảm thiểu việc chạm ngưỡng cảnh báo hoặc thua lỗ lớn cho nhà đầu tư.
Thứ 2, tỷ lệ ký quỹ không chỉ có một chiều tăng mà có tăng và có giảm. Khi biến động thị trường giảm bớt, cụ thể độ lệch chuẩn giảm thì cũng cần giảm tỷ lệ ký quỹ để tăng tỷ lệ đòn bẩy, từ đó tăng khả năng sinh lời và hấp dẫn với nhà đầu tư.
Xem thêm |